Chuyên gia Nga – Mỹ vừa đồng loạt có phân tích chỉ ra những nhược điểm chết người trong lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.
Theo phân tích của chuyên gia hải quân, kỹ sư về tàu chiến Nga Alexander Shishkin, hiện nay tàu ngầm Trung Quốc vẫn còn 3 lỗ hổng chí tử chưa được giải quyết. Lỗ hổng đầu tiên chính là vấn đề tiếng ồn tàu ngầm phát ra quá lớn khi vận hành.
Với sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ công nghiệp quốc phòng, hệ sống sonar của các nước cũng đang không ngừng được thay mới, điều này khiến cho các cường quốc quân sự phải tăng cường giải quyết vấn đề giảm tiếng ồn của tàu ngầm.
Mặc dù Trung Quốc cũng đã tăng cường nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chưa có sự tiến triển rõ nét nào, thậm chí tiếng ồn trên tàu ngầm hạt nhân 094 của nước này còn cao hơn cả tàu ngầm 667BDR thế hệ cũ của hải quân Nga.
Điểm yếu tiếp theo chính là hệ thống AIP của tàu ngầm thông thường Trung Quốc vẫn chưa thể hiện được bước đột phá. Hiện nay tàu ngầm 039A của nước này vẫn sử dụng động cơ cũ mua của Thuỵ Điển, trong khi đó động cơ mà Thuỵ Điển sử dụng đã được cập nhật động cơ thế hệ 3.
Điều này có nghĩa là hệ thống AIP của Trung Quốc ít nhất vẫn lạc hậu hơn phương Tây 2 thời đại, về phương diện tàu ngầm thông thường, khoảng cách giữa Trung Quốc với tàu ngầm hiện đại của các nước khác là rất rõ rệt.
Điểm yếu tiếp theo mà chuyên gia Nga chỉ ra tuy không phải phương diện công nghệ, nhưng nó cũng ảnh hưởng không ít đối với tàu ngầm Trung Quốc, đó chính là tàu ngầm nước này chưa có kinh nghiệm tác chiến thực tế.
Theo chuyên gia Shishkin, tàu ngầm hiện đại cũng phải thông qua thực chiến để mà tích luỹ kinh nghiệm, lực lượng tàu ngầm của Nga lớn lên trong các cuộc đối đầu với các nước phương Tây. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc đang khá non kém.
Không chỉ bị chuyên gia Nga vạch điểm yếu, các chuyên gia Mỹ cũng chỉ rõ, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc còn rất nhiều điểm yếu mà nếu khai thác triệt để thì việc tiêu diệt lực lượng này là không quá khó.
Điểm yếu đầu tiên chính là lực lượng tàu ngàm Trung Quốc chủ yếu là những tàu ngầm thông thường. Tuy hải quân Trung Quốc sở hữu nhiều tàu ngầm nhưng chất lượng mới là yếu tố quan trọng nhất.
Toàn bộ tàu ngầm Mỹ đều là tàu ngầm hạt nhân, trong khi hiện nay hải quân nước này mới có khoảng 6 chiếc. Trong đó, chủ yếu là các tàu ngầm hạt nhân cũ.
Nếu tình hình thuận lợi nhất, số lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vào năm 2030 mới chỉ chiếm một nửa tổng số biến chế tàu ngầm nước này, với số lượng tên lửa mang theo hạn chế, cùng với khả năng tấn công hạt nhân yếu kém. Do đó, thực lực tàu ngầm của Bắc Kinh vẫn còn kém rất xa so với Washington.
Điểm yếu thứ 2 là quá ồn ào. Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo thuộc lớp Tấn (Type 094) của Trung Quốc sẽ không có cách nào xung trận mà không bị phát hiện, bởi vì với mức độ tiếng ồn của chúng như hiện nay, sẽ rất dễ dàng bị phát hiện bởi thiết bị sonar.
Tiếng ồn từ những tàu ngầm thế hệ mới nhất của Trung Quốc hiện nay còn cao hơn so với cả tàu ngầm 667BDR Kaľmar (Mực ống) kiểu cũ của Liên Xô, được trang bị từ những năm 70 của thế kỷ trước (NATO gọi là DELTA III).
Nhược điểm tiếp theo là hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc. Các chuyên gia Mỹ không hiểu là Trung Quốc làm thế nào để liên lạc với tàu ngầm khi nó đang hành trình, bởi hải quân nước này hiện chưa có loại máy bay đặc chủng, tương tự như E-6 Mercury của Mỹ (chuyên chỉ huy và giữ liên kết với lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo).
Do đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc không thể nhận lệnh từ Bộ chỉ huy chiến lược và các số liệu tình báo từ vệ tinh hay các hệ thống chỉ huy-cảnh báo sớm, đồng thời không thể liên kết với các lực lượng răn đe hạt nhân, cùng các lực lượng khác của hải quân.
Thiếu khả năng chỉ huy và liên kết, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc sẽ phải độc lập tác chiến, vừa không phát huy được hết sức mạnh tấn công của toàn bộ lực lượng, mà còn dễ bị tiêu diệt.
Nhược điểm thứ 4 chính là căn cứ tàu ngầm Trung Quốc dễ bị tấn công. Yếu kém tiếp theo đối với lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là thiếu căn cứ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo. Do đó, căn cứ tàu ngầm chiến lược lớn nhất tại đảo Hải Nam là mục tiêu không khó bị tấn công đối với lực lượng chống ngầm của Mỹ và các nước đồng minh.
Với khả năng tinh sát rất tốt của Mỹ, hiện căn cứ này đã nằm trong tầm ngắm của các vũ khí tấn công mặt đất tầm xa như tên lửa hành trình và cả tên lửa đạn đạo. Một khi có biến, căn cứ tàu ngầm ở vịnh Á Long-Tam Á sẽ là mục tiêu bị hủy diệt đầu tiên.