Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐiểm tinHải quân Mỹ nên lập ‘điểm thắt nút’ ở biển Hoa Đông...

Hải quân Mỹ nên lập ‘điểm thắt nút’ ở biển Hoa Đông để vây TQ

Nhà báo Mỹ J. Michael Cole gợi ý Hải quân Mỹ lập một “điểm thắt nút” trên biển Hoa Đông để cản đường tiến của hải quân Trung Quốc, khi Mỹ đã không thể ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông.

Một khu trục hạm Mỹ tuần tra FONOP ở Biển Đông – Ảnh: Reuters

Trong bài viết mang tựa “Đến lúc chặn Trung Quốc bành trướng trên biển” đăng trên trang National Interest ngày 21.7, nhà báo Cole nhắc khi ông Barack Obama còn là Tổng thống Mỹ, có lúc đồng minh do Mỹ dẫn đầu ở châu Á-Thái Bình Dương đã có thể phản ứng với việc Bắc Kinh ồ ạt chiếm các thực thể tự nhiên trên Biển Đông rồi cải tạo đất, quân sự hóa chúng.

Nhà báo Mỹ cho rằng Biển Đông đã thành “ao nhà” của Trung Quốc

Nhưng nay, khả năng ấy đã bị khép lại, khi Bắc Kinh đã thành công trong việc thay đổi khu vực mà không thể nào lật ngược được tình hình này, theo nhiều chuyên gia an ninh nhận định.

Nhà báo Cole viết nếu đúng như thế, thì hoạt động tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ là quá ít và quá trễ.

Trong bối cảnh này, Mỹ nên dồn nỗ lực chống tham vọng bành trướng lớn hơn của Trung Quốc ở các nơi khác, theo nhà báo Cole (ở Đài Loan) cũng là một nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện nghiên cứu chính sách của Trung Quốc thuộc đại học Nottingham (Anh).

Ông còn tốt nghiệp khóa nghiên cứu chiến tranh của Học viện quân sự hoàng gia Canada, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan an ninh tình báo Canada.

Ông Cole nêu: “Điều bất ngờ nhất ở Biển Đông 10 năm qua, không phải là Trung Quốc thành công trong việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa “ao nhà” này, mà là cộng đồng quốc tế không để ý đến hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Vẫn theo bài viết của nhà báo Cole, khi các nước đồng minh và đối tác trong khu vực hiểu rõ hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan trực tiếp tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương và Ấn Độ-Thái Bình Dương, thì họ cần suy nghĩ nghiêm túc, rằng liệu họ có thể “sống chung” với ý đồ Trung Quốc bành trướng lớn hơn nữa hay không.

Khu vực đầu tiên cần hỏi câu hỏi trên là vùng biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động quân sự, chủ yếu gần vùng đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.

Tại Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh đều dùng chiêu “cắt lát xúc xích” để dần dần giành đất và từ đó nghiêng cán cân có lợi cho Trung Quốc. Ở hai khu vực này, Trung Quốc gây tình hình “xung đột thường trực” và khi bị chú ý quá nhiều thì họ ngưng hành động, rồi vài tháng sau lại tiếp tục hoạt động lén lút.

Theo ông Cole, vì nhiều lý do như sức mạnh của Cục phòng vệ Nhật Bản cùng một thỏa thuận an ninh giữa Nhật-Mỹ-Bắc Kinh không giành được nhiều thứ ở biển Hoa Đông cho bằng ở Biển Đông.

Nhưng tàu cảnh sát biển và tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm nhập lãnh hải Nhật hoặc gần vùng Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp.

Và Hải quân cùng Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN và PLAAF) thường xuyên di chuyển qua Eo biển Miyako giữa Nhật với Đài Loan để vào vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Hoạt động này đã đạt cấp báo động trong vài năm gần đây.

Hải quân Mỹ rất cần lập “điểm thắt nút” ở biển Hoa Đông

Nhà báo Cole khẳng định: nếu không hành động thì chẳng khác nào giúp Bắc Kinh tìm cách đạt được tham vọng ở biển Hoa Đông, như đã đạt được ở Biển Đông.

Ông Cole gợi ý một giải pháp, mà nếu các đồng minh trong khu vực sẵn sàng có hành động chống Trung Quốc cụ thể, thì vùng biển Hoa Đông sẽ là “điểm thắt nút” đối với Trung Quốc.

Trong chiến lược quân sự, một “điểm thắt nút” có nghĩa một thực thể địa lý trên bộ (như thung lũng, cầu) hoặc trên biển (một eo biển) mà quân đội buộc phải đi qua, đôi khi trên một khúc hẹp và từ đó bị giảm khả năng chiến đấu, trước khi đến được nơi họ cần đến.

“Điểm thắt nút” có thể cho phép lực lượng phòng thủ yếu hơn vẫn đẩy lui được kẻ địch đông quân hơn, nếu kẻ địch không thể tận dụng thế đông hơn.

Trong trường hợp Hải quân Mỹ chọn lập “điểm thắt nút” trên biển Hoa Đông, thì PLA và PLAAF không còn có thể sử dụng 9 tuyến đường họ thường dùng để di chuyển vào vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Nhật-Mỹ và Đài Loan đều có khả năng chặn quân đội Trung Quốc ở “điểm thắt nút”, bằng cách dàn hệ thống phòng không, bộ binh và hải quân, cũng như củng cố đảo Yonaguni (của Nhật) vốn chỉ cách vùng biển Đài Loan 108 km về phía đông.

Dĩ nhiên, hành động chốt chặn PLA và PLAAF sẽ gây căng thẳng khu vực. Nhưng ông Cole nhắc, Trung Quốc vẫn ngang nhiên chiếm và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông, phớt lờ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) hồi tháng 7.2016, vốn tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, và bác “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ.

Nhà báo Cole nói, việc chốt chặn quân đội Trung Quốc có thể là một hành động đối phó của một liên minh châu Á, có tác động trừng phạt Bắc Kinh không hành xử như một cường quốc có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông viết mục tiêu của hành động bảo vệ luật pháp, vốn đòi sự điều phối giữa Nhật-Mỹ-Đài cùng với các đồng minh khác, nhằm không cho Trung Quốc có thể dùng biển Hoa Đông vào vùng biển Tây Thái Bình Dương, và hạn chế Trung Quốc đến Kênh Bashi giữa Đài Loan với Philippines.

Hoạt động chốt chặn này không cho Trung Quốc kiểm soát được biển Hoa Đông, đe dọa các tuyến hàng hải thương mại của Nhật, đe dọa sự hiện diện quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, cùng khả năng tàu ngầm Trung Quốc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Mỹ.

Nhà báo Cole viết rằng, từ các hoạt động quân sự hung hăng, Trung Quốc đạt nhiều thành quả ở Biển Đông, tạo nên một “điểm thắt nút” đối với các nước trong khu vực này.

Nhưng với bàn cờ phức tạp hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hành động kế tiếp của khối đồng minh của Mỹ phải là tự lập ra “điểm thắt nút” cho chính họ. Nếu liên minh không tạo ra “điểm thắt nút” này, thì không còn lý do nào để thắc mắc, rằng tại sao Trung Quốc lại không “lấn tới” ở vùng biển Hoa Đông, sau khi đạt thành công trong việc chiếm Biển Đông.

Mặt khác, với Nhật Bản, chiến lược “điểm thắt nút” sẽ củng cố quan hệ an ninh Nhật-Đài, và nhồi thêm tính khẩn cấp cho việc duy trì sự nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan.

Việc Đài Loan tiếp tục là một chủ thể là chìa khóa của chiến lược này, và là một rào chắn quan trọng, không cho Bắc Kinh vươn tới vùng biển Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhà báo Cole nhấn mạnh: nếu Mỹ không hành động cụ thể, những tuyên bố “xoay trục về châu Á”, “tái cân bằng” sẽ chỉ là khẩu hiệu hô suông, và dù có nguy cơ leo thang căng thẳng Mỹ-Trung, việc tiếp tục không hành động sẽ cho phép Trung Quốc lộng hành hơn trong những năm tới mà khối đồng minh không thể chịu được.

Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ là “quân ủy nhiệm” của PLAN

Tính chất khẩn cấp có hành động đối phó càng rõ ràng, sau khi Bắc Kinh tuyên bố chuyển quyền kiểm soát Cảnh sát biển Trung Quốc từ dân sự sang Ủy ban quân ủy trung ương (CMC) mà ông Tập là chủ tịch.

Nhà báo Cole nói chắc chắn Cảnh sát biển sẽ là “quân ủy nhiệm” của PLAN, và lực lượng này có phương tiện tốt hơn sẽ hành động hung hăng hơn nữa, nhằm để Trung Quốc “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” cả ở Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, cũng như thách thức thái độ của khối đồng minh của Mỹ.

Từ đó, sự không có phản ứng thích đáng với chiến lược “lát cắt xúc-xích” sẽ tạo ra thực tế mới trên biển và xa hơn, có thể gây bất ổn cho hệ thống pháp lý, nếu như các nước khác bắt chước Bắc Kinh, cũng quân sự hóa các cơ quan hàng hải dân sự của họ.

Tham vọng độc chiếm đại dương ngày càng tăng của Trung Quốc không chỉ tác động đến khả năng giữ vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, mà còn tăng nguy cơ an ninh đối với Đài Loan và Nhật. Đến một lúc nào đó, khối này sẽ phải chọn chiến lược trả đũa, hoặc chấp nhận Trung Quốc bành trướng và đã chiếm Biển Đông.

Nhà báo Cole kết luận: Mỹ sẽ phải sẵn sàng leo thang căng thẳng, không chỉ vài lần tuần tra FONOP và hải quân Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan. Ông nói nên bắt đầu tỏ thái độ ở biển Hoa Đông, vì ở Đông Bắc Á có 3 đối tác an ninh chính là Mỹ, Nhật và Đài Loan.

Ông cũng nhấn mạnh vùng biển này sẽ mãi là “điểm thắt nút”, không cho Trung Quốc đi vào phía Tây Thái Bình Dương, mãi đến khi nào Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền các nước khác thì mới thôi áp dụng chiến lược này.

RELATED ARTICLES

Tin mới