Thiệt hại trong chiến dịch đổ bộ cùng nguy cơ Mỹ can thiệp là những vấn đề Trung Quốc phải tính đến trước khi tấn công Đài Loan.
Tàu sân bay Liêu Ninh và biên đội hộ tống hoạt động trên biển. Ảnh: SCMP.
Quân đội Trung Quốc hôm 18/7 bắt đầu cuộc diễn tập bắn đạn thật dài 6 ngày tại khu vực từ cảng Chu San đến cảng Ôn Châu ngoài khơi bờ biển tỉnh Chiết Giang, có diện tích tương đương đảo Đài Loan.
Tờ Global Times, ấn phẩm phụ của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố cuộc tập trận gồm các bài tập phối hợp tác chiến phức tạp mô phỏng sát điều kiện thực chiến, nhằm phát đi thông điệp răn đe tới “các phần tử ly khai” Đài Loan.
Giới quan sát cho rằng cuộc tập trận này cùng những hoạt động diễn tập “bao vây Đài Loan” gần đây của không quân, hải quân Trung Quốc cho thấy quyết tâm ngày càng lớn của Bắc Kinh trong việc thống nhất hòn đảo, kể cả bằng vũ lực. Tuy nhiên, một chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào Đài Loan chắc chắn sẽ châm ngòi cho hành động can thiệp của Mỹ, gây ra nhiều rủi ro với Trung Quốc đại lục, theo SCMP.
Theo nhà bình luận quân sự Denny Roy, khi phát động chiến dịch đổ bộ nhằm tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức đầu tiên là các hệ thống phòng thủ bờ biển của hòn đảo.
Các tàu đổ bộ vốn di chuyển chậm chạp của Trung Quốc khi vượt qua eo biển rộng 160 km sẽ trở thành mục tiêu cho các loại tên lửa đất đối hải của Đài Loan. “Trung Quốc chỉ có khả năng vận chuyển khoảng vài chục nghìn quân cho mỗi lần đổ bộ. Phần lớn số binh sĩ này sẽ không qua được eo biển và số còn lại sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo gồm 180.000 lính chính quy và 1,5 triệu quân dự bị của Đài Loan”, Roy nhận định.
Để giảm thiểu rủi ro, quân đội Trung Quốc có thể không ngay lập tức đổ bộ trực tiếp vào Đài Loan, mà sẽ đột kích chiếm các đảo nhỏ xung quanh, tiến hành phong tỏa hải cảng, sân bay, tấn công hệ thống thông tin liên lạc trước khi trút tên lửa xuống hòn đảo.
Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ gia tăng khả năng Mỹ có biện pháp can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Nếu Washington quyết định can thiệp, máy bay chiến đấu Mỹ từ các căn cứ trong khu vực chỉ mất vài giờ để vận chuyển lực lượng tiếp viện, khí tài đến Đài Loan.
Trung Quốc có thể phóng tên lửa phá hủy các đường băng ở Đài Loan để ngăn cản tạm thời các chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh xuống hòn đảo, nhưng điều này sẽ làm giảm số lượng tên lửa tấn công Đài Loan. Việc máy bay Mỹ bị tấn công cũng tăng nguy cơ khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản tham chiến.
Roy nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan là phản ứng của Mỹ. Chính phủ Mỹ cho đến nay luôn có những biện pháp hỗ trợ Đài Loan nâng cao khả năng phòng thủ và ngăn chặn một đợt tấn công từ Bắc Kinh.
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây dường như không chỉ tập trung vào việc duy trì vai trò lãnh đạo chiến lược ở vành đai tây Thái Bình Dương, mà còn ngày càng thể hiện lập trường thách thức sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ thay vì đối tác.
Đa số nghị sĩ Mỹ ủng hộ phương án điều lực lượng tới hỗ trợ Đài Loan một khi hòn đảo bị tấn công, bởi họ nhận ra rằng vị thế của Mỹ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là tiêu tan, nếu Washington khoanh tay đứng nhìn Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm Đài Loan.
Theo các chuyên gia, Đài Loan được ví như tàu sân bay không thể chìm án ngữ chuỗi đảo thứ nhất và có vai trò ngăn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và thống trị Đông Á.
Bởi vậy, Roy tin rằng lập trường hiện nay của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan là “phản tác dụng”, có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển quan trọng hơn của Bắc Kinh. “Rõ ràng, Trung Quốc cần một hướng tiếp cận tốt hơn thay vì đe dọa tấn công Đài Loan”, ông nói.