Đập Tam Hiệp là công trình thủy điện vĩ đại nhất thế giới, và còn là trọng điểm chiến lược, thậm chí là mục tiêu tấn công trong các kịch bản xung đột quân sự với Trung Quốc.
(Ảnh: Sohu)
Đập Tam Hiệp, công trình vĩ đại nhất thế giới xưa và nay chắn ngang sông Dương Tử. Nó không chỉ có tác dụng kiểm soát lũ lụt và sinh điện năng mà còn là điểm đến du lịch trong thế kỷ XXI.
Đập dài 2.308m, cao 185m, chiều rộng đỉnh đê 15m, đáy đê 124m, được xây dựng từ 30 triệu m3 bê tông, sử dụng 30.000ha đất nông nghiệp để có hồ chứa khổng lồ rộng tới 80.300 km2. Báo giới Trung Quốc mô tả, đập Tam Hiệp như một vách núi bằng bê tông cốt thép được xây dựng trên nền đá hoa cương (granite), hết sức kiên cố.
Khả năng chống vũ khí hạt nhân
Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc, tổ trưởng Tổ chuyên gia đánh giá giai đoạn công trình Tam Hiệp, ông Thẩm Quốc Phảng lên tiếng nào năm 2011, khẳng định đập Tam Hiệp không chỉ kiên cố từ nền tảng cho đến kết cấu đập, mà còn được áp dụng nhiều biện pháp gia cố, đến mức sức công phá của chiến tranh thông thường không thể nào phá hủy nó được.
Nói cách khác, chỉ chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân mới có khả năng gây tổn thất cho đập Tam Hiệp.
Trong những năm qua, kịch bản “thiên hạ đệ nhất môn” của Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, cũng như khả năng chống chọi của nó, vẫn không ngừng được đưa ra phân tích. Các luồng ý kiến cũng tồn tại nhiều bất đồng.
Tháng 3/2016, nhóm 4 nhà khoa học thuộc Hiệp hội năng lượng hạt nhân Trung Quốc liên danh trong một báo cáo, nói rằng tấn công hạt nhân không phải là vấn đề thuộc phạm vi xử lý của các nhân viên phụ trách xây dựng công trình, mà liên quan tới an ninh quốc gia, phụ thuộc vào hoạt động củng cố năng lực quốc phòng của Trung Quốc.
Đáp lại, giáo sư Trương Bác Đình – kiến trúc sư cấp cao, Phó tổng thư ký hiệp hội công trình thủy điện Trung Quốc – tuyên bố khả năng chống chịu tấn công hạt nhân của đập Tam Hiệp đã được tính đến ngay từ giai đoạn thiết kế.
Ông Trương chỉ ra, các kết cấu như đập đất hay đập vòm bê tông… nếu bị tấn công bằng hạt nhân thì sẽ rơi vào tình trạng nứt vỡ và sụp đổ chỉ trong vài phút dưới sức ép của nước từ hồ chứa.
Trong khi đó, kết cấu ổn định của đập bê tông trọng lực Tam Hiệp có được nhờ vào trọng lượng các đoạn đê cùng với ma sát giữa các lớp đất đáy sông để cân bằng áp lực nước ở vùng thượng lưu sông Dương Tử.
Với tính chất như thế, theo ông Trương, ngay cả khi vách đập bị [đầu đạn hạt nhân] bắn thủng thì nước cũng chỉ lọt ra ở lỗ hổng đó, nhưng toàn bộ kết cấu đập chắc chắn không bị sụp đổ, và không tạo thành thảm họa “đại hồng thủy” như nhiều người lo sợ về kịch bản vỡ đập.
“Trọng binh” phòng thủ Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp có vị thế chiến lược đối với Trung Quốc. Bên cạnh sản lượng điện cung cấp tới 18.2GW, đập được ghi nhận góp phần nâng cao năng lực vận tải trên tuyến sông Trường Giang, lượng hàng hóa vận tải qua khu vực Tam Hiệp từ 10 triệu tấn tăng lên đến 50 triệu tấn. Ngoài ra, đập có tác dụng trong lĩnh vực ngăn lũ, chống hạn, du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo…
Trang quân sự của Sohu chỉ ra, đây là một trong những địa điểm được Trung Quốc bố trí “trọng binh” phòng thủ dày đặc nhất đất nước. Các hệ thống tên lửa phòng không và lực lượng cảnh sát vũ trang cơ động tạo thành mạng lưới bảo vệ vây quanh Tam Hiệp 24/7.
Về mặt giám sát phòng không, Quân giải phóng nhân dân (PLA) triển khai các hệ thống radar VLC-18, YLC-6 và VLC-15S do Trung Quốc sản xuất, bao phủ không phận từ 20km cho đến 70km xung quanh đập Tam Hiệp. Tổ hợp radar này tạo thành mạng lưới cảnh báo sớm tầm trung-cận, và được coi là “trạm tiền tiêu” trong hệ thống bảo vệ hồ chứa đập Tam Hiệp.
Về sức mạnh phòng không, hai sư đoàn tiêm kích lớn của không quân Trung Quốc được triển khai tại Trùng Khánh và Côn Minh, tạo thành “chiếc ô” bảo vệ hồ chứa Tam Hiệp theo chiều sâu vài trăm km.
Khí tài chủ lực của bộ phận đóng tại Trùng Khánh là mẫu biến thể nâng cấp J-11A/B của dòng máy bay tiêm kích J-11, ngoài ra còn có thể có các chiến đấu cơ Su-27SK. Một quân đoàn không quân ở Côn Minh thì được ghi nhận được trang bị loạt tiêm kích J-10. Tất cả đều là những khí tài nòng cốt trong hệ thống chiến đấu chủ lực của không quân Trung Quốc hiện đại.
Hạ tầng vũ khí trên mặt đất bên cạnh các hệ thống pháo cao xạ, PLA lựa chọn các hệ thống tên lửa đối không HQ-9 làm trung tâm của lá chắn phòng thủ đập Tam Hiệp.
Sohu cho hay, đây là hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, nhằm vào các dòng máy bay chiến đấu chủ yếu trên thế giới hiện nay, cũng như các loại tên lửa hành trình và cả một số loại tên lửa đạn đạo tầm trung ngắn. HQ-9 được cho là có thể chống lại nhiều mục tiêu trên không trong bán kính 100km.
Lá chắn tên lửa HQ-9 cùng với HQ-16, HQ-10 – với số lượng lên tới hàng vạn tên lửa phòng không tầm ngắn, trung, xa – tổ hợp thành phòng tuyến bảo hộ thứ hai cho đập Tam Hiệp.
Ngoài hệ thống phòng thủ xung quanh Tam Hiệp, quân đội Trung Quốc còn xây dựng tuyến phòng không thứ hai, với cơ sở đặt tại các tỉnh miền Trung như Giang Tây, Quý Châu, An Huy…
Đập Tam Hiệp trước sức tấn công của tên lửa hành trình hiện đại
Trung Quốc từng thực hiện các cuộc thực nghiệm mô phỏng trên máy tính, kết quả cho thấy chỉ vũ khí hạt nhân chiến lược với sức công phá từ 1 triệu tấn trở lên phát nổ ở vị trí phía trên đập Tam Hiệp thì mới gây ra được tổn hại kết cấu vĩnh viễn đối với đập này.
Thiếu tướng, giáo sư ĐH Quốc phòng Trung Quốc Trương Triệu Trung nói rằng, Trung Quốc cũng là quốc gia sở hữu sức mạnh hạt nhân quân sự, và có khả năng chống tấn công hạt nhân tương ứng.
Các loại tên lửa hành trình chủ yếu hiện nay đều không có kích thước lớn, khối lượng thường dưới 1.5 tấn và bộ phận đầu đạn thường không quá 500 kg. Ví dụ tên lửa Tomahawk của Mỹ mang đầu đạn khoảng 454kg.
Sohu bình luận, những đầu đạn với kích cỡ như vậy có thừa khả năng bắn phá các boong ke hay nhà chứa máy bay (hangar), nhưng tấn công một công trình có tổng khối lượng trên 27 triệu tấn như đập Tam Hiệp thì không khác gì “muỗi đốt inox”.
Tổng thống quá cố của Iraq Saddam Hussein từng xây dựng một hầm chỉ huy bên dưới phủ tổng thống của ông, ở vị trí sâu từ 12m tới 18m. Đây là một kết cấu bê tông cốt thép 3 tầng, với tường dày từ 1.8-2.4m. Phần phía trên của trung tâm chỉ huy là một vách chống đạn nằm ở độ sâu 10m dưới mặt đất, dày khoảng 60cm, có khả năng chịu sức công phá trực tiếp 225kg và mức độ giảm chấn tốt.
Các chuyên gia xây dựng đánh giá, phải cần 16 quả tên lửa Tomahawk để phá hủy căn hầm kiên cố này. Còn theo so sánh trên Sohu, “mật thất” của ông Saddam chỉ giống như một… hộp diêm so với “cỗ xe tăng” Tam Hiệp.
Ngoài bom hạt nhân, vũ khí nào có thể phá đập của Trung Quốc?
Các phân tích của Trung Quốc đa số chỉ ra rằng mọi ý định phá hủy hoàn toàn kết cấu đập Tam Hiệp gần như là bất khả thi, tuy nhiên vẫn thừa nhận công trình vĩ đại này có thể bị đe dọa.
Cũng theo Sohu, sức mạnh phi hạt nhân duy nhất có thể gây thiệt hại cho đập Tam Hiệp là bom siêu nặng MOP (Massive Ordnance Penetration) của Mỹ.
Sau khi nhận vào trang bị vào năm 2011, MOP được đặt ký hiệu là GBU-57. Bom có chiều dài gần 6 m, khối lượng 13.6 tấn, đầu đạn 2.5 tấn, cho phép xuyên sâu đến 60m bê tông cốt thép thông thường hoặc 8m bê tông siêu bền trước khi phát nổ.
MOP được chở bằng oanh tạc cơ tàng hình B-2, và do khối lượng bom rất lớn nên một máy bay chỉ có thể mang theo 1 quả bom.
Sohu nhận xét, chỉ 1 quả bom MOP thì chưa đủ để gây tổn hại đến phần hồ chứa đập Tam Hiệp. Theo đó, sức công phá của quả bom này chỉ có thể tạo thành một lỗ hổng có kích thước dài 25m, rộng 20m và cao 10m trên vách đập. Nói cách khác, phải cần một phi đội B-2 của Mỹ để mang tới số lượng bom cần thiết.
Tuy nhiên, một nhóm chiến đấu cơ như vậy có vượt qua được các lớp phòng thủ từ radar, không quân và lá chắn tên lửa mặt đất của PLA hay không vẫn là kịch bản rất khó lường.
Truyền thông Trung Quốc những năm gần đây tin rằng với các lớp phòng thủ trùng điệp và thiết kế kiên cố ngay từ ban đầu, đập Tam Hiệp thực sự là một công trình “tường đồng vách sắt”.
Con đập trên sông Dương Tử cũng được tuyên bố là “giới hạn đỏ của Trung Quốc”, bất kỳ kế hoạch nào tấn công vào đập Tam Hiệp cũng đi kèm hậu quả là rủi ro chiến tranh toàn diện hay chiến tranh hạt nhân với Bắc Kinh.
“Người dân cả nước có thể yên tâm” – trang Sohu khẳng định.