Theo đánh giá của các chuyên gia đăng trên tờ Nikkei Asian Review hôm 24/7, Úc trở thành một ví dụ tiêu biểu, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tờ Nikkei Asian Review (NAR) đặt câu hỏi: “Làm thế nào các nước có thể khuyến khích những mối quan hệ cùng có lợi với một Trung Quốc, đang ngày càng trở nên độc đoán, mà không cúi đầu trước sự ép buộc của Bắc Kinh”?
Theo NAR, câu trả lời cho vấn đề này xuất hiện rõ nét nhất ở Úc.
Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Úc, nhưng chính quyền Canberra đang nỗ lực mạnh mẽ, chống lại những can thiệp chính trị và đầu tư của Trung Quốc, vào những lĩnh vực nhạy cảm trong khi các nước khác đang theo dõi sát sao xem Úc sẽ gặp phải những phản ứng tiêu cực gì từ Trung Quốc.
Cựu phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Tom Mahnken, phụ trách về tạo lập chính sách dưới thời Tổng thống George W. Bush, và hiện là lãnh đạo Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách, cho rằng: “Úc đang dẫn dắt Mỹ trong việc nhận thức và đáp trả chiến tranh chính trị của Trung Quốc, và trong kỹ năng quản lý nhà nước. Chính phủ Úc đã buộc phải đối phó với những thách thức của đầu tư Trung Quốc, vào hạ tầng và những lĩnh vực chủ chốt, cũng như với những thủ đoạn của Bắc Kinh thao túng quan điểm của công chúng và giới ưu tú Úc”.
Theo ông Mahnken, kinh nghiệm của Úc “chứa đựng những bài học” cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Thử thách tiếp theo là việc công ty Trung Quốc Huawei Technologies tham gia vào gói thầu xây dựng mạng viễn thông không dây 5G của Úc. Sự tham gia của Huawei, được xem là một rủi ro an ninh quốc gia, là “một quyết định khó khăn nhưng rất có thể sẽ bị ngăn chặn”, theo ông Michael Shoebridge, giám đốc chiến lược và quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, một tổ chức tư vấn được tài trợ một phần bởi Bộ quốc phòng Úc.
Tuy nhiên, theo NAR, mối quan ngại lớn nhất chính là Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới. Kể từ khi Huawei phải đối mặt với sự đối kháng mạnh mẽ ở Mỹ, công ty này cần thâm nhập vào các thị trường khác như Úc.
Tuy nhiên, Luật tình báo của Trung Quốc, có hiệu lực từ năm ngoái, gây ra sự nghi ngờ về các doanh nghiệp Trung Quốc, hoạt động ở nước ngoài. Điều 7 của Luật này quy định: “Tất cả các tổ chức và công dân” phải “hợp tác trong công tác tình báo quốc gia”, và bảo vệ bất kỳ bí mật nào mà họ được chia sẻ. Đổi lại, nhà nước [Trung Quốc] sẽ “bảo vệ” những cá nhân và tổ chức này. Nói cách khác, ngay cả các công ty “tư nhân” như Huawei, cũng có thể là đặc vụ của của Bắc Kinh. Nhưng, ông John Lord, chủ tịch Huawei Technologies tại Úc, lại cứ khăng khăng nói với các nhà báo rằng: “Luật này không có tính chính thống ở bên ngoài Trung Quốc”.
Tuy nhiên, với quan điểm hoàn toàn khác, ông Shoebridge khẳng định không thể tin rằng luật pháp Trung Quốc “lại không vượt cao hơn hẳn” luật pháp địa phương.
Trên thực tế, công ty Huawei đã bị chính phủ Úc giám sát nghiêm ngặt trong nhiều năm. Ví dụ như, năm 2012, Huawei đã bị cấm tham gia đấu thầu một dự án ‘băng thông rộng’ quốc gia. Gần đây hơn, công ty bị ngăn không cho tham gia dự án xây dựng môt mạng lưới cáp internet dưới đáy biển, kết nối Sydney với quần đảo Solomon, cùng với một mạng lưới trong nước ở quốc gia Papua New Guinea.
Một quyết định khác sắp đưa ra, có thể cho thấy rõ nghi ngờ của Canberra đối với Trung Quốc.
Tập đoàn Cheung Kong, một công ty đại tổ hợp của Hồng Kông, do tỷ phú Lý Gia Thành (Li Ka-shing) sáng lập, được cho là mục tiêu đầu tiên bị nhắm tới bởi một Ủy ban mới của Úc về hạ tầng, thuộc Hội đồng Xét duyệt Đầu tư Nước ngoài. Ủy ban này do Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull thành lập, với nhiệm vụ đánh giá những rủi ro an ninh quốc gia, trong các dự án đầu tư nước ngoài ở Úc.
Với giá bỏ thầu 12,98 tỷ đô la Úc (9,65 tỷ USD), Cheung Kong đề xuất mua lại Tập đoàn APA của Úc, kiểm soát gần 60% đường ống dẫn khí tự nhiên tại quốc gia này. Theo ông Shoebridge, có “khả năng rất lớn”, dự án đầu tư này sẽ không được Úc phê chuẩn.
Với việc Hồng Kông ngày càng bị Bắc Kinh khống chế, Luật tình báo của Trung Quốc được xem cũng áp dụng đối với Tập đoàn Cheung Kong.
Trên rất nhiều khía cạnh, mối quan hệ Trung – Úc chưa bao giờ tồi tệ hơn bây giờ.
Mối quan hệ này đã suy giảm trong năm 2015, sau khi một công ty Trung Quốc được phép thuê 99 năm đối với Cảng Darwin, một địa điểm chiến lược đón tiếp sự luân phiên của Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Năm ngoái, một dự án hợp hợp doanh với một công ty nhà nước của Trung Quốc, dành được quyền thuê Cảng Newcastle với thời hạn 98 năm, một cảng xuất khẩu than lớn nhất của thế giới.
Những dự án này và những thương vụ khác, đã làm gia tăng cảm giác ở Úc rằng có quá nhiều tài sản nhạy cảm đang rơi vào tay người Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Tổng công ty lưới điện Trung Quốc ‘State Grid’ và Tập đoàn Cheung Kong sau đó đã bị ngăn chặn mua lại cơ sở hạ tầng điện. Việc bảo vệ đầu tư ở Úc đã được mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản.
Thủ tướng Turnbull cũng đã tìm cách làm lộ rõ sự can thiệp đầy nghi vấn của Trung Quốc, vào chính trường nước này. Chính phủ Úc, theo xu hướng cánh hữu của ông Turnbull, đã đề xướng một bộ luật, thực thi sự minh bạch, liên quan đến những khoản quà biếu, và những người vận động hành lang.
Tình trạng thù địch có vẻ trở nên sâu sắc hơn, trong đó quan hệ ngoại giao ngần như đóng băng, tờ NAR nhận xét.
Theo một thỏa thuận về thăm viếng lẫn nhau cấp nhà nước, Thủ tướng Turnbull dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, có thông tin rằng chuyến thăm có thể bị trì hoãn. Cuộc gặp gỡ lần cuối cùng của họ, đã diễn ra hơn một năm trước, vào tháng 3/2017.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã không đến Bắc Kinh trong 2 năm, nhưng đã gặp gỡ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, bên lề Hội nghị G20 ở Argentina vào tháng 5/2018.
Theo truyền thông Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo đã đến Thượng Hải cũng trong tháng đó, một chuyến thăm cấp bộ đầu tiên được thực hiện trong 8 tháng. Nhưng ông Steven đã không thể sắp xếp một cuộc gặp với người đồng cấp tại Bắc Kinh.
Dòng tiền từ Trung Quốc cũng đang cạn đi. Một báo cáo từ Đại học Sydney và công ty kiểm toán KPMG cho thấy giá trị đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Úc từ Trung Quốc, đã giảm 89% trong năm 2017. Lần đầu tiên trong 4 năm, đầu tư không bao gồm lĩnh vực ưu tiên truyền thống về khai thác mỏ và bất động sản, đã giảm 11%, xuống còn 10,3 tỷ đô la.
Các hậu quả rõ ràng khác bao gồm việc Trung Quốc ‘trả đũa’ khi tiến hành thông quan chậm hơn, đối với các sản phẩm nông nghiệp của Úc, và chiến dịch ngăn cản sinh viên Trung Quốc đến Úc du học.
Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh, theo một cuộc khảo sát gần 50 giám đốc điều hành người Trung Quốc tại Úc. Được tiến hành đầu năm nay, cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 1/3 số người được hỏi, cảm thấy được chào đón khi đầu tư vào Úc, giảm từ khoảng 50% trong năm 2014. 70% nói rằng việc va chạm chính trị giữa 2 nước, đã khiến họ thận trọng hơn khi đầu tư vào Úc.
Việc Úc ngăn chặn công ty Huawei tham gia gói thầu mạng 5G, cũng làm tăng thêm sự tức tối của doanh nghiệp Trung Quốc.
Liên quan đến việc Huawei bị Úc ngăn chặn, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Chúng tôi lo lắng về những báo cáo này”.
Nhưng, mối quan hệ có thể trở thành tồi tệ hơn bao nhiêu trong khi Australia và Trung Quốc cần nhau về kinh tế?, tờ NAR đặt câu hỏi.
Đối với Trung Quốc, tài nguyên thiên nhiên của Úc là không dễ thay thế. Là một nhà sản xuất hàng hóa, “Úc thực sự có được một vị thế tương đối mạnh ở Trung Quốc”, ông Mahnken nhận xét.
Tuy nhiên, ông Shoebridge lưu ý 99% đầu tư của Trung Quốc tại Úc, là vẫn được phê chuẩn. Chỉ có một vài dự án có tầm quan trọng chiến lược, bị Úc đưa ra ngoài giới hạn.
Đầu tư của Trung Quốc giảm sút một phần là do số lượng hạn chế các dự án hạ tầng hấp dẫn của Úc, còn lại để đầu tư. Việc Trung Quốc kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài cũng là một trong các nguyên nhân.
Đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng Úc đã giảm mạnh trong năm 2017 – Nguồn: NAR
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên toàn thế giới của Trung Quốc đã giảm 26% vào năm ngoái khi khi Bắc Kinh ngăn chặn các quan chức của Đảng di dời tài sản ra nước ngoài, chủ yếu thông qua việc mua lại bất động sản.
Do ‘bận rộn’ chiến tranh thương mại với Mỹ, việc Bắc Kinh xa lánh các nước khác có thể không phải là động thái tốt nhất.
“Theo tình hình quốc tế hiện nay, Trung Quốc cần bạn bè hơn là kẻ thù”, ông Stephen Wong Yuen-shan, giảng viên tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cho biết.
Trong khi thừa nhận Trung Quốc sẽ không vui vẻ gì nếu Úc đóng sập cửa đối với Huawei, ông Wong cho rằng Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ cố gắng cải thiện hiện trạng hơn là trả đũa, mặc dù nó có thể thay đổi nếu chiến tranh thương mại leo thang, và Mỹ lôi kéo Úc liên minh với họ.
“Thật khó để dự đoán những gì sẽ xảy ra sau đó”, ông Wong nhận xét.
Ông Joshua Kurlantzick, thành viên cao cấp của khu vực Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết có những giới hạn đối với những gì Thủ tướng Turnbull có thể làm, mà không gây rủi ro cho mối quan hệ kinh tế.
Lưu ý 30% xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc như thế nào, ông Joshua nói: “Tôi không thấy ông Turnbull có thể thúc đẩy nó thêm nữa như thế nào …. đó là một sự cân bằng rất mỏng manh”.
Nhưng ông Joshua cũng cho biết Trung Quốc “chắc chắn có khả năng thách thức quan hệ ngoại giao với các nước theo một cách nào đó, trong khi có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ”.
Ít nhất, sẽ có nhiều sự tranh cãi hơn trong ngắn hạn. Úc và New Zealand dự kiến đưa ra một ‘dàn xếp an ninh tăng cường’ tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở đảo Nauru vào tháng 9 tới, một nỗ lực ‘không che đậy nhiều’, để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Bắc Kinh có lẽ không vui đón nhận điều này.
Sau khi Ngoại trưởng Úc Bishop ám chỉ đầu tư của Trung Quốc đang gây gánh nặng cho các quốc gia Thái Bình Dương với khoản nợ không bền vững, bà Hoa Xuân Oánh đã phản bác hôm 18/7, chất vấn: “Họ có thể nêu một ví dụ với những chi tiết cụ thể rằng ở đâu, khi nào và Trung Quốc đã gây ra những khoản nợ không bền vững như thế nào?”
Thông thường, với Trung Quốc, các mối quan hệ đã trở nên ngay ngắt, chỉ có thể được phục hồi khi chính phủ khác thay đổi. Vì vậy, triển vọng quan hệ Trung – Úc có thể xoay quanh việc liệu ông Turnbull và chính phủ của ông có giành thêm được một nhiệm kỳ 3 năm nữa trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới hay không?, tờ NAR nhận định.