Friday, October 18, 2024
Trang chủBiển nóngXu hướng phát triển năng lượng trên biển của TQ trong những...

Xu hướng phát triển năng lượng trên biển của TQ trong những năm tới

Trong năm 2016, Trung Quốc công bố Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), trong đó trọng tâm là đẩy mạnh đổi mới sản xuất năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu cung – cầu năng lượng, xây dựng hệ thống năng lượng hiện đại, an toàn, hiệu quả và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vấn đề phát triển năng lượng trên biển được cho là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và củng cố “chủ quyền” phi pháp ở Biển Đông.

Mô hình trạm điện hạt nhân nổi của Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc

Trọng tâm kế hoạch phát triển năng lượng trên biển của Trung Quốc:

(1) Nâng cấp, tối ưu hóa nguồn cung năng lượng thông qua: Xây dựng quy hoạch tổng thể và thúc đẩy phát triển của các nguồn năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời; xây dựng vành đai điện hạt nhân ven biển; nhanh chóng phát triển năng lượng sinh học, khí thiên nhiên, năng lượng từ sóng biển; thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi mô hình công nghiệp hóa lọc dầu, triển khai chương trình nâng cao chất lượng dầu thành phẩm. (2) Xây dựng mạng lưới vận tải năng lượng hiện đại: Quy hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển các hình thức vận chuyển năng lượng, dầu khí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân chia năng lượng; nhanh chóng xây dựng mạng lưới vận chuyển và trữ năng lượng hiện đại, hỗ trợ cho nhau, thuận tiện và đảm bảo an toàn; tối ưu hóa việc xây dựng mạng lưới điện và hệ thống truyền tải điện giữa các khu vực; nhanh chóng xây dựng đường ống dẫn dầu nhập khẩu chiến lược trên bộ; xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân phối dầu khí. (3) Xây dựng hệ thống năng lượng thông minh: Nhanh chóng thúc đẩy phát triển công nghệ hóa trong toàn bộ quy trình và toàn bộ lĩnh vực năng lượng; nâng cao khả năng tự thích ứng một cách bền vững; các ứng dụng liên quan phát triển năng lượng, quản lý, phân phối và tích trữ.

Để thực hiện chiến lược trên, Trung Quốc sẽ tập trung triển khai một số công trình trọng điểm, gồm:

 (1) Xây dựng hệ thống điện thông minh: Trung quốc sẽ thúc đẩy xây dựng thí điểm các nhà máy phát điện chất lượng cao, các công trình trọng điểm, các trạm tích trữ điện năng, năng cao hiệu quả vận hành và năng lực điều phối hệ thống điện. (2) Năng lượng tái sinh: Song song với việc khai thác thủy điện khu vực Tây Nam, Trung Quốc sẽ tập trung xây dựng các dự án điện gió trên biển, điện mặt trời ở khu vực duyên hải và khu vực phía Bắc Trung Quốc; trước mắt xây dựng các dự án thí điểm về phát triển điện mặt trời và khu tổng hợp năng lượng quốc gia tại Ninh Hạ; các dự án thí điểm về năng lượng tái sinh ở Thanh Hải và Trương Gia Khẩu; đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển với công suất lớn. (3) Phát triển điện hạt nhân: Thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng hệ thống điện hạt nhân trên biển, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo nhân tạo Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông; đồng thời xây dựng các cơ sở xử lý chất thải hạt nhân quy mô lớn và các hệ thống đảm bảo an toàn hạt nhân. (4) Đẩy mạnh khai thác dầu khí truyền thống: Trung Quốc sẽ triển khai các dự án khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên tại thung lũng Thẩm Thúy, thung lũng Ordos và Thúy Hưng (Qúy Châu); khẩn trương triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực Trường Ninh và Ngụy Viễn (Tứ Xuân), Phù Lăng (Trùng Khánh), Chiêu Thông (Vân Nam), Diên An (Thiểm Tây) và Đồng Nhân (Quý Châu), đồng thời xúc tiến triển khai các dự án khai thác dầu thô, khí thiên nhiên và băng phiến trên các vùng biển của Trung Quốc. (5) Phát triển hệ thống chuyển tải năng lượng: Trung Quốc sẽ tập trung triển khai hàng loạt dự án xây dựng và nâng cấp các hệ thống truyền tải điện trọng điểm ở khu vực Tây Bắc, Tây Nam, Hoa Bắc và Đông Bắc, xây dựng các hệ thống dẫn dầu và khí đốt nhập khẩu chiến lược từ bên ngoài lãnh thổ tới khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam; hoàn thiện mạng lưới đường ống dẫn khí đốt huyết mạch quốc gia với chủ đạo là dự án đường ống vận chuyển khí từ Tây sang Đông, đường ống Thiểm Kinh và đường ống Tứ Xuyên. (6) Tiếp tục phát triển cơ sở tích trữ dầu khí: Triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn II công trình tích trữ dầu thô quốc gia; tăng cường xây dựng các kho dự trữ dầu thành phẩm, khí thiên nhiên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. (7) Tăng cường trang bị kỹ thuật then chốt trong lĩnh vực năng lượng: Hoàn thiện công nghệ khai thác dầu khí phi truyền thống tại các vùng biển sâu, tầng địa chất sâu; phát triển các thiết bị hiện đại phục vụ khai thác các nguồn năng lượng mới như băng cháy; tạo bước đột phá về phát triển chất liệu siêu dẫn và các thiết bị truyền tải điện thông minh.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh khai thác, phát triển nguồn năng lượng trên biển có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trong khu vực

Khu vực Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên dầu khí, băng cháy lớn; có đầy đủ các điều kiện cần và đủ để sản xuất, lắp đặt các nhà máy sản xuất điện từ gió, sóng biển, năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” (chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông) và triển khai các dự án phát triển năng lượng ở trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông. Tòa Trọng tài (7/2016) theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn” và mọi hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực biển này đều là vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Biển Đông hiện đang là điểm nóng về an ninh trong khu vực, cũng như trên thế giới, hiện khu vực này tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước, 6 bên. Vì vậy, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất điện trên biển trong khu vực sẽ khiến căng thẳng gia tăng, đặc biệt là các hoạt động trên của Bắc Kinh sẽ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển.

Không những vậy, Trung Quốc thúc đẩy sản xuất điện trên biển để phục vụ các hoạt động quân sự phi pháp và nhằm ngụy tạo chứng cứ pháp lý, tìm cách khẳng định “chủ quyền” đối với khu vực Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược lại các cam kết song phương, đa phương mà Trung Quốc đã tham gia, ký kết; đồng thời, nó cũng vi phạm nhiều quy định luật pháp quốc tế. Những hành động này góp phần thực hiện kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, gây ảnh hưởng trực tiếp đối với an ninh, ổn định trong khu vực.

Nhìn chung, trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo, đưa vào ứng dụng các nhà máy sản xuất điện trên biển, nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo, đá đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn đe dọa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới