Nếu lính thủy đánh bộ Mỹ được điều đến để bảo vệ cho Học viện Mỹ ở Vùng lãnh thổ Đài Loan (AIT) – nơi trên thực tế chẳng khác nào Đại sứ quán của Mỹ ở Đài Loan, thì Bắc Kinh sẽ xem đó là hành động “phá hoại nghiêm trọng” và “thậm chí là hành động xâm lược của quân đội Mỹ vào đất của Trung Quốc”, một bài xã luận trên tờ báo của nhà nước Trung Quốc số ra ngày 29/7 đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh như vậy.
Một nguồn tin mới đây cho biết, quân đội Mỹ dự kiến sẽ triển khai lực lượng quân sự đến tòa nhà AIT lớn ở Đài Loan với mục đích để bảo vệ các nhân viên của Mỹ ở đó. Bắc Kinh sẽ xem hành động này là “sự phá hoại chính sách Một Trung Quốc”, bài xã luận được đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố. Trong bài báo này, Trung Quốc cũng cảnh báo, hành động của Mỹ là cơ sở để Bắc Kinh triển khai “ngày càng nhiều biện pháp đáp trả mà Washington sẽ phải đối mặt”.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa quyết định liệu có triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ đến tòa nhà của AIT như ở các Đại sứ quán khác của Mỹ trên khắp thế giới hay không, ông David An – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Đài Loan Toàn cầu, cho biết. Tuy nhiên, AIT dù thực hiện chức năng như một Đại sứ quán của Mỹ thì về mặt lý thuyết không phải là một Đại sứ quán – một sự phân biệt quan trọng trong vấn đề ngoại giao nhạy cảm giữa Washington, Bắc Kinh và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Một loạt vấn đề khác, như là các quân nhân của Mỹ mặc quân phục hay quần áo bình thường, cũng chưa được quyết định.
Dựa trên những thực tế trên, nhà nghiên cứu An cho biết: “Tôi có cảm giác là quyết định cuối cùng vẫn đang được xem xét bên trong Bộ Ngoại giao Mỹ”. Ông An từng là một chuyên gia về các vấn đề chính trị quân sự phụ trách khu vực Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2009 đến 2014.
Việc quyết định trên vẫn chưa được đưa ra không ngăn được tờ Thời báo Hoàn cầu ra một bài báo trong đó có những lời lên án mạnh mẽ đối với hành động được miêu tả là mang tính khiêu khích của Mỹ: “Nếu lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ công khai đến đóng tại AIT trong bộ quân phục của họ thì bước đi đó sẽ được Bắc Kinh xem là hành động phá hoại chính sách Một Trung Quốc hoặc thậm chí là hành động xâm lược của quân đội Mỹ vào đất của Trung Quốc”, tờ Thời báo Hoàn cầu cảnh báo.
“AIT cũng sẽ được xem là thành trì đầu tiên để Mỹ tiến hành hành động xâm lược Trung Quốc. Chính quyền của Nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai Ing-wen sẽ được coi là một nhóm phản bội đất nước. Thực trạng đó, từ quan điểm chiến lược cho thấy AIT sẽ trở thành khu vực không an toàn nhất ở Đài Loan và là một dây dẫn lửa cho các cuộc xung đột”, tờ Thời báo Hoàn cầu đã viết như vậy.
Bài báo của Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng, nếu Washington “khuấy động rắc rối và tạo ra những sắp xếp cực đoan, họ biết rõ Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào”. Tuy nhiên, theo ông An, việc có 10, 20 hoặc thậm chí là 30 lính thủy đánh bộ Mỹ đến Đài Loan để bảo vệ cho tòa nhà AIT “sẽ hầu như không thể coi là hành động xâm lược” bởi một số lượng binh sĩ nhỏ như vậy không có khả năng chống lại quân đội nước ngoài.
Lùm xùm quanh AIT tiếp tục đẩy mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc thêm phần căng thẳng. Trước đó, hồi tháng trước, Trung Quốc đã rất tức giận khi Mỹ khai trương một văn phòng đại diện mới có giá trị 256 triệu USD ở thủ phủ của Vùng lãnh thổ Đài Loan. Văn phòng mới trên thực tế chẳng khác nào Đại sứ quán của Mỹ tại Đài Loan. Điều này cho thấy mối quan hệ chiến lược của Washington với hòn đảo Đài Loan.
Washington đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Taipei năm 1979 nhưng vẫn là đồng minh mạnh nhất và là nhà xuất khẩu vũ khí duy nhất của Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong phát biểu được cho là nhằm vào Bắc Kinh, Nhà lãnh đạo VLT Đài Loan Tsai Ing-tuyên bố, tổ hợp văn phòng mới của Mỹ tại Đài Loan đã một lần nữa tái khẳng định cam kết của hai bên về “một mối quan hệ sống còn”.
Vấn đề Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn duy trì một mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Đài Loan.
Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến, và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.
Kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Tình hình càng nghiêm trọng khi Mỹ cũng tăng cường giúp đỡ cho Đài Loan. Gần đây, Bắc Kinh liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận quân sự nhằm răn đe VLT Đài Loan.