Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố nước này sẽ “chống lại bất kì quốc gia nào” có ý định thâu tóm ảnh hưởng trong khu vực. Phát ngôn này có thể được coi là lời cảnh báo đối với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các khoản đầu tư này mới chỉ là bước khởi đầu…
Hãng thông tấn Reuters đưa tin ngày thứ Hai (30/7) vừa qua dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sắp đầu tư 113 triệu USD vào các lĩnh vực công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khoản đầu tư trên là một phần trong chiến lược thắt chặt quan hệ của Mỹ với các quốc gia trong khu vực này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ khẳng định khoản đầu tư này không phải là chiêu bài đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, mà có thể hiểu là bước đệm ngoại giao của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Các khoản đầu tư này chỉ là bước khởi đầu cho các cam kết về kinh tế trong kỉ nguyên hòa bình và thịnh vượng mới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Pompeo phát biểu.
Theo lời Ngoại trưởng Mỹ, nước này sẽ “chống lại bất kì quốc gia nào” có ý định thâu tóm ảnh hưởng trong khu vực. Business Insider cho rằng đây chính là lời cảnh cáo đối với Bắc Kinh trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai nước Mỹ-Trung ngày càng leo thang, cùng với đó là các xung đột trên Biển Đông.
“Cũng giống như rất nhiều đồng minh và đối tác châu Á, nước Mỹ cũng từng vất vả đấu tranh vì độc lập và chủ quyền. Do đó, chúng tôi chưa từng và sẽ không bao giờ có ý định thâu tóm ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chống lại bất kì quốc gia nào dự định làm điều đó”, ông Pompeo khẳng định.
Các quốc gia trong khu vực vốn khá lo ngại về chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump, sau khi ông đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và gần đây lại theo đuổi một cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng trong khu vực.
Washington đã công bố lần đầu tiên bản dự thảo chiến lược phát triển kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương tại một hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương hồi năm ngoái.
Trong tổng số 113 triệu USD, Mỹ dự định sẽ chi 25 triệu USD để mở rộng xuất khẩu công nghệ tới khu vực này. 50 triệu USD được đầu tư vào việc giúp đỡ các quốc gia trong khu vực sản xuất và lưu trữ các nguồn năng lượng, đồng thời tạo ra mạng lưới hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển.
Mỹ không “chung đường” với Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của các phóng viên trước bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo, ông Brian Hook, cố vấn chính sách cấp cao của ngoại trưởng Mỹ, cho biết Washington không có ý định cạnh tranh với các sáng kiến cơ sở hạ tầng trong dự án Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, phần lớn do nhà nước quản lý.
“Đó là sáng kiến thực hiện tại Trung Quốc, được thiết kế đặc biệt dành cho Trung Quốc”, ông Hook nói. “Tuy nhiên, Mỹ sẽ hạn chế vai trò của chính phủ và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp phát huy khả năng của mình”.
Nhiều ý kiến cho rằng sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, với mục đích khôi phục và mở rộng con đường tơ lụa cổ đại, là phương tiện giúp Trung Quốc dễ dàng lan truyền ảnh hưởng và lôi kéo các quốc gia trở thành những con nợ lớn.
Trái lại với những nhận định trên, Bắc Kinh khẳng định đó đơn thuần chỉ là một dự án phát triển mà các quốc gia đều nên được hoan nghênh tham gia.
Theo ông Hook, Washington hoan nghênh những đóng góp của Trung Quốc đối với sự phát triển của khu vực, đồng thời cho biết Trung Quốc cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch, quy định của pháp luật và đảm bảo tài chính bền vững.
Ông Hook kết luận: “Chúng tôi tin rằng mô hình kinh tế của Mỹ là mô hình hợp lý nhất đối với các quốc gia trong khu vực. Mô hình này có chất lượng cao, đồng thời đảm bảo minh bạch và bền vững về tài chính”.