Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 31/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 31/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 31/07/2018.

Truyền thông Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố: Toà Trọng tài mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy thương mại và việc xây dựng các đảo ở trên biển

Ngày 30/7, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, ngày 29/7, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã thành lập Tòa Trọng tài Quốc tế Hải Nam với mục tiêu “đáp ứng nhu cầu phát triển của khu phi thương mại tự do thí điểm”. Thời báo Hoàn cầu cho hay Tòa này cũng có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng trên các hòn đảo ở Biển Đông. Theo thông tin trên trang web của Tòa, Tòa Trọng tài có thể cung cấp các dịch vụ bao gồm xử lý các tranh chấp kinh doanh, hòa giải và xây dựng các thỏa thuận trọng tài hợp lệ. Tòa sẽ chấp nhận khiếu kiện trọng tài từ các nguyên đơn trong nước và quốc tế. Chinanews.com dẫn lời ông Thi Văn, Chủ tịch Ủy ban trọng tài Hải Nam, Tòa Trọng tài cũng có hai nhánh chuyên biệt chủ yếu giải quyết các tranh chấp biển và tranh chấp tài chính. Ông nhấn mạnh, Ủy ban sẽ cố gắng hết sức để xây dựng một Tòa Trọng tài trung lập và công bằng để khách hàng có thể xem Hải Nam là “lựa chọn tối ưu” nhằm giải quyết các tranh chấp của họ.

Thời báo Hoàn cầu cho hay, đây là Tòa thứ hai ở Trung Quốc sau khi thành lập Tòa Trọng tài quốc tế Thâm Quyến hồi đầu năm, với mục đích phù hợp với nhu cầu tăng cường cải cách và mở cửa của tỉnh Hải Nam và Khu Thương mại Tự do thí điểm của tỉnh này, đó là thúc đẩy thương mại hàng hải, kinh doanh vận chuyển, thăm dò tài nguyên đại dương và xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông thông qua cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

Đàm phán Biển Đông đạt được nhất trí

Ngày 31/7, tạp chí The Nation đưa tin, theo nguồn tin từ quan chức ngoại giao của Trung Quốc và các nước ASEAN, mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và các nước này đã nhất trí xây dựng “một văn kiện duy nhất” để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Suriya Chindawongse, Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN của Thái Lan cho biết “đây là lần đầu tiên hai bên nhất trí xây dựng một văn bản đàm phán duy nhất”, đồng thời lưu ý rằng trước đó tất cả các bên tham gia đều đã đưa vào văn bản các ý kiến của mình về vấn đề đàm phán. Theo ông Chindawongse, tại cuộc họp thường niên gần đây được tổ chức ở Singapore, một số Ngoại trưởng đã nêu quan ngại về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là vấn đề quân sự hóa. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng tiến trình đàm phán sẽ mất nhiều thời gian để đi đến kết quả cuối cùng và lưu ý COC không phải là phương thức để giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà vấn đề này sẽ được giải quyết trên cơ sở song phương. Trả lời phỏng vấn với The Nation, ông Hoàng Khê Liên, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN cho hay, do vẫn chưa có COC, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông nhằm đạt được COC trong thời gian sớm nhất. Ông nhấn mạnh “chúng tôi cũng mong muốn rằng các quốc gia ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực”, dường như có ý đề cập đến Mỹ, quốc gia đang theo sát quá trình quân sự hóa ở Biển Đông và nhiều lần kêu gọi các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực. Bên cạnh đó, ông cho rằng việc thực hiện DOC trong khi đàm phán COC tạo ra nền tảng hiệu quả để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác, “là minh chứng cho thấy Trung Quốc và ASEAN có sự sáng suốt và khả năng xây dựng các quy định và quản lý đúng đắn các tranh chấp vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Ông Hoàng Khê Liên cũng cho rằng, với tinh thần như vậy, hợp tác hàng hải trong khu vực có thể mang lại một kết quả tốt. Ngoài ra, ông cho biết Trung Quốc có kế hoạch triển khai nhiều chương trình hợp tác hàng hải với ASEAN gồm dự án khoan dò chung trên biển đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN, dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ thông tin hàng hải Trung Quốc-ASEAN, một hội thảo về hợp tác về đánh giá tình trạng hệ sinh thái ven biển và chiến lược bảo tồn ở Biển Đông, hội thảo về an toàn hàng hải và truyền thông về Biển Đông…

Philippines nêu quan ngại về các cảnh báo qua phát thanh của Trung Quốc khi đi qua các cấu trúc ở Biển Đông

Ngày 31/7, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, theo một báo cáo mới đây của Chính phủ Philippines cho biết, một máy bay thuộc lực lượng không quân của Philippines tuần tra ở gần các cấu trúc trên Biển Đông do Trung Quốc chiếm đóng đã được cảnh báo rời khỏi khu vực và “yêu cầu đi ra xa để tránh những hiểu lầm”. Ngày 30/7, Chính phủ Philippines đã bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc về việc nước này ngày càng tăng cường đưa ra các thông báo qua sóng radio nhằm cảnh cáo và xua đuổi các tàu, máy bay của Philippines ra khỏi các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép cũng như các vùng lãnh thổ khác trên Biển Đông. Các quan chức Philippines đã hai lần nêu lo ngại của họ về việc Trung Quốc cảnh cáo qua sóng radio, kể cả trong một cuộc họp tại Manila với các đối tác Trung Quốc hồi đầu năm nay tập trung vào các tranh chấp lãnh thổ lâu dài của các nước châu Á, theo hai quan chức giấu tên vì họ không được phép thảo luận vấn đề một cách công khai. Tư lệnh không quân Philippines, Trung tướng Galileo Gerard Rio Kintanar Jnr cho hay phi công Philippines đã hành xử một cách bình tĩnh trước những cảnh báo từ Trung Quốc và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự gia tăng các cảnh báo phát thanh cho thấy rõ cam kết của quân đội Philippines trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này trên các vùng lãnh thổ thông qua các cuộc tuần tra tăng cường. Không quân Philippines khẳng định cam kết bảo vệ chủ quyền thông qua các chuyến tuần tra, dù bị Trung Quốc liên tiếp cảnh báo.

Báo cáo của chính phủ Philippines cho biết trong nửa cuối năm ngoái, máy bay quân sự nước này đã nhận được cảnh báo qua radio của Trung Quốc ít nhất 46 lần trong khi đang tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Trường Sa. Báo cáo khẳng định các thông báo này được đưa ra nhằm “đẩy mạnh áp dụng những chiến thuật của Trung Quốc đối với các phi công của Philippines đang tiến hành giám sát trên không và trên biển ở Biển Đông”

Bưu điện Hoa Nam buổi sán cho hay việc phát đi các cảnh báo bắt nguồn từ các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc trong những năm qua nhưng các quan chức quân sự Mỹ nghi ngờ hiện nay việc truyền đi các thông điệp được thực hiện từ các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép, nơi các thiết bị giám sát và truyền thông mạnh mẽ hơn được lắp đặt cùng với các vũ khí như bề mặt tên lửa. Theo Tư lệnh Clay Doss thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, “tàu và máy bay của Mỹ đã quan sát thấy sự gia tăng các thông báo qua sóng vô tuyến có nguồn gốc từ các cơ sở mới trên Biển Đông”.

Các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines hiện chưa có phản hồi gì trước các yêu cầu bình luận song các quan chức Bắc Kinh nhiều lần khăng khăng rằng họ có quyền xây dựng trên những gì họ cho là “lãnh thổ của họ” và sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền của họ bằng mọi giá”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi về việc nước này đưa tàu cứu hộ ra Trường Sa

Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin, ngày 30/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc đưa tàu cứu hộ “Nam Hải cứu 115” tới Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết đây chỉ là hoạt động nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”. Ông cho biết tàu này là một trong những tàu cứu hộ tiên tiến nhất của Trung Quốc, được trang bị các phương tiện tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn, có khả năng thích ứng đặc biệt trong các tình trạng khẩn cấp trên biển. Ngoài ra, ông Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa ;à nhằm cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải. Thêm vào đó, việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới