Việc Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á tăng cường nhập khẩu vũ khí của Nga đã khiến Mỹ đứng ngồi không yên.
Bất chấp sức ép gia tăng từ Mỹ, Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á dường như không muốn quay lưng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Điều này khiến Mỹ không hài lòng và tìm mọi cách để “hất” Nga ra khỏi thị trường đầy tiềm năng này.
Đạo luật CAATSA – công cụ hữu ích của Mỹ
“Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận” (CAATSA) được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017. CAATSA được đưa ra để thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng cũng áp dụng đối với các nước mua vũ khí từ Moscow.
Trao đổi với hãng tin Sputnik, Rakesh Krishnan Simha – nhà báo tại New Zealand, đồng thời là chuyên gia quan sát quân sự và phân tích các vấn đề đối ngoại – cho rằng: “Mỹ đang cố gắng tạo ra thế độc quyền bằng cách sử dụng một đạo luật “bất hợp pháp” để “hất chân” các nhà sản xuất vũ khí của Nga trên thị trường vũ khí. Điều này không có lợi cho bất cứ ai vì sau đó Mỹ sẽ tự quyết định các điều khoản và giá cả đối với vũ khí của nước này theo cách họ muốn”.
Theo ông Simha, đạo luật CAATSA của Mỹ không có mục đích gì khác ngoài việc ngăn cản hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga bởi theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không một quốc gia nào có thể thông qua những luật lệ nhằm giới hạn hoạt động thương mại tự do trên toàn cầu.
“Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, vượt cả Nga – quốc gia đứng ở vị trí thứ hai. Đây không phải là sự cạnh tranh mà là nỗ lực gia tăng các biện pháp trừng phạt, vốn đã từng thất bại trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga”.
Tuy nhiên, ông Simha nhận định có vẻ như đạo luật này cũng tạo ra tác dụng ngược lại đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi nó đe dọa quan hệ của Mỹ với Ấn Độ và các nhà mua vũ khí truyền thống của Nga tại Đông Nam Á.
Trước đó hôm 18/7, tờ Defense News đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và nhiều nghị sỹ cấp cao nước này đang tìm cách sửa lại đạo luật CAATSA với lý do đạo luật này gây ảnh hưởng tới các đồng minh của Mỹ và cản trở Mỹ tiếp cận các thị trường vũ khí tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lợi thế cạnh tranh của Nga
Theo ôngKrishnan Simha, lợi thế cạnh tranh chính của Nga là chất lượng vũ khí cao với giá cả phù hợp. Để chứng minh cho nhận định này, ông Simha cho biết, chiếc Sukhoi Su-30 – máy bay tiêm kích ném bom thế hệ thứ 4 có sức mạnh thứ 2 thế giới sau máy bay Su-35, chỉ có giá 65 triệu USD trong khi máy bay chiến đấu đa năng Dassault Rafale của Pháp có giá xấp xỉ 244 triệu USD.
Song ông Krishnan Simha cũng thừa nhận rằng, chỉ so sánh đơn thuần về giá cả thì cũng chưa nói lên điều gì bởi hai chiếc máy bay này được chế tạo để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau và thuộc các thế hệ khác nhau.
“Máy bay Rafale được phát triển dựa trên công nghệ mới và mang theo tên lửa hiện đại. Công nghệ này sẽ được tích hợp vào những loại máy bay chiến đấu do Ấn Độ sản xuất. Tuy nhiên, trong cuộc chiến “một đối một” trên không trung, thì chắc chắc chiếc Sukhoi siêu việt sẽ đánh bại chiếc Rafale của Pháp trong vòng vài giây. Hầu hết các quốc gia sẽ ưa thích một chiếc Sukhoi giá rẻ hơn là một chiếc Rafale đắt tiền”, ông nói.
Thêm vào đó, dòng máy bay Sukhoi và MiG mới nhất của Nga có thể cất cánh hoặc hạ cánh trên các đường băng gồ ghề, trái lại, Mỹ phải xây dựng các đường băng một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng bởi ngay cả một mảnh đá nhỏ xíu thôi cũng có thể khiến máy bay chiến đấu F-15 và F-16 của nước này gặp sự cố.
Nga vẫn chiếm lĩnh thị trường Châu Á
ÔngKrishnan Simha nhấn mạnh, trong lịch sử, Nga từng là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh có tiêu đề: “Chiến lược trang bị vũ khí mới của Ấn Độ: Sự trở lại của thời kỳ tự cung tự cấp?”, vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ phụ thuộc 100% vào Liên Xô về hệ thống phòng không đặt trên mặt đất, hệ thống tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, phụ thuộc 75% đối với máy bay chiến đấu, 60% đối với máy bay cường kích, 95% đối với tàu ngầm….
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Ấn Độ đã tìm đến nhiều nhà cung cấp vũ khí khác. Không giống như Ấn Độ, hay Trung Quốc, một số quốc gia nhỏ tại Đông Nam Á hiện nay vẫn thiên về mua các loại vũ khí do Nga sản xuất thay vì các loại vũ khí đắt tiền của phương Tây.
Cũng theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, Châu Á chiếm 70% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga kể từ năm 2000, trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc là các thị trường có nhu cầu cao đối với vũ khí của Nga.
Báo cáo nhấn mạnh, riêng giai đoạn từ năm 2000 đến 2016, lượng xuất khẩu vũ khí của Nga sang khu vực Châu Á chiếm 43,1% , trong khi lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang khu vực này chiếm 24,6%.
Ông Trump không muốn mất Ấn Độ
Nhà phân tích Krishnan Simha cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện các nỗ lực nhằm xoa dịu bất đồng với Ấn Độ bất chấp việc New Delhi không chấp nhận từ bỏ các đồng minh lâu đời của nước này là Nga và Iran. Ấn Độ không chỉ là thị trường vũ khí lớn mà còn là một cường quốc về quân sự, vì thế Tổng thống Donald Trump –một doanh nhân kỳ cựu sẽ không dễ dàng để mất đối tác như vậy.
“Tổng thống Donald Trump đã gây mất lòng nhiều đồng minh, chẳng hạn như Đức bằng những lời lẽ cứng rắn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Đức sẽ rời bỏ NATO. Tương tự, nếu ông Trump dùng những lời lẽ gay gắt với Ấn Độ, ông có thể bị các nhà chính trị hoặc truyền thông Ấn Độ chỉ trích, tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ-Ấn là rất khó xảy ra”, ông Krishnan Simha nói.
Trước đó hôm 24/7, Ủy ban Quân vụ Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã đồng ý miễn trừ Ấn Độ cùng một số quốc gia khác khỏi luật CAATSA. Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ có thể tiếp tục mua hệ thống phòng không S-400 của Nga mà không bị trừng phạt.
Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra hai điều kiện đối với Ấn Độ và yêu cầu quốc gia này phải đáp ứng ít nhất một, đó là giảm phụ thuộc vào Nga và tăng cường đáng kể hợp tác với Mỹ. Theo Ủy ban Quân vụ, biện pháp này nhằm mục đích khuyến khích các đồng minh và đối tác giảm việc mua các loại vũ khí hiện đại và trang thiết bị quốc phòng do Nga sản xuất