Bộ Giao thông vận tải Đài Loan được cho là đang cân nhắc ‘biện pháp đối phó’ với các hãng hàng không ‘khuất phục’ yêu cầu của Trung Quốc, chẳng hạn như cấm sử dụng cầu hàng không và điều chỉnh lịch trình cất cánh và hạ cánh.
Ngoài việc cấm sử dụng cầu hàng không – thiết bị để đưa hành khách đã qua cửa kiểm soát lên máy bay tại sân bay, các hãng vận tải cũng có thể phải chịu sự điều chỉnh lịch trình cất cánh và hạ cánh theo sự điều phối của cơ quan kiểm soát không lưu, một cách để Đài Bắc cố tình gây áp lực lên các hãng hàng không này.
Cầu hàng không (Passenger Boarding Bridge). (Ảnh: mke)
Trong khi đó, các hãng vận tải sử dụng hình thức tiếp cận trung lập hơn đối với yêu cầu từ phía Bắc Kinh – bằng cách chỉ bỏ tên quốc gia trên các điểm đến Đài Loan của họ – sẽ được hưởng các ưu đãi như giảm hoặc miễn phí hạ cánh và phí cơ sở vật chất, theo tờ United Daily News.
Ngày 25/4, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAA) đã gửi thư yêu cầu 44 hãng hàng không quốc tế, bao gồm một số hãng từ Mỹ, phải thay đổi cách mô tả Đài Loan trên trang web và trong các tài liệu quảng cáo của họ. Hoa Kỳ gọi đây là một yêu cầu “vô lý”, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng đe dọa và cưỡng chế các hãng hàng không và công dân Mỹ.
Phản ứng trước yêu cầu của Bắc Kinh, bốn hãng hàng không Hoa Kỳ – American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines và Hawaiian Airlines – thay thế việc đề cập đến Đài Loan bằng cách chỉ sử dụng tên thành phố trên các trang đặt vé của họ. Còn các hãng hàng không của Hồng Kông trực tiếp thay đổi tham chiếu thành “Đài Loan, Trung Quốc”, nhiều hãng vận tải quốc tế cũng thuận theo yêu cầu của Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đài Loan Wu Hong-mo cho biết Đài Bắc không thể chấp nhận một thỏa thuận như vậy và sẽ phải thực hiện “biện pháp đối phó”, theo tờ United Daily News. Tờ báo sau đó trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết chi tiết về những biện pháp đối phó có thể được sử dụng.
Tin tức này đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà nghiên cứu và các nhà lập pháp đối lập ở Đài Loan, những người đã mô tả các biện pháp là “vô lý”, cho rằng chúng sẽ gây bất tiện lớn cho hành khách và có thể dẫn đến hành động trả đũa từ các quốc gia có mục tiêu.
Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Kolas Yotaka cho biết bất kỳ biện pháp đối phó nào đều đang trong giai đoạn thảo luận và chưa có quyết định chính thức.
“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào của bộ về cách giải quyết vụ việc này, và với tư cách chính phủ, chúng tôi phải xem xét quyền và lợi ích của nhân dân”, bà nói thêm rằng gây bất tiện cho hành khách sẽ đi ngược lại chính sách của chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Wang Kwo-tsai cho biết bộ đã viết thư cho các hãng hàng không yêu cầu họ quay trở lại cách đề cập đến Đài Loan như ban đầu, nhưng họ vẫn chưa quyết định cách giải quyết vấn đề trong trường hợp họ không tuân thủ.
American Airlines, Emirates và Cathay Pacific không trả lời các yêu cầu bình luận. Một phát ngôn viên của Korean Air cho biết họ đã không nhận được bất kỳ thông báo nào từ Bộ Giao thông vận tải của Đài Loan về các biện pháp đối phó có thể, trong khi phát ngôn viên của Singapore Airlines từ chối bình luận.