Pakistan sẽ không còn cách nào khác ngoài tìm kiếm sự trợ giúp từ người bạn Trung Quốc.
Quyết định của Mỹ
Dự án tỉ đô “Hành lang Kinh tế Pakistan – Trung Quốc (CPEC)” là một dự án của sáng kiến Vành đai – Con đường, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả 2 nước liên quan. Pakistan coi mình là một vị cứu tinh còn Trung Quốc thì xem nước này như hình mẫu cho các dự án Vành đai – Con đường trong tương lai.
Kể từ khi hành lang kinh tế được thiết lập vào tháng 4/2015, có những lo ngại rằng chính phủ Mỹ sẽ tìm cớ để phản đối dự án. Chuyện này xảy ra vào 30/7, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết chặn gói cứu trợ của IMF cho Pakistan nếu số tiền này được sử dụng để hoàn trả các khoản mà Pakistan vay của Trung Quốc để phục vụ CPEC.
Pakistan đã tổ chức tổng tuyển cử vào 25/7. Được biết, các quan chức Bộ Tài chính đã trình bày một phương án cho chính phủ mới để vay 12 tỉ USD từ IMF nhằm xoa dịu áp lực đối với nguồn dự trữ ngoại tệ đang giảm dần và hoàn trả các khoản vay nước ngoài.
Nền kinh tế của Pakistan đang rất chật vật và khoảng 9 tỉ USD dự trữ còn lại chỉ có thể chi trả cho số hàng nhập khẩu của nước này trong 2 tháng tới.
Không ngờ là chỉ 5 ngày sau cuộc bầu cử của Pakistan, ông Pompeo lại phản đối gói cứu trợ IMF dành cho Pakistan. Ông cho rằng, tiền thuế của dân Mỹ là một phần của quỹ IMF và vì thế chính phủ Mỹ sẽ không chấp thuận một gói cứu trợ mà Pakistan có thể sẽ dùng để trả cho các nhà tín dụng Trung Quốc hoặc chính phủ Bắc Kinh.
Đòn mạnh
Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ công khai có một động thái tựa như đòn tấn công vào mối quan hệ hợp tác Pakistan – Trung Quốc. Động thái này sẽ khiến mối quan hệ Mỹ – Pakistan thêm tổn hại.
Từ 2002 tới 2016, Pakistan đã nhận được 33 tỉ USD viện trợ quân sự và kinh tế từ Mỹ. Tuy nhiên, qua thời gian, quan hệ Mỹ – Pakistan đã mất đi sự nồng ấm bởi Mỹ ngày càng gia tăng yêu cầu buộc Pakistan phải ngăn chặn Taliban sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện các cuộc tấn công tại Afghanistan.
Tháng 8/2017, mối quan hệ giữa hai bên đã rơi xuống một mức thấp mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược Afghanistan mới, trong đó chỉ trích Pakistan vì chứa chấp những “kẻ khủng bố” Taliban.
Trong bối cảnh này, phát ngôn của ông Pompeo là một đòn mạnh giáng xuống quan hệ Mỹ – Pakistan. Điều này không phải là dấu hiệu tích cực cho hòa bình và ổn định tại Afghanistan bởi giờ đây Pakistan sẽ không có động lực hợp tác với chính phủ Mỹ trên mặt trận Afghanistan nữa.
Không còn lựa chọn nào khác
Mỹ là một trung gian quyền lực lớn của IMF nên sự phản đối của nước này sẽ cản trở gói cứu trợ dành cho Pakistan.
Islamabad sẽ phải tìm kiếm các phương án khác để đảm bảo nguồn tiền cần thiết nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Không may là chẳng có nhiều nước hoặc tổ chức tài chính nào có thể đề nghị cho Pakistan vay một khoản hào phóng đến vậy. Vì thế, Pakistan sẽ không còn cách nào khác ngoài tìm kiếm sự trợ giúp từ người bạn Trung Quốc.
Pakistan vốn đã phụ thuộc vào các khoản vay của Trung Quốc để ổn định đồng tiền của mình, đồng rupee Pakistan. Trung Quốc cũng đã đồng ý cho Pakistan vay 2 tỉ USD, trong đó 1 tỉ USD đã được trả và đang hỗ trợ ổn định giá trị đồng rupee.
Trong 12 tháng qua, Pakistan đã vay 10 tỉ USD, trong đó 4,4 tỉ USD đến từ Trung Quốc, ngoài khoản vay mới nhất 2 tỉ USD kể trên. Nếu bị IMF từ chối cho vay, Pakistan sẽ tìm kiếm thêm khoản vay 12 tỉ USD từ Trung Quốc và điều này sẽ khiến Islamabad càng có nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh.
Tháng trước, đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan đã giảm nhẹ khả năng bẫy nợ và tuyên bố rằng chỉ 10% số nợ nước ngoài của Pakistan là từ Trung Quốc. Nếu chuyện là như vậy thì mối lo ngại của ông Pompeo rằng Pakistan sẽ dùng tiền của IMF để trả nợ Trung Quốc là quá đà.
Tuy nhiên, các chuyên gia không đồng tình với quan điểm này, và nhấn mạnh rằng các tổ chức của Trung Quốc chỉ cho vay với điều kiện rằng họ sẽ được trả trước tiên, là những nhà tín dụng được ưu tiên. Điều này cho thấy nhiều khả năng Pakistan sẽ sử dụng cứu trợ của IMF để trả nợ cho Trung Quốc trước.
Gói cứu trợ 12 tỉ USD từ Trung Quốc sẽ làm tăng số nợ của Pakistan bởi các khoản vay từ Trung Quốc vốn đang được đầu tư vào các dự án CPEC. Cựu Bộ trưởng Tài chính Pakistan Hafiz Pasha cho biết, Pakistan sẽ phải trả khoảng 8,3 tỉ USD mỗi năm kể từ năm 2019 trở đi để phục vụ cho các khoản vay CPEC.
Nếu Pakistan không thể trả nợ cho Trung Quốc, nước này sẽ buộc phải “gán nợ” bằng cách cho Trung Quốc thuê tài sản của mình, ví dụ như cảng Gwadar. Mô hình này vốn đã hiện diện tại Sri Lanka.
Việc Mỹ quyết định ngăn khoản cứu trợ của IMF sẽ dồn Pakistan vào con đường trở thành “thuộc địa kinh tế” của Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ không có lợi cho Mỹ trong nỗ lực tranh giành tầm ảnh hưởng ở Nam Á và Đông Nam Á, mà thậm chí còn làm gia tăng “vòng kiềm tỏa” của Trung Quốc tại khu vực này