Mặc dù bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích mạnh mẽ, song thời gian qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng nhiều chiêu trò để tuyên truyền cho các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Các hình thức mà TQ sử dụng để tuyên truyền cho chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Nguồn: Reuters/BBC
Trung Quốc in cả hình bản đồ “đường 9 đoạn” phi pháp lên các món đồ chơi của trẻ em
Trong những ngày qua, dư luận người dùng mạng xã hội vô cùng bức xúc khi phát hiện một sản phẩm đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất có chứa những hình ảnh về bản đồ “đường chín đoạn” hay còn gọi là bản đồ “đường lưỡi bò”, vốn được Trung Quốc đưa ra để thể hiện tham vọng chủ quyền sai trái của nước này trên toàn bộ Biển Đông. Trò chơi có tên “Bản đồ cắm cờ các quốc gia”, sử dụng ngôn ngữ tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, gồm có một tấm bản đồ bằng nhựa cứng, kèm theo các lá cờ một số quốc gia. Trẻ em sẽ chơi bằng cách cắm lá cờ của quốc gia vào vị trí tương ứng trên bản đồ. Tuy nhiên điều đáng lên án là, trên bản đồ đó tại khu vực Biển Đông (Trung Quốc đề “South China Sea”) lại được các nhà sản xuất Trung Quốc in nằm trọn bên trong “đường 9 đoạn”. Dư luận cho rằng đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc được bán ra thị trường. Vì vậy, vụ việc trên chắc chắn là một phần trong kế hoạch tuyên truyền về các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc.
Khách du lịch Trung Quốc ngang nhiên mặc áo in hình bản đồ “đường lưỡi bò”khi nhập cảnh vào Việt Nam
Ngày 13/5/2018, một nhóm du khách Trung Quốc đi trên chuyến bay mang số hiệu QJ 8889 đến từ Tây An của Trung Quốc, đã đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh của Việt Nam. Sau khi làm thủ tục quá cảnh, đoàn người này đã cởi áo khoác và để lộ ra chiếc áo phông màu trắng, phía sau có in bản đồ của Trung Quốc với “đường lưỡi bò” bao trùm các đảo, biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước lân cận. Vụ việc đã khiến dư luận mạng xã hội và người dân vô cùng bức xúc và chỉ trích mạnh mẽ hành động của nhóm du khách Trung Quốc. Đây là vụ việc rõ ràng có chủ ý của Trung Quốc nhằm tuyên truyền cho các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Trước đó từ năm 2012, Trung Quốc cũng đã cho in hộ chiếu của công dân mang hình “đường lưỡi bò” để tuyên truyền cho các yêu sách chủ quyền phi pháp, song đã bị cộng đồng các nước lên án và không cấp phép cho du khách Trung Quốc sử dụng loại hộ chiếu này.
Trung Quốc sử dụng điện ảnh để lồng ghép các thông tin tuyên truyền cho chủ quyền phi pháp ở Biển Đông
Ra mắt tại Trung Quốc vào đầu năm 2018, Bộ phim “Operation Red Sea” (Điệp vụ Biển Đỏ) của đạo diễn Lâm Siêu Hiền, được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đặt hàng, đầu tư đã mang về doanh thu gần 550 triệu USD tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một thời gian trình chiếu ở nước ngoài, bộ phim “Điệp vụ Biển đỏ” đã bị dư luận chỉ trích gay gắt vì nội dung đề cao thái quá sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Đáng chú ý, ở 02 phút cuối của bộ phim này, đạo diễn đã có một cảnh phô diễn về một vùng biển rộng lớn được Trung Quốc gọi là “Nam Trung Hoa”, trong đó nhiều chiếc tàu chiến tối tân của Trung Quốc xuất hiện, bao vây tàu nước ngoài, tuyên bố chủ quyền và đề nghị tàu này rời khỏi vùng biển này. Phía Trung Quốc dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển. Đoạn phim này hoàn toàn lạc điệu, không liên quan tới nội dung chính tác phẩm, đã cho thấy ý đồ tuyên truyền một cách gượng gạo về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các nội dung tuyên truyền của Trung Quốc hoàn toàn phi lý
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn”, “đường chữ U” do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, vừa qua các học giả Trung Quốc tiếp tục công bố một “bản đồ mới của nước CHND Trung Hoa”, cho rằng tấm bản đồ này có đã lần đầu tiên được công bố năm 1951 và mới được “phát hiện trong quá trình điều tra rất công phu các tài liệu lưu trữ quốc gia”. Sự khác biệt giữa tấm bản đồ mới và các bản đồ mà Trung Quốc từng công bố trước đó là bản đồ mới vẽ đường liền nét cứng mô tả “biên giới quốc gia và ranh giới hành chính” bao trọn gần như toàn vẹn Biển Đông, thay vì nét đứt như trong yêu sách “đường 9 đoạn”.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển liên quan ở Biển Đông phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng.