Saturday, November 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ “nâng niu” quan hệ với Iran hậu lệnh cấm vận từ...

TQ “nâng niu” quan hệ với Iran hậu lệnh cấm vận từ Mỹ

Mối quan hệ giữa Iran và Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng không làm tổn hại đến bất kỳ một quốc gia nào khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “nghỉ chơi” với bất kỳ ai làm ăn với Iran, theo Reuters.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran và Trung Quốc tại một cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Singapore. Ảnh Reuters

Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ cho mối quan hệ thương mại của mình với Iran rằng đây là một mối quan hệ mở và minh bạch sau khi những lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran có hiệu lực, bất chấp sự can thiệp của những đồng minh thân cận nhất của Washington.

Trong một tuyên bố được đưa ra cuối ngày 10-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định sự phản đối đối với các biện pháp trừng phạt “đơn phương” từ Mỹ, Reuters cho biết.

“Đã từ lâu, Trung Quốc và Iran đã có mối quan hệ hợp tác thương mại mở, minh bạch và bình thường trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, thương mại và năng lượng, những mối quan hệ vốn dĩ hợp lý, công bằng và hợp tác,” Reuters trích nội dung tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Điều này không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ hoặc các nghĩa vụ quốc tế mà Trung Quốc có cam kết, cũng không làm tổn hại đến lợi ích của bất kỳ quốc gia nào khác,” Bộ Ngoại giao Trung Quôc cho biết.

“Sử dụng biện pháp trừng phạt hay đe dọa không phải là cách giải quyết. Chỉ có đối thoại và đàm phán mới là con đường để giải quyết những vấn đề,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Trung Quốc là bạn hàng dầu mỏ hàng đầu của Iran, mua khoảng 650.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Tehran, tương đương 7% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc. Với mức giá thị trường hiện nay, tổng giá trị nhập khẩu của Iran vào Trung Quốc lên đến 15 tỷ USD.

Nhiều công ty năng lượng hàng đầu của Trung Quốc như CNPC hay Sinopec đã đầu tư hàng tỷ USD vào các mỏ dầu quan trọng của Iran như Yadavaran hay Bắc Azadegan.

Nhiều nước châu Âu, với hy vọng thuyết phục Iran tiếp tục tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran, đã hứa sẽ cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của những đòn trừng phạt, thúc giục những công ty của mình “không sợ Mỹ”.

Tuy vậy, điều này là cực kỳ khó khăn, nhiều công ty của châu Âu đã chấp nhận rút lui khỏi Iran trước sức ép từ Mỹ. Chỉ một vài công ty của Mỹ có làm ăn lớn tại Iran, do vậy, lệnh cấm vận này chỉ có thể ảnh hưởng và ngăn chặn nhiều công ty châu Âu và châu Á làm ăn với Iran.

RELATED ARTICLES

Tin mới