Từ 1/7, lực lượng tiền duyên Trung Quốc, còn được gọi là lực lượng cảnh sát biển, sẽ đặt dưới sự chỉ huy của Quân Ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo tối cao đối với các lực lượng vũ trang.
Một tàu tuần tra của Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc.
Nhật Bản cho rằng động thái trên được cho là có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong việc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc giải thích, việc tiếp nhận này nhằm cho phép lực lượng tuần duyên đóng vai trò lớn hơn trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng, bao gồm chiến tranh.
Đồng thời Trung Quốc dọa, lực lượng này sẽ không đe dọa các nước khác “Nếu họ không khiêu khích chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc”. Tuần duyên Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm đẩy lùi các vi phạm hàng hải ở mức hình sự, tìm kiếm và cứu nạn, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá và các nỗ lực chống buôn lậu.
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói, nhiệm vụ cơ bản của lực lượng tuần duyên trong việc thực thi pháp luật hàng hải sẽ không thay đổi. Trung Quốc đã bổ sung thêm các tàu lớn hơn cho lực lượng này, bao gồm cả tàu chiến hết biên chế, lực lượng tuần duyên đã tiến hành tuần tra chung với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Động thái này làm Tokyo lo ngại vì lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường tuần tra quanh hòn đảo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông, phía Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Theo giới chuyên gia, động thái này là thông điệp rõ ràng nhắm tới Mỹ và các nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Giám đốc Jonathan Spangler thuộc một tổ chức nghiên cứu Biển Đông tại Đài Loan cảnh báo, “các nước khác sẽ cảm thấy cần tái cấu trúc lực lượng tuần duyên để phản ứng với diễn biến này”.
Chưa thấy có phản ứng từ phía Việt Nam về việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc tiếp quản lực lượng tuần duyên.
Bắc Kinh có 164 tàu tuần duyên với hơn 16.300 nhân lực. Theo dự báo, các tàu tuần duyên của Trung Quốc sắp tới sẽ được trang bị pháo mạnh hơn và thủy thủ đoàn cũng được trang bị súng.
Một số tờ báo đưa tin lực lượng tuần duyên Trung Quốc từ tháng trước đã bắt đầu tham gia canh gác gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.