Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngNỗi sợ nào đã khiến "con nợ còi cọc" của TQ đột...

Nỗi sợ nào đã khiến “con nợ còi cọc” của TQ đột ngột rút lại lời kêu gọi “đoàn kết chống Bắc Kinh siết nợ”?

Trong tuyên bố ngày 17/8 vừa qua, Thủ tướng Tonga đã bất ngờ đảo ngược lời kêu gọi các nước Thái Bình Dương cùng đồng lòng yêu cầu Trung Quốc xóa nợ.

Ảnh minh họa: Michael Mongenstern/The Economist.

Reuters đưa tin ngày thứ 6 (17/8) vừa qua cho biết, Thủ tướng Tonga đã rút lại lời kêu gọi các quốc gia đồng cảnh ngộ trong khu vực Thái Bình Dương cùng yêu cầu  Trung Quốc xóa các khoản nợ khổng lồ.

Theo một nguồn thạo tin, tuyên bố trên được đưa ra sau khi chính quyền Bắc Kinh lên tiếng than phiền về kế hoạch hành động của Tonga.

Tonga là một trong 8 quốc đảo tại khu vực Nam Thái Bình Dương đang mang nợ Trung Quốc. Theo kế hoạch, Tonga sẽ phải bắt đầu trả vốn gốc cho Trung Quốc trong tháng 9 tới.

Tuy nhiên, do không thể trả khoản nợ khá lớn khi kì hạn trả vốn đang cận kề, chính phủ nước này đã quyết định kêu gọi những người láng giềng cùng yêu cầu Trung Quốc xóa nợ.

Theo dự định ban đầu của chính phủ Tonga, kế hoạch hành động chung sẽ được đưa ra thảo luận tại một diễn đàn trong khu vực sắp được tổ chức tại quốc đảo nhỏ Nauru vào đầu tháng tới, theo Thủ tướng Tonga ‘Akilisi Pōhiva.

Trong tuyên bố hôm 17/8 vừa qua, Thủ tướng Pōhiva lại cho biết kế hoạch này đã thay đổi. Ông nói rằng “sau khi suy nghĩ kĩ càng hơn”, ông nhận ra diễn đàn trên không phải là nơi thích hợp để thảo luận về các khoản vay Trung Quốc, và thay vì hành động chung, các quốc gia Thái Bình Dương nên tự tìm giải pháp cho chính mình.

“Mỗi quốc gia lại có các điều kiện và nhu cầu vay vốn nước ngoài khác nhau, do đó họ nên tự quyết định và tự tìm giải pháp thông qua các kênh trao đổi song phương”, ông Pohiva nói.

Các khoản nợ chất chồng

Cũng trong tuyên bố được đưa ra ngày 17/8 vừa qua, Thủ tướng Tonga Pōhiva cho biết Trung Quốc là quốc gia duy nhất sẵn lòng cho họ vay ưu đãi các khoản tiền lớn để tái thiết thủ đô sau các cuộc bạo động năm 2006.

Ngoài ra, theo ông Pōhiva, chính quyền Bắc Kinh còn nhiều lần viện trợ Tonga, và các khoản hỗ trợ này đã giúp đất nước Tonga phục hồi và phát triển trở lại.

Gần đây Reuters đã tiến hành phân tích sổ sách tài chính của các quốc đảo Thái Bình Dương vay nợ Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy tổng số dư nợ đối với Trung Quốc của các quốc gia này đã tăng từ con số 0 lên con số 1,3 tỉ USD trong vòng một thập kỷ qua.

Trước những gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất tại các nền kinh tế nhỏ có rất ít nguồn thu từ bên ngoài này, giới chuyên gia đã cảnh báo họ có thể lâm vào khủng hoảng tài chính, đồng thời đối mặt với nguy cơ sập bẫy nợ và phải chịu những áp lực ngoại giao từ phía Bắc Kinh.

Hiện nay bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này hay về các tuyên bố của Thủ tướng Tonga.

Trước đó, phía Bắc Kinh từng khẳng định nước này vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Tonga và không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang tạo ra các khoản nợ không bền vững tại khu vực Thái Bình Dương.

Tính đến nay, Tonga đang nợ Trung Quốc 115 triệu USD. Con số này tuy có vẻ khá khiêm tốn đối với nhiều quốc gia, nhưng lại chiếm đến 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của Tonga. Sau khi Sri Lanka sập bẫy nợ, Tonga cũng đối mặt với nguy cơ tương tự nếu không đủ khả năng trả nợ cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 17/8 vừa qua, Thủ tướng Pōhiva lại đưa ra lời khẳng định trái với những điều ông từng nói trước đó, rằng Trung Quốc chưa từng đe dọa sẽ lấy đi các tài sản của Tonga.

Dù năng lực tài chính có hạn, nhưng mỗi quốc gia nhỏ tại Thái Bình Dương đều đại diện cho một phiếu bầu tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc. Các quốc gia này cũng kiểm soát những vùng biển giàu tài nguyên rộng lớn, đồng thời có ý nghĩa chiến lược khá quan trọng về mặt quân sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới