Trong nhiều năm qua Trung Quốc thực hiện chính sách đầu tư ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ cũ và đặc biệt là Trung Quốc thực hiện chiến lược “Một vành đai, một con đường”.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Nhiều nước trên Thế giới đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và các nước trên tuyến “Một vành đai, một con đường” được Trung Quốc ào ạt đầu tư ở những vị trí chiến lược, các ngành, các lĩnh vực mà các nước đang cần vốn, cần công trình. Nhưng sau một thời gian tiếp nhận vốn có điều kiện của Trung Quốc, nhiều nước đã thấy hiệu quả không cao, giá thành tưởng rẻ nhưng hoá ra đắt vì công nghệ cũ, thời gian thực hiện kéo dài, vốn tăng nhiều lần. Vì thế họ bắt đầu ngần ngại và từ chối việc cho vay đầu tư của Trung Quốc. Gần đây Malaysia đã thẳng thừng từ chối hàng chục tỉ Đô la của Trung Quốc.
Ở Việt Nam, báo chí đã phản ánh sự lo ngại xã hội và các nhà đầu tư về các công trình có nguồn vốn vay từ Trung Quốc vừa lạc hậu về công nghệ lại phải chấp nhận cho nhà thầu Trung Quốc thi công, thời gian thực hiện dự án kéo dài và đội vốn khá nhiều. Nhưng không hiểu vì sao, các dự án liên quan đến vốn vay từ Trung Quốc vẫn tiếp tục được thực hiện ở Việt Nam.
Đến tháng 8 năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã có báo cáo chính thức, cảnh báo vốn vay ODA từ Trung Quốc để chính phủ định hướng.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chỉ rõ có điều kiện kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam. Điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%/năm, thời hạn vay chỉ là 15 năm và thời gian ân hạn là 5 năm.
Báo cáo cũng đưa ra 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, có nhiều dấu ấn của nhà thầu, chủ thầu của Trung Quốc là: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2… Đặc biệt là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), một dự án vừa chậm tiến độ vừa đội vốn lên gấp 5 lần, tăng từ 8.769 tỉ Đồng lên 47.325 tỉ Đồng, gây bức xúc và phiền toái cho người dân Thủ đô Việt Nam mà chưa biết chất lượng có cao như vốn không.
Đây là bài học đắt giá cho Việt Nam khi sử dụng vốn vay có điều kiện của Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, dù báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuy đã quá muộn nhưng rất cần thiết. Người Việt Nam có câu “muộn còn hơn không”.