Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThủ tướng Malaysia thuyết phục thế nào để ông Tập Cận Bình...

Thủ tướng Malaysia thuyết phục thế nào để ông Tập Cận Bình vui vẻ dừng dự án?

Khiêm tốn nhận lỗi về phía mình và đề cao Trung Quốc đã giúp Tiến sĩ Mahathir Mohamad có được cái gật đầu vui vẻ từ ông Tập Cận Bình chấp nhận dừng dự án.

Nikkei Asian Review ngày 21/8 đưa tin, hôm thứ Ba, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chấp thuận yêu cầu của ông về việc đình chỉ 3 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc.

Từ khi vị Tiến sĩ 93 tuổi quay trở lại ghế Thủ tướng Malaysia tháng Năm năm nay, nội các của ông đã cân nhắc lại việc chi tiêu của chính phủ, cố gắng đưa quốc gia mình thoát khỏi bẫy nợ.

Phát biểu với báo giới trong ngày cuối cùng ở Trung Quốc, Tiến sĩ Mahathir Mohamad nói ông đã giải thích với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng, khoản nợ do 3 dự án này tạo ra cần phải được dừng lại vì nằm trong chính sách cắt giảm nợ công của chính phủ:

“Tôi đã giải thích cho cả 3 nhà lãnh đạo Trung Quốc (Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư) tại sao chúng tôi phải làm điều này.

Và không một ai trong số họ nói không. Họ hiểu vấn đề của chúng tôi và tại sao chúng tôi lại phải cắt giảm nợ công.

Các quan chức hai bên sẽ tiếp tục làm việc để tìm cách thoát khỏi các dự án này với chi phí thấp nhất có thể.

Chúng tôi không tìm thấy nhu cầu nào trong các dự án đó. Chúng tiêu tốn quá nhiều tiền và chúng tôi không thể chi trả cho nó.

Khi họ (Trung Quốc) đầu tư vào Malaysia, họ phải tuân theo luật pháp và luật lệ của Malaysia.”

Chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad quyết tâm kiềm chế chi tiêu, duy trì kỷ luật tài chính và xác định lại nợ công quốc gia.

Thủ tướng Mahathir Mohamad hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia mang lại vốn và công nghệ, nhưng không muốn mở cửa cho nhà thầu nước ngoài vào lấy mất công việc của người lao động Malaysia;

Ông cũng không muốn cho người nước ngoài vào mua đất ở Malaysia bởi nó có thể làm tăng giá bất động sản địa phương.

Đồng thời nhà lãnh đạo lão luyện này cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với tăng trưởng đáng kể của Trung Quốc về kinh tế và công nghệ.

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai nước thúc đẩy “hợp tác thực chất” trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là trong sáng kiến Vành đai và Con đường, thúc đẩy việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng cùng có lợi. 

Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ mua thêm các sản phẩm nông nghiệp từ Malaysia, cả hai bên cũng đã ký thỏa thuận phát triển nhiên liệu sinh học và thúc đẩy việc sử dụng cao su trong xây dựng đường bộ.

Tiến sĩ Mahathir Mohamad đã mời ông Tập Cận Bình đến Kuala Lumpur và Chủ tịch Trung Quốc đã mời Thủ tướng Malaysia thăm lại nước này tham dự hội nghị Vành đai và Con đường năm tới. [1]

Đưa tin về chuyến thăm này, The Washington Post ngày 21/8 cho biết, trong bữa tối ấm cúng ông Tập Cận Bình chiêu đãi Tiến sĩ Mahathir Mohamad hôm 20/8, hai nhà lãnh đạo vẫn lạc quan về tương lai chung, cam kết tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau.

Việc đình chỉ 3 dự án vốn là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường tưởng chừng như hoàn toàn trái ngược với không khí “ấm cúng” này. Nhưng ngài Mahathir Mohamad giải thích:

“Tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc không muốn thấy Malaysia trở thành một đất nước bị phá sản. Trung Quốc hiểu vấn đề của chúng tôi và họ đồng ý.”

Ông Tập Cận Bình rất hài lòng với chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir Mohamad.

South China Morning Post ngày 21/8 dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad nói với báo giới:

“Các dự án này sẽ không tiếp tục. Hiện tại, ưu tiên là giảm nợ công quốc gia. Chúng sẽ được hoãn lại cho đến khi nào chúng tôi đủ khả năng, sau đó có lẽ là chúng tôi sẽ giảm chi phí.

Nếu chúng tôi phải trả tiền bồi thường, chúng tôi sẽ phải trả. Đây là sự ngu xuẩn của các cuộc đàm phán trước đây.

Chúng tôi phải tìm cách thoát khỏi những dự án này. Đây chính là sự ngu ngốc của chính con người phía chúng tôi.”

Như vậy có thể thấy, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad không chỉ biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, mà ông còn rất lão luyện trong đàm phán;

Tiến sĩ Mahathir Mohamad nhận sai về mình (nội các tiền nhiệm) và đặt vấn đề cắt giảm nợ công quốc gia thay vì tranh cãi bản chất dự án (không lợi ích gì, chỉ mang theo nhà thầu, công nghệ và công nhân Trung Quốc đến Malaysia) để rút khỏi những dự án bất lợi mà không khiến Trung Quốc bị mất mặt.

Vành đai và Con đường là sáng kiến của ông Tập Cận Bình. Cho đến thời điểm này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn kỳ vọng hợp tác với Malaysia trong việc triển khai sáng kiến này.

Với bối cảnh đặc biệt như vậy cùng các phát biểu bộc trực, thẳng thắn nhưng đặc biệt khôn khéo của Tiến sĩ Mahathir Mohamad, không khó để hình dung tại sao ông Tập Cận Bình lại chấp thuận yêu cầu đình chỉ 3 dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường tại Malaysia.

Và cũng không có gì quá lời khi cựu Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Chin Tong Liew và Phó giáo sư Cheng Chwee Kuik từ Đại học Quốc gia Malaysia lại khái quát thành “học thuyết Mahathir Mohamad 2.0”;

Hai vị xem đây là cẩm nang giá trị cho các nước nhỏ có thể học hỏi và tìm ra những gì hữu ích cho mình, đặc biệt là quốc gia nào đang là tâm điểm tranh giành ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc

RELATED ARTICLES

Tin mới