Những doanh nghiệp của Đài Loan tại Châu Phi sẽ có khả năng rất cao phải gánh thêm sức ép trong thời gian tới, khi Bắc Kinh bắt đầu mở rộng thêm tầm ảnh hưởng.
Ảnh minh họa: CNN
Theo SCMP, những doanh nghiệp của Đài Loan tại Châu Phi – hiện đã chịu vô số áp lực ngoại giao và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các tập đoàn thuộc Trung Quốc Đại lục – sẽ có khả năng rất cao phải gánh thêm sức ép trong thời gian tới, khi Bắc Kinh bắt đầu mở rộng thêm tầm ảnh hưởng.
Mike Hung, chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế Châu Phi của Đài Loan, nhận định những thách thức sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
“Trong 2 năm qua, chính quyền Đại lục đã có nhiều động thái nhằm vào các doanh nghiệp Đài Loan, bao gồm [áp lực chính phủ các nước châu Phi] không cấp visa cho các doanh nhân, can thiệp vào các giao dịch thương mại, và [hạn chế] quyền tham gia kinh doanh và các hội thảo khác tại đây,” ông Hung nói.
Với hơn 40 năm kinh nghiệm kinh doanh tại châu Phi, ông Hung lo lắng rằng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ ngày càng lớn hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các nước châu Phi trong tuần tới – đặc biệt khi có khả năng Đại lục sẽ xóa các khoản nợ cho các quốc gia có mặt tại hội nghị.
Ông Hung cho biết vài doanh nghiệp Đài Loan đã bị hủy cam kết và các hoạt động trợ giúp sau khi một số nước châu Phi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Hôm thứ 4 (22/8) vừa qua, trợ lí Ngoại trưởng Trung Quốc Trần Hiểu Đông đã kêu gọi nước eSwatini thay đổi quan điểm ngoại giao trước kì thượng đỉnh với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, quốc gia eSwatini – trước đây là Swaziland – vẫn khẳng định sẽ giữ mối quan hệ khăng khít với Đài Loan.
Lời kêu gọi của ông Trần tới sau một ngày đồng minh quý giá của Đài Loan tại Trung Mỹ là El Salvador cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh hôm thứ Ba (21/8), kết thúc mối quan hệ 85 năm với Đài Bắc.
Ngày 24/6, Lindiwe Cynthia Kunene, đại diện Đại sứ quán eSwatini tại Đài Loan, cho biết hoàn toàn “không có sự thay đổi nào” trong mối quan hệ giữa Đài Loan và eSwatini.
Theo ông Hung, nếu các doanh nghiệp Đài Loan muốn tồn tại tại châu Phi, họ cần “đoàn kết” để có thể giải quyết các vấn đề.
Phoebe Yeh, đại diện Vụ Hợp tác và Các Vấn đề Kinh tế Quốc tế của Đài Loan, cho rằng để cạnh tranh với doanh nghiệp của Đại lục, các công ty Đài Loan cần có hướng kinh doanh riêng.
“Nếu công ty Đài Loan có thể đưa ra những giải pháp doanh nghiệp tốt và đem lại lợi nhuận cũng như lợi thế cho chính phủ và doanh nghiệp địa phương, thì họ vẫn có cơ hội phát triển tại châu Phi,” bà Yeh nói.
Bà cũng nhấn mạnh rằng các tập đoàn lớn của Đài Loan cần dẫn đầu trong việc khám phá thị trường châu Phi.