Mascơva và Hà Nội vừa tiến hành công khai bước đi nhằm xúc tiến việc xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam. Báo Russia Today của Nga ngày 3/8/2015 cho biết, Mascơva và Hà Nội đang tiến hành những bước đi quan trọng này.
Theo đó, ngày 30/7/2015, Công ty Liên hợp ASE – NIAEP trực thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết thỏa thuận khung cho việc thực hiện giai đoạn đầu xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Phó Chủ tịch của NIAEP, ông Valery Limarenko Savushkin và Phó Tổng giám đốc EVN, ông Nguyễn Cường Lâm đã ký kết bản thỏa thuận trên với sự chứng kiến của các đại diện đến từ Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn ROSATOM.
Trong buổi lễ ký kết, Tổng giám đốc ASE-NIAEP-AEP, ông V.L. Savushkin phát biểu: “Đây là một bước tiến quan trọng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Chúng tôi cùng với đối tác Việt Nam tin tưởng rằng nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng sẽ là nhà máy điện hiện đại nhất tại Việt Nam, đáp ứng tất cả các yêu cầu quốc tế về an toàn và chất lượng”.
Theo kế hoạch các lò phản ứng sẽ được xây dựng từ năm 2017 đến năm 2023 theo kiểu dự án chìa khoá trao tay. Bộ Tài chính của Nga sẵn sàng tài trợ ít nhất 85% cho nhà máy đầu tiên cho việc cung cấp nhiên liệu hạt nhân và tiếp nhận nhiên liệu đã qua sử dụng trong suốt vòng đời hoạt động của nhà máy.
Rosatom tiết lộ thêm, phía Nga sẽ cho Việt Nam vay 8 tỉ rúp trong dự án quan trọng này. Ngoài ra, công trình này sẽ thu hút các công ty địa phương với tỉ lệ nội địa hóa khoảng 30-40% ở lĩnh vực sản xuất thiết bị và xây dựng công trình.
Thỏa thuận nói trên chỉ mới liên quan giai đoạn 1 với việc xây dựng 2 tổ máy (tức 2 lò phản ứng) đầu tiên trong tổng số 4 tổ máy được quy hoạch cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Theo dự án tổng thể về phát triển điện hạt nhân ở Ninh Thuận đã được nhà nước phê chuẩn, sau nhà máy đầu tiên này sẽ xây tiếp Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Về vấn đề địa điểm, mới đây, ngày 16/7/2015 UBND tỉnh Ninh Thuận và EVN đã tổ chức công bố Quyết định số 6070/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Theo quyết định này, mặt bằng mới quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 nằm ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh được mở rộng về phía Tây Nam và lùi sâu về phía đất liền 400 m so với mặt bằng cũ đã được phê duyệt năm 2010; tổng diện tích chiếm đất dự án (trên đất liền) 443,11 ha; tổng diện tích sử dụng trên biển 440,57 ha.
Mặt bằng mới quy hoạch xây dựng cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, được mở rộng về phía Tây Nam và lùi sâu về phía đất liền khoảng từ 285 m – 395 m so với mặt bằng cũ đã được phê duyệt năm 2010; tổng diện tích chiếm đất dự án (trên đất liền) 380,91 ha; tổng diện tích sử dụng trên biển 377,63 ha. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 cũng được quy hoạch với quy mô 4 tổ máy với công suất mỗi tổ máy từ 1.000 – 1.200 MW, chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt 2 tổ máy.
Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được Bộ Công Thương công bố ngày 20/7/2010.
Sau đợt sóng thần tại Nhật Bản năm 2011, gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy hạt nhân Pukushima, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị tư vấn đưa ra phương án thiết kế an toàn; rà soát lại tất cả các thông số địa chất, địa hình… với mục tiêu là phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam dự kiến sẽ có 3 nhà máy, ngoài hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 còn nhà máy thứ 3 nữa xây dựng với sự hợp tác với Nhật Bản. Hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 sẽ đặt ở hai địa điểm nói trên ở các xã Phước Dinh và Vĩnh Hải, còn nhà máy thứ 3 nằm trong dự kiến cộng tác với Nhật Bản sẽ được xây dựng ở một khu vực trung tâm khác.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hôm nay công bố dự báo cho ngành điện lực Việt Nam, trong đó nói rằng: “Việt Nam đã sẵn sàng thay đổi đáng kể cơ cấu ngành điện trong vòng hai thập kỷ tới và hiện đại hoá nền kinh tế nông nghiệp của đất nước để trở thành quốc gia phát triển hơn về công nghiệp hoá. Số liệu cho thấy ngành điện phát triển với công suất từ khoảng 42 GWe hiện nay tới gần 140 GWe vào năm 2030, khi đó điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 8% tổng điện năng quốc gia.