Mục tiêu các hành động của Đức nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua bán và sáp nhập các công ty công nghệ cao, cũng giống ngài Donald Trump chống đánh cắp công nghệ.
South China Morning Post ngày 26/8 có bài phân tích việc Berlin chống lại làn sóng mua bán và sáp nhập của Trung Quốc nhằm vào các công ty công nghệ cao ở Đức;
Cho dù là quốc gia có truyền thống ủng hộ thương mại tự do, nhưng làn sóng này đã khiến Berlin giật mình cảnh giác với việc cấp quyền tiếp cận thị trường Đức cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối tháng trước, lần đầu tiên Nội các Thủ tướng Angela Merkel đã ngăn chặn 1 doanh nghiệp Trung Quốc tiếp quản 1 công ty Đức.
Tập đoàn Yantai Taihai đã phải rút lại kế hoạch mua (cổ phần) hãng chế tạo công cụ Leifeld Metal Spinning vào phút chót, sau khi Chính phủ Đức cảnh báo họ sẽ ngăn chặn việc mua bán này vì lý do an ninh.
Leifeld Mental Spinning chuyên sản xuất các thiết bị được sử dụng trong các ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân và hàng không vũ trụ.
Vài ngày trước khi thỏa thuận sụp đổ, ngân hàng quốc doanh Đức KfW tuyên bố sẽ mua 20% cổ phần công ty quản lý lưới điện 50Hertz để chống lại đề nghị mua từ Tổng công ty lưới điện quốc gia Trung Quốc.
Chính phủ Đức cũng công bố kế hoạch giảm ngưỡng tối thiểu để sàng lọc đầu tư nước ngoài trong các ngành liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Năm ngoái, Chính phủ Đức đã thắt chặt quyền kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài bằng cách can thiệp nếu một nhà đầu tư nước ngoài có được 25% cổ phần trong 1 doanh nghiệp Đức.
Hiện tại Berlin muốn kiểm soát chặt chẽ hơn các giao dịch này, bằng cách giảm ngưỡng đó xuống còn 15%. Những động thái này được đưa ra sau một loạt vụ mua lại các công ty (công nghệ cao) của Đức trong 2 năm qua.
Việc mua lại và sáp nhập tại Đức của các doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông đã đạt mức cao nhất với 69 giao dịch năm 2017 so với 18 giao dịch năm 2011, theo số liệu của Viện Sáp nhập – mua lại và liên minh.
Giá trị các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Đức tăng vọt từ 690 triệu euro trong năm 2011 lên đến 7 tỷ euro năm 2016, trong đó đáng chú ý nhất là thương vụ mua lại nhà sản xuất rô-bốt Kuka Midea trị giá 4,5 tỷ euro.
Ngoài ra, trong 2 năm qua các công ty Trung Quốc đã tiếp quản các doanh nghiệp hàng đầu trong nền công nghiệp Đức như Biotest Pharmaceuticals, thậm chí là cổ phần của các doanh nghiệp biểu tượng của Đức như Deutsche Bank và Daimeler – chủ sở hữu của thương hiệu Mercedes-Benz.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về công nghệ hiện đại, được xem như xương sống của nền kinh tế Đức, rất dễ tổn thương trước các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc.
Mặc dù các doanh nghiệp Trung Quốc luôn tự giới thiệu họ là công ty tư nhân, nhưng họ có mối liên kết với các cơ quan chính phủ nước mình khá mạnh.
Ngoài ra, việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của các nhà đầu tư EU còn rất hạn chế, theo nhà nghiên cứu Christian Dreger, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức.
Đức và Ý là 2 nước thành viên EU có quan điểm bất lợi nhất cho Trung Quốc, với 53% và 59% dân số có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Đầu tư từ Trung Quốc vào EU tăng từ 700 triệu euro năm 2008 lên 30 tỷ euro năm 2017;
Gần 2/3 vụ mua bán và sáp nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu trong 10 lĩnh vực được tiến hành bởi kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh.
Các loại xe sử dụng năng lượng mới, rô-bốt, y tế, thiết bị hàng không vũ trụ và vật liệu mới là những mục tiêu Trung Quốc hướng tới.
Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu nỗi lo của Đức.
Trong tạp chí xuất bản bởi tờ báo Frankfurter Allgemeine gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi các công ty Đức “đừng sợ” hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhưng Đức và phần còn lại của châu Âu đã tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi thế công nghiệp của mình;
Đây cũng chính là mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến thương mại liên tục giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, được hiểu là nhằm hạn chế thúc đẩy Bắc Kinh trở thành cường quốc công nghệ (bằng cách đánh cắp công nghệ nước khác và ngăn chặn doanh nghiệp nước khác đầu tư vào Trung Quốc).
Về phía mình, Bắc Kinh nhiều lần bày tỏ cam kết tiếp tục mở cửa thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài và đã có dấu hiệu (ban đầu) cho thấy sự nhượng bộ.
Đó là việc Trung Quốc gỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài với các công ty ô tô trong nước vào năm 2022 và BMW có thể sở hữu phần lớn cổ phần trong 1 doanh nghiệp liên doanh tại Trung Quốc, trước khi Bắc Kinh chính thức tăng hạn ngạch đầu tư.
Tuy nhiên các doanh nghiệp Đức phàn nàn về những hạn chế không chính thức, mặc dù có những thay đổi trong thông điệp công khai của Bắc Kinh, họ vẫn chưa thấy nhiều tiến bộ trong thực tiễn. [1]
Cách đây 3 hôm, Chính phủ Australia ngày thứ Năm 23/8 đã cấm 2 doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE cung cấp thiết bị không dây cho mạng viễn thông quốc gia 5G của mình.
2 doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc này trước đó đã bị Chính phủ Hoa Kỳ ngăn chặn bằng cách cấm các tổ chức sử dụng ngân sách để mua thiết bị của họ để tránh nguy cơ với an ninh quốc gia. [2]
Điều này không chỉ cho thấy lỗ hổng công nghệ cao của Trung Quốc, mà còn là 1 tử huyệt ngài Donald Trump vẫn tạm để lại.
Ở Đông Nam Á, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đàm phán thành công về nguyên tắc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc đình chỉ 3 dự án.
Đây là những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng vốn vay Trung Quốc trị giá 23 tỷ USD trong khuôn khổ Vành đai và Con đường mà Thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak đã mang về, vì chúng chỉ làm tăng nợ công quốc gia mà chẳng mang lại lợi ích gì rõ ràng, nổi bật.
Những diễn biến này cho thấy, bất chấp các đồng minh của Mỹ, từ Đức, EU, Australia cho tới các đối tác trung lập như Malaysia, vẫn phàn nàn, thậm chí chống đối chính sách thương mại của ngài Donald Trump, nhưng hành động của họ đã gián tiếp chứng minh ông chủ Nhà Trắng đã đúng khi hành động quyết liệt với Trung Quốc như vậy.