Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngMột số thông tin, dư luận liên quan Bộ Quy tắc ứng...

Một số thông tin, dư luận liên quan Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông gần đây

Tờ The Nation của Thái Lan (31/7) dẫn lời giới chức ngoại giao Thái Lan và Trung Quốc cho biết, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí một “văn bản duy nhất” để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), tuy nhiên tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian để đi đến kết luận. Trước đó, trang tin Diplomat (27/7) cũng loan tin cho hay ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất một bản COC duy nhất tại cuộc gặp cấp cao về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tổ chức ở Trường Sa, Hồ Nam – Trung Quốc (27/6/2018). Theo Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN, thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Suriya Chindawaongse nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên hai bên nhất trí một văn bản đàm phán duy nhất”. Được biết, COC là tập hợp những quy tắc, quy định và trách nhiệm hay cách hành xử phù hợp của các cá nhân, tổ chức và bên có liên quan đến Biển Đông.

Các nước hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí bản dự thảo duy nhất đàm phán COC

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano(7/8) tuyên bố việc Trung Quốc – ASEAN đạt dự thảo duy nhất đàm phán COC là “bước đột phá quan trọng”;khẳng định Philippines sẽ đảm nhiệm tốt vai trò nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN (kể từ tháng 8/2018) để thúc đẩy đàm phán COC. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (1/8) nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần sớm hoàn thiện COC vì ổn định trên biển và “tăng cường vai trò của UNCLOS vì đó là cơ sở pháp lý quy định quyền tự do lưu thông và các yêu sách tài nguyên”. Đại sứ Australia tại Philippines Amanda Gorely (17/8) đã hối thúc tất cả các bên liên quan cần đảm bảo rằng COC sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bà Amanda Gorely nhấn mạnh, tình hình hiện nay ở Biển Đông đang cho thấy “những thách thức nghiêm trọng đối với một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực”, khẳng định “hợp tác biển có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, bao gồm quản lý các tranh chấp ở Biển Đông, nơi có những thách thức đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”; Australia tin tưởng rằng COC có thể giúp quản lý các tranh chấp và hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực, thông qua “tăng cường cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN hiện nay”, “tăng cường cam kết của các bên nhằm chấm dứt các hành động làm phức tạp hay làm leo thang các tranh chấp, nhất là hành động quân sự hóa”. Bên cạnh đó, bà Amanda Gorely cũng ghi nhận rằng việc thúc đẩy COC “sẽ không dễ dàng”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo sự toàn vẹn của trật tự quốc tế trên nền tảng của các quốc gia có chủ quyền”. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Patrick Murphy cho biết, COC sẽ chỉ có kết quả tốt đẹp nếu đối thoại giữa các bên liên quan diễn ra trong một môi trường thuận lợị và vấn đề Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington hiện nay. Chính phủ Mỹ ghi nhận những nỗ lực để đạt được thoả thuận về COC của ASEAN và Trung Quốc đồng thời chia sẻ mối quan tâm của mình trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc cần duy trì một lệnh cấm quân sự hoá, xây dựng hay cải tạo những khu vực đang xảy ra tranh chấp. Mỹ đang hy vọng rằng tiến trình đàm phán COC sẽ diễn ra một cách minh bạch và sẽ thu được “kết quả mang tính ràng buộc pháp lý và tuân thủ theo luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (2/8) khẳng đinh, “quá trình đàm phán COC sẽ được thúc đẩy nhanh hơn miễn là chúng ta loại bỏ được sự can thiệp từ bên ngoài. Thực tế sẽ chứng minh ASEAN và Trung Quốc có đủ khả năng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đạt được các quy tắc của khu vực thông qua đàm phán”. Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên (1/8) cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực đạt COC trong thời gian sớm nhất, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác thiết thực trên biển. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Biên giới và các Vấn đề biển thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Di Tiên Lương (8/8) cho biết các vòng đối thoại đang tiếp tục, còn nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm; các nước ngoài khu vực đang làm rối vấn đề khi cho rằng COC phải ràng buộc pháp lý. Vấn đề này rất phức tạp, bao gồm quy trình pháp lý nội bộ của các quốc gia liên quan.

Một số ý kiến cho rằng COC chưa chắc giúp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tuỳ viên quân sự của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho rằng COC có thể sẽ bất lợi cho những nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Các nước ASEAN cần phải tính đến những nguy cơ có thể xảy ra khi ký kết các điều khoản hiện đang được thương lượng tại COC. Hiện các nước như Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines hiện nay đều có vùng đặc quyền kinh tế riêng (EEZ) mở rộng đến 200 hải lý tương đương 370 km từ đất liền ra tới Biển Đông và đều có chủ quyền trên vùng biển này . Điều này đồng nghĩa với việc họ có quyền khai thác, đánh bắt và đặc biệt là quyền thăm dò và khai thác khí đốt tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố về bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” thì một phần vùng biển chủ quyền của các nước này lại nằm bên trong khu vực mà Trung Quốc cho là “thuộc lãnh hải của mình’. Và thực tế là Trung Quốc đã đe doạ việc Philippines khai thác dầu tại Bãi Cỏ Rong cũng như mới đây ép buộc Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí tại khu vực Bãi Tư chính, vốn những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam. Vì vậy, nếu như không vô hiệu hóa được “đường lưỡi bò” phi pháp, mà đã vội vàng ký kết một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì nếu tiếp tục thực hiện hoạt động khai thác tại khu vực này, Việt Nam sẽ là nước chính thức vi phạm. Cụ thể, nếu như Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) lựa chọn được nhà thầu khai thác 9 lô nhiên liêu hoá thạch mà họ đã xác định được và mặc dù là những lô nhiên liệu này nằm trong EEZ của Việt Nam nhưng Trung quốc lại cho rằng chúng nằm trọn trong “đường lưỡi bò” thì khi đó, việc Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí tại đây sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế theo tuyên bố của Trung Quốc. Điều này cũng tương tự như việc Trung Quốc phản đối Indonesia đổi tên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc của quần đảo Natuna là biển Natuna hay việc Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Philippines nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và buộc tội các nước này khai thác trái phép trong vùng biển của Trung Quốc.

Ngoài việc sẽ dùng “công cụ pháp lý” được ký kết trong COC để chống lại các nước ASEAN thì với việc trở nên ngày càng mạnh hơn về sức mạnh quân sự và an ninh hàng hải, Trung Quốc sẽ càng có cớ để gây áp lực cũng như có quyền can thiệp quân sự đối với các quốc gia Đông Nam Á, một khi các nước này tiến hành những hoạt động mà Trung Quốc cho là vi phạm vùng biển của mình.

Lee YingHui, nghiên cứu viên cao cấp tại Chương trình An ninh biển, Trường Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết, Trung Quốc cũng tận dụng việc các bên tranh chấp trong ASEAN không đưa ra phản đối công khai để đẩy mạnh các yêu sách của mình ở khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành thêm nhiều hoạt động gây hấn “mềm mỏng” ở Biển Đông trong thời gian tới, các quốc gia ASEAN cần lưu ý tới khả năng này trong bối cảnh các bên đang tiếp tục triển khai các cuộc đàm phán về COC.

Chưa thể có COC trong thời gian ngắn được

Sau gần 15 năm kể từ ngày ký DOC, tháng 11/2002, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc tại Manila, Philippines ngày 06/8/2017 đã chính thức thông qua khung của một Bộ quy tắc Ứng xử (COC) là tập hợp những nguyên tắc, quy định và trách nhiệm hay cách hành xử phù hợp của các bên có liên quan trong vùng biển này. Đây được xem là một bước tiến của quá trình đàm phán lâu dài, trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động gây căng thẳng trên biển, nhằm thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý. Tuy nhiên, quá trình đàm phán, ký kết COC còn cần rất nhiều thời gian, vì: (1) Việc đàm phán COC trong nhiều năm bị trì hoãn là do Trung Quốc không muốn bị ràng buộc, vấp phải khó khăn trong quá trình thực hiện yêu sách chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. (2) “Văn bản khung COC” chứa một số mục tiêu và nguyên tắc chung, nhưng chưa có chi tiết cụ thể, và có nhiều điểm là sự lặp lại của DOC, trong đó có mục tiêu ngăn chặn sự cố và giải quyết tranh chấp trên biển; nguyên tắc đàm phán COC dựa trên cơ sở Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS); và 5 nguyên tắc sống chung hòa bình. (3) Trung Quốc đã lưu ý các nước ASEAN không nên chờ đợi quá cao về COC và chỉ nên coi COC là một thành phần của DOC.

RELATED ARTICLES

Tin mới