Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinGần 40 năm chỉ "bàn binh trên giấy", quân đội TQ háo...

Gần 40 năm chỉ “bàn binh trên giấy”, quân đội TQ háo hức được Nga dạy bài học xương máu

Quân đội Trung Quốc chưa từng trải qua bất kỳ xung đột vũ trang lớn nào kể từ cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979.

(Ảnh: SCMP)

Nga sẽ chia sẻ bài học ở Syria với Trung Quốc

Các xe tăng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được nhìn thấy vượt qua biên giới Nga-Trung ở Mãn Châu Lí, khu tự trị Nội Mông, hôm 28/8.

Đây là lần đầu tiên PLA cử lực lượng tham gia một cuộc tập trận do Nga tổ chức, chứ không phải một hoạt động tập trận chung giữa quân đội hai nước.

Nga chuẩn bị tiến hành Vostok-2018 (Phương Đông-18) – cuộc tập trận mà theo mô tả của Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu là “cuộc huấn luyện quân sự lớn chưa từng thấy”, với sự tham gia của gần 300.000 quân nhân và 1.000 chiến đấu cơ.

Trước đó, cuộc tập trận lớn nhất được ghi nhận là Zapad-1981 do quân đội Liên Xô tổ chức, với 150.000 binh sĩ Xô Viết được huy động.

PLA gửi 3.200 binh sĩ và 30 máy bay, cùng các khí tài khác, tham gia chương trình tập trận chung ở cơ sở huấn luyện Tsugol, vùng Trans-Baikal, từ 11-15/9 tới.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói, tham gia Vostok-2018 là cơ hội để quân đội Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm, bao gồm chiến thuật tác chiến và chiến lược mà Nga có được từ các cuộc chiến ở Syria và Chechnya.

“Vai trò của các binh sĩ Trung Quốc trong Vostok-2018 là rất hạn chế… nhưng trong tình hình PLA không chiến đấu trong nhiều thập kỷ, đây là một cơ hội học hỏi hiếm có,” ông Song nói.

Nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng Nga đã kết hợp một số bài học từ chiến sự Syria vào giáo trình quân sự cho các học viện của Nga, và những thông tin này cũng sẽ được chia sẻ với người Trung Quốc.

“Đây sẽ là lần đầu tiên [Nga] chia sẻ thông tin dạng này với một đội quân nằm ngoài phạm vi đế chế Nga cũ,” nguồn tin cho biết. “PLA là lực lượng quân sự lớn duy nhất không có kinh nghiệm thực chiến và đang rất háo hức được học những bài học thực tế.”

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn đóng vai trò không mấy nổi bật trong tiến trình hòa bình ở Syria và tránh can thiệp quân sự ở đất nước Ả Rập này. Dù vậy, Trung Quốc vẫn bắt tay Nga phủ quyết một số đề xuất được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn ở Liên hợp quốc nhằm trừng phạt chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nga bắt đầu can thiệp quân sự ở Syria từ cuối tháng 9/2015 bằng chiến dịch không kích yểm trợ quân đội chính phủ Syria chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Đến nay, với sự hỗ trợ của Nga, quân đội Syria đang giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ nước này, và đang xúc tiến chiến dịch tái chiếm địa bàn tỉnh Idlib.

Tín hiệu Nga-Trung gửi phương Tây

Nhà quan sát quân sự ở Bắc Kinh, ông Zhou Chenming, nói việc PLA tham dự Vostok-2018 cũng là tín hiệu về sự ủng hộ chính trị của Trung Quốc đối với tổng thống Vladimir Putin – người đang chịu sức ép ngoại giao từ nhiều phía, đặc biệt từ Mỹ và NATO.

“Ông Putin sẽ khoe cơ bắp quân sự của Nga trước Mỹ, bởi ông lo ngại Liên minh châu Âu (EU) làm việc với NATO về cái gọi là kế hoạch Schengen quân sự sẽ loại Nga khỏi châu Âu,” ông Zhou nói.

Bản kế hoạch mà ông Zhou đề cập, được gọi không chính thức là Schengen quân sự, vì dựa trên tinh thần tương tự Hiệp ước Schengen do 26 nước châu Âu ký kết, cho phép tự do đi lại và loại bỏ các chốt hải quan đường bộ tại biên giới.

Ông bổ sung, “chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xếp Bắc Kinh và Moskva vào nhóm đối thủ chiến lược của Mỹ.”

Jonathan Holslag, giáo sư ngành chính trị quốc tế tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brussels, cho rằng cả Nga và Trung Quốc đã bị buộc phải nắm tay nhau trong cuộc tập trận “ngoạn mục, nhưng không quá đặc biệt” với mục đích “gửi thông điệp răn đe đến quốc tế”.

“[Cuộc tập trận Vostok-2018] cho thấy, dù còn thiếu lòng tin cậy giữa Moskva và Bắc Kinh, Nga vẫn thấy không còn lựa chọn nào ngoài hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt khi quan hệ với Mỹ còn bất ổn và sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc là cần thiết để giảm nhẹ tác động từ các lệnh cấm vận của phương Tây,” ông Holslag nói.

Ông Collin Koh, chuyên gia về các vấn đề trên biển thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nhận xét việc quân đội Nga-Trung cùng hiện diện trong cuộc tập trận lớn nhất lịch sử của Nga có thể khơi dậy những ấn tượng thời chiến tranh Lạnh, nhưng một “tín hiệu chiến lược rõ rệt” như vậy gửi phương Tây cũng sẽ không đẩy lùi được kế hoạch của Mỹ và đồng minh trong khu vực.

“Nhưng các bên liên quan sẽ thận trọng để duy trì tình trạng ở dưới ngưỡng có thể kích động làm nổ ra một cuộc đối đầu quân sự,” ông Koh nói.

“Các động thái và hoạt động quân sự dồn dập có thể gây lo ngại về những đụng độ quân sự vô tình hoặc ngẫu nhiên.”

RELATED ARTICLES

Tin mới