Trung Quốc sẽ sử dụng chiến lược “gây sốc và kinh hoàng” nhằm đè bẹp Mỹ trong một cuộc chiến tranh…
Các tên lửa chiến lược DF-41 của quân đội Trung Quốc
Trung Quốc sẽ sử dụng chiến lược “gây sốc và kinh hoàng” (tên một chiến dịch mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong Chiến tranh Iraq) nhằm đè bẹp Mỹ trong một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai. Đây là nội dung về kịch bản chiến tranh được biên tập viên kỳ cựu Harry J. Kazianis đăng trên tạp chí National Interest mới đây.
“Làm mù” quân đội Mỹ
Theo ông Kazianis, mặc dù hiện nay tỷ lệ xảy ra xung đột là khá thấp, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn có thể gây ra thiệt hại nặng nề tới lợi ích của Mỹ và các đồng minh của nước này tại châu Á – Thái Bình Dương.
Biên tập viên này giả định rằng, Trung Quốc sẽ tiến hành tấn công một cách dứt khoát và kiên định với mục tiêu hạn chế khả năng đáp trả hiệu quả của Hoa Kỳ và đồng minh. Ở đây, Trung Quốc quyết định không dùng vũ khí hạt nhân và giới hạn chiến trường trong bán kính khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bước một của chiến dịch sẽ là việc quân đội Trung Quốc cố gắng “làm mù mắt” hoàn toàn quân đội Hoa Kỳ. Đây là bước đi quan trọng mà hầu hết các học giả đã nêu ra một khi chiến tranh giữa hai cường quốc xảy ra.
Các hệ thống C2 (chỉ huy và kiểm soát) nằm trong tổng thể hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát) vốn là niềm tự hào trong nghệ thuật chiến tranh Mỹ.
Hai hệ thống hiện đại trên giúp cho quân đội Mỹ có thể phối hợp tác chiến đa binh chủng hỗn hợp một cách nhịp nhàng và hiệu quả nhất. Ví dụ như, chia sẻ thông tin tình báo về vị trí và khả năng của đối thủ theo thời gian thực với đồng minh, sử dụng “bom thông minh” và các khả năng khác dựa trên ưu thế vũ khí công nghệ cao của Washington. Nhưng đây cũng sẽ là mục tiêu bị Bắc Kinh áp chế đầu tiên.
Bắc Kinh sẽ tạo ra “sương mù chiến tranh” bằng việc tiến hành một cuộc chiến tranh mạng khổng lồ nhắm vào các hệ thống C2 của Hoa Kỳ trên khắp thế giới thông qua một bên thứ ba nào đó (hay ít nhất khiến nó giống như được tiến hành bởi bên thứ ba).
Tiếp theo, trước khi Hoa Kỳ kịp nhận thấy điều gì đang diễn ra, Trung Quốc sẽ tấn công hệ thống vệ tinh trên quỹ đạo nhằm ngăn chặn khả năng thu thập tin tức tình báo.
Bước hai của chiến dịch sẽ là tấn công cấp tập bằng tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, các tên lửa chống hạm và các “sát thủ tàu sân bay”. Đây sẽ là phiên bản của chiến lược “gây sốc và kinh hoàng” kinh điển, nhằm làm áp đảo đối phương hoàn toàn.
Mục tiêu của loạt tấn công này sẽ là các sân bay, bến cảng và các cơ sở chỉ huy và thông tin tác chiến tại khắp khu vực Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ cố gắng gây thiệt hại nhiều nhất có thể chỉ trong một đợt tấn công và do đó sẽ khiến cho Mỹ và đồng minh khó có khả năng phản ứng.
Mỹ sẽ đáp trả thế nào?
Theo ông Harry J. Kazianis, kịch bản trên (đã được đơn giản hóa rất nhiều đối với các yếu tố thời gian và không gian) là một trong những gì các nhà hoạch định Mỹ và đồng minh đã nghĩ tới từ ít nhất giữa những năm 2000.
Bằng chứng là những cuộc tập trận cả trên không và trên biển của các lực lượng trên khắp Thái Bình Dương, nhằm vô hiệu hóa những khả năng của kịch bản nêu trên.
Tuy nhiên, học giả Harry J. Kazianis cho rằng, cách đáp trả của Mỹ sẽ rất tốn kém và chỉ có thể làm chậm hoạt động tấn công dồn dập của Trung Quốc.
Kịch bản đặt ra rằng, nếu Bắc Kinh khéo léo bắn những tên lửa đời cũ (độ chính xác chưa cao) làm “đòn gió” vào các tàu hải quân Mỹ và đồng minh, nhằm kích hoạt hệ thống đánh chặn và loại bỏ tất cả các tên lửa được thiết lập sẵn. Sau đó, sử dụng các tên lửa với độ chính xác cao hơn để tạo ra cuộc tấn công thực sự khủng khiếp.
Vì thế, chiến lược đối phó của Washington sẽ phải là một sự kết hợp giữa tăng cường phòng thủ tại các căn cứ quân sự, khả năng nhận biết tức thời và giáng trả nhanh chóng, cũng như phải có chiến thuật phân tán lực lượng và phòng thủ tích cực (thông qua các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot hay THAAD).
Thêm vào đó, nước Mỹ là một siêu cường toàn cầu với lực lượng mạnh mẽ lan ra khắp hành tinh và không chỉ ở châu Á. Quốc gia hùng mạnh này có thể nhanh chóng bắt đầu huy động một lượng lớn lực lượng trên khắp thế giới để phản công sau khi Bắc Kinh đã sử dụng khá nhiều tên lửa đạn đạo và hành trình.
Đặc biệt, đồng minh châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản- những quốc gia cũng có những xung đột lợi ích trên biển với Bắc Kinh, có thể sẽ tích cực hỗ trợ đòn phản công của Mỹ.