Các lệnh trừng phạt của Mỹ đang ngày một thúc đẩy Iran tìm kiếm nhiều lợi ích hơn nữa từ công cuộc tái thiết Syria hậu chiến.
Những sự kiện xảy ra trong một một vài ngày gần đây tại Syria cho thấy một điểm chung: khi cuộc nội chiến Syria đang bước vào những giai đoạn cuối cùng, một cuộc đối đầu mới lại xuất hiện.
Theo báo Israel Haaretz, cả Nga và Iran, những quốc gia đang hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Assad chống các nhóm nổi dậy trong cuộc nội chiến, đều đang trông chờ đạt được nhiều lợi ích từ chiến thắng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Đối với Syria, cả hai quốc gia đều là đồng minh, song lợi ích của hai nước này đôi lúc lại trái ngược, đặc biệt là khi cả hai đang tìm kiếm những phần thưởng tài chính trong quá trình tái thiết sắp tới tại Syria.
Ngày 28/8, căng thẳng tại Syria lại tiếp tục leo thang khi Nga điều động các lực lượng hải quân tới bờ biển nước này trong bối cảnh Tổng thống Bashar al-Assad đang cân nhắc một cuộc tổng tấn công nhằm vào thành trì cuối cùng của phe nổi dậy, Idlib. Truyền thông nước Nga gọi đây là lần triển khai sức mạnh hải quân lớn nhất của Moscow kể từ khi chính thức tham chiến tại Syria từ năm 2015.
Quyết định điều thêm lực lượng hải quân tới Syria được đưa ra trùng khớp thời điểm chính quyền Syria thông báo ký một thỏa thuận an ninh mới với Iran, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Iran tới Syria đầu tuần trước. Một phần trong thỏa thuận có đề cập Iran sẽ giúp xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự Syria.
Trong bài viết trên báo Haaretz, tác giả có nhận định quốc gia sẽ đứng ngoài cuộc đối đầu liên quan đến quá trình tái thiết Syria ở đây là Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump không hề có một chính sách rõ ràng nào về “những ngày sau này” ở Syria, ngoại trừ một khẳng định duy nhất: Mỹ sẽ không chi tiền vào đó.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley, trong một bài phát biểu ngày 28/8 tại thủ đô Washington nêu rõ hiện chính quyền Tổng thống Assad và Nga đang “làm chủ” Syria. Đại sứ Halley khẳng định nước Mỹ “sẽ đứng ngoài” công cuộc tái thiết.
Tuy nhiên, một vấn đề quan ngại đặt ra ở đây là nếu Mỹ không tham gia, thì “đống đổ nát” ở Syria có thể trở thành một nguồn thu nhập tương lai cho Iran, quốc gia đang bị các lệnh trừng phạt của Mỹ gây sức ép nặng nề.
Rõ ràng, thỏa thuận an ninh mới mà Iran ký kết với Syria đã cho thấy sự tính toán lớn của nước này.
Một trong những mục tiêu ưu tiên của Iran là giành quyền kiểm soát ngành viễn thông Syria, bị tổn thất trong chiến tranh nhưng không phải bị phá hủy hoàn toàn.
Trong bài bình luận gần đây, Matthew Brodsky – một chuyên gia phân tích Trung Đông tại Washington đề cập Iran và Syria đã ký kết xong các thỏa thuận viễn thông. Ông giải thích: Đối với Iran, ngành viễn thông rõ ràng không chỉ có lợi về mặt tài chính mà còn giúp ích cho công tác tình báo.
Bên cạnh đó, chuyên gia Brodsky tiết lộ thỏa thuận giữa Iran và Syria cho phép Iran triển khai các mỏ khai thác phốt phát tại Syria, mặc dù chưa rõ liệu Iran có quyền khai thác độc quyền hay phải chia sẻ với Nga.
Không chỉ có vậy, Iran cũng sẽ tìm thấy tiềm năng tại những khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang do người dân Syria bỏ quê hương, trở thành người tị nạn vì cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm.
Tất nhiên, để đạt được những hy vọng lợi ích trên, Iran cũng sẽ phải cần các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, châu Âu, các quốc gia vùng Vịnh, “rót” vốn đầu tư vào quá trình tái thiết Syria. Song việc này sẽ vấp phải nhiều trở ngại khi hiện tại, một loạt cựu quan chức và các tổ chức nhân quyền châu Âu kêu gọi không đầu tư tái thiết Syria cho đến khi tình hình nước này được cải thiện.