Nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức – ông Wolfgang Ischinger cho rằng ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trường quốc tế là khởi nguồn cho việc đẩy Đức ngày càng xa Mỹ và tiến gần hơn về phía Nga, Trung Quốc.
Tổng thống Trump càng được phép tự ý đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại không hợp lý thì khả năng Đức tìm cách củng cố liên minh với Nga và Trung Quốc ngày càng lớn, ông Ischinger đã nhận định như vậy trong một cuộc trò chuyện với phóng viên ngay trước khi ông này xuất bản một cuốn sách mới.
Ông Ischinger là Chủ tịch của Hội nghị An ninh Munich và từng là Đại sứ của Đức tại Mỹ. Ông này đã có những phát biểu gây chú ý về ảnh hưởng gây bất ổn ngày càng lớn của Tổng thống Trump với tư cách là nhà lãnh đạo của quốc gia giàu nhất thế giới.
Trong chỉ khoảng 1 năm rưỡi trở về đây, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu lịch sử Paris 2016, hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân mà các nước rất khó khăn mới đạt được với Iran – JCPOA 2015, và hiện giờ là đang đe dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhà lãnh đạo của nước Mỹ còn liên tục phàn nàn rằng thặng dư thương mại với Đức và chi tiêu quân sự của Đức là một sự xúc phạm đối với an ninh quốc gia cũng như sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
“Tổng thống Trump càng cầm quyền lâu thì tình hình sẽ ngày càng khó khăn cho những người dân ở đất nước này và ở các nơi khác trong Châu Âu – những người kể từ sau chiến tranh Việt Nam đã luôn tranh cãi về vấn đề chúng ta cần phải cắt đứt sợi dây với Mỹ – nước hay đi bắt nạt các nước khác”, ông Ischinger cho biết.
Phát biểu về mối quan hệ thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai giữa Berlin và Washington, ông Ischinger bình luận: “Sẽ ngày càng khó khăn hơn cho chính phủ Đức để theo đuổi tiến trình của mình và bảo vệ mối quan hệ này (quan hệ với Mỹ). Một mối quan hệ gắn bó hơn với các nước như Nga và Trung Quốc có thể được khuyến khích”.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Đức cho thấy, công dân của quốc gia giàu nhất Châu Âu có đánh giá thấp một cách đáng kinh ngạc về Tổng thống Mỹ. Phần lớn người dân Đức tin rằng, ông Trump là một vấn đề đối ngoại còn lớn hơn các chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines hoặc Triều Tiên.
Nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh các sắc lệnh về chính sách đối ngoại của Nhà Trắng hiện nay trong đó chủ yếu là các biện pháp trừng phạt cùng với cách thức hành động thất thường của ông Trump có nguy cơ gây ra các tổn thất về kinh tế cho những công ty của Đức và các nước khác đang làm việc với Nga để hoàn thành dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
“Nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ được áp dựng nhằm ngăn chặn Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 thì hậu quả đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chắc chắn sẽ rất tiêu cực”, ông Ischinger nhận định.
Những phân tích ở trên của nhà ngoại giao Đức phản ánh thực tế hiện nay trong mối quan hệ giữa Đức và Mỹ nói riêng và giữa Châu Âu và Mỹ nói chung.
Châu Âu nói chung và Đức nói riêng bất mãn với chính sách trừng phạt của Mỹ – một chính sách gây ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty châu Âu. Hơn nữa, châu Âu cũng bắt đầu bất mãn với mối quan hệ liên minh thiếu cân bằng giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), theo đó Mỹ đang ở thế áp đảo và buộc EU phải đi theo.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas mới đây đã lên tiếng kêu gọi châu Âu hãy phản ứng lại với chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác kinh tế quan trọng khác của liên minh này. “Washington đã buộc chúng ta phải tính đến việc tung ra đòn đáp trả của Châu Âu đối với chính sách trừng phạt của họ – một chính sách gắn liền với châu Âu và Đức. Chúng ta nên phản ứng đối với việc Mỹ đột ngột áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không có sự phối hợp – những biện pháp trừng phạt tương đối không cụ thể nhằm vào Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và trong tương lai có thể là cả đối với những đối tác thương mại quan trọng khác của chúng ta”, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh.