Trên thực tế, xu hướng chống ảnh hưởng và bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á chưa hề có dấu hiệu chững lại.
Rất nhiều phân tích cho thấy, Trung Quốc đang không có đối trọng để cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, những diễn biến nhanh và khó lường ở khu vực này trong thời gian qua lại chỉ ra rằng những phân tích đó chưa hẳn đã đầy đủ.
Kết quả đối lập của tổng tuyển cử ở Campuchia và Malaysia
Hai cuộc tổng tuyển cử gần đây ở Campuchia và Malaysia cho thấy một bầu không khí đang có sự chuyển dịch.
Kết quả bầu cử ở Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc trong khu vực, như là một tín hiệu rõ ràng về việc đất nước này đã từ bỏ sự hậu thuẫn của phương Tây để xích lại gần hơn với Bắc Kinh.
Campuchia được cho là có một vai trò và vị trí chiến lược trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các nước ASEAN. [1]
Trong cuộc tổng tuyển cử ở Campuchia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không cử đoàn giám sát bầu cử đến Campuchia.
Phương Tây cho rằng quá trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử ở Campuchia là bất hợp pháp khi đảng đối lập lớn nhất ở quốc gia này đã bị Quốc hội cho giải tán, mở đường cho việc tái cử của Thủ tướng Hun Sen.
Việc Thủ tướng Hun Sen thể hiện thái độ “chào mừng” các biện pháp trừng phạt dường như càng cho thấy Campuchia không còn bận tâm đến điều đó bởi đất nước này đang có sự hẫu thuận mạnh mẽ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những phân tích về trường hợp của Campuchia cho thấy đó chỉ là mang tính chất mong đợi nhiều hơn là dự báo trên cơ sở lý luận.
Washington đáp trả bằng việc ra lệnh cấm vận với các quan chức Campuchia, những người bị cáo buộc đàn áp dân chủ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) vẫn thể hiện nỗ lực để cho cộng đồng quốc tế thấy cuộc tổng tuyển cử của họ là một sự kiện hợp pháp.
Nếu chỉ thực sự quan tâm đến Trung Quốc thì Campuchia đã không cần phải thực hiện việc làm này.
Thủ tướng Hun Sen cũng cho biết, sẽ sớm ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để bảo vệ tính hợp pháp của tổng tuyển cử vừa qua.
Điều đó cho thấy, Campuchia vẫn đang “âm thầm quan tâm” đến những lo ngại của các nước phương Tây. [2]
Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad (giữa) mừng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 2018. (Nguồn ảnh: AP). |
Tại Malaysia, chiến thắng đầy bất ngờ của liên minh Harapan trong cuộc tổng tuyển cử ngày 09/5/2018 vừa qua đã chỉ ra sự bất lợi của Trung Quốc trong khu vực.
Đảng cầm quyền trong 6 thập kỷ ở Malaysia, Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đã bị hạ bệ bởi liên minh có chiến dịch tranh cử phản đối sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Malaysia, đặc biệt là đối với các dự án hạ tầng quan trọng.
Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad đã chính thức tuyên bố hủy các dự án có giá trị 22 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư;
Trong đó, có dự án đường sắt cao tốc nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, với lý do cần phải xem xét lại vấn đề về tài chính.
Đồng thời, Thủ tướng Mahathir cũng cảnh báo mối nguy hại về một “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”.
Bên nào sẽ được hưởng lợi?
Một điều rõ ràng là xét về khía cạnh kinh tế, Trung Quốc có một vai trò rất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Thời báo New York Times cho biết kim ngạch thương mại của tất cả các nước trong khu vực châu Á với Trung Quốc là nhiều hơn so với nước Mỹ. [4]
Với đà tăng trưởng này của Trung Quốc, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dự báo đến năm 2030, nền kinh tế nước này sẽ vượt Mỹ để chiếm giữ vị trí nền kinh tế số 01 thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á được xem như là nhằm vào nước Mỹ.
Nhiều học giả nhận định sự cạnh tranh của hai cường quốc này ở khu vực Đông Nam Á sẽ là cuộc chiến một mất một còn với chính cả hai bên.
Chiến lược an ninh quốc gia 2017 của Mỹ cũng đã nêu rõ:
“Trung Quốc đang tìm cách thay thế vị trí của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lập lại trật tự của khu vực theo hướng có lợi cho nước này”.
Mặc dù chưa có một chính sách rõ ràng nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn đang có những nỗ lực triển khai các bước đi tiếp theo của chiến lược “Xoay trục sang châu Á”.
Đây là chính sách từ thời của cựu Tổng thống Obama, ủng hộ các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông để khống chế sự bành trướng của Trung Quốc. [5]
Thời gian qua, khu vực Đông Nam Á cũng rất bận rộn đón tiếp nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng như Ngoại trưởng Rex Tillerson và Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay chuyến thăm Việt Nam và dự APEC 2017 của Tổng thống Donald Trump.
Quan điểm về sự cạnh tranh theo kiểu Chiến tranh Lạnh thường chưa bao hàm được sự mất cân bằng về phạm vi ảnh hưởng của hai cường quốc này trong khu vực Đông Nam Á.
Campuchia và Lào, hai quốc gia trong khu vực được cho là thân cận nhất với Trung Quốc;
Nhưng 2 nước này lại có ít tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược hơn so với các đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực này như Singapore, Indonesia, Thái Lan và Philipines.
Thậm chí, việc tăng cường đầu tư vào các nước ASEAN lại đang có tác dụng không như Trung Quốc mong muốn khi nó được cho là gây mất ổn định trong khu vực.
Chiến thắng của liên minh Harapan trong cuộc tổng tuyển cử tại Malaysia vừa qua là một minh chứng cho điều này.
Mới đây, Thủ tướng Lào, Thongloun Sisoulith cũng đã công khai về việc xem xét lại dự án xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD của Bắc Kinh với lý do quan ngại với bẫy nợ của Trung Quốc.
Một tham vọng, hai con đường trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ |
Với Indonesia, các nhà phân tích chính trị đang nhận định quan hệ gần gũi của Tổng thống đương nhiệm, Joko Widodo với Trung Quốc có thể sẽ khiến ông phải “trả giá” trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019. [6]
Điều đó cho thấy tư tưởng chống Trung Quốc ở các nước ASEAN chưa có dấu hiệu dừng lại.
Về mặt quân sự, nước Mỹ dường như vẫn cho thấy vai trò dẫn dắt đối với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố từ Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đang ngày càng hiện hữu trong khu vực.
Hiện nay, chỉ có Campuchia, Lào và Myanmar mua vũ khí của Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ. Trong khi đó, khí tài quân sự của các quốc gia còn lại trong khu vực vẫn chủ yếu là từ Mỹ. [7]
Trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1981 đến năm 2003, Thủ tướng Malaysia, Mahathir đã giúp hình thành cách tiếp cận của các nước trong khu vực Đông Nam Á trong việc xử lý quan hệ với các cường quốc.
Điều mà các nước trong khu vực Đông Nam Á mong muốn không phải là một sự thống trị của bất kỳ một cường quốc nào trong khu vực, mà là sự cạnh tranh của nhiều nước. Qua đó, cho phép các nước trong khu vực phát huy tối đa lợi ích thông qua các cuộc đàm phán.
Nếu Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản cạnh tranh để có vị trí về kinh tế và chính trị trong khu vực thì các nước Đông Nam Á thường là bên được hưởng lợi.