Reuters đưa tin, một tàu chiến của hải quân Anh đã áp sát các đảo mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép trên Biển Đông nhằm khẳng định “quyền tự do đi lại” trên biển trong khu vực.
Theo một số nguồn tin giấu tên, tàu HMS Albion, một tàu đổ bộ 22.000 tấn và có nhiều lính thủy đánh bộ Anh đang làm nhiệm vụ, đã đi qua quần đảo Hoàng Sa vài ngày trước. Con tàu khi đó đang trên đường đến thành phố Hồ Chí Minh và đã cập cảng ngày 3/9.
Một nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã cho triển khai một tàu khu trục và hai trực thăng để đối phó với tàu của Anh, tuy nhiên giữa hai bên đã không xảy ra bất kỳ xung đột nào. Một người khác nói rằng tàu Albion không tiến vào vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, song họ khẳng định rằng Anh không công nhận những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Một phát ngôn viên của Hải quân Anh cho biết: “Tàu HMS Albion đã thể hiện quyền tự do đi lại trên biển của mình mà vẫn đảm bảo tuân thủ luật pháp và quy tắc quốc tế”. Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào.
Trung Quốc đã có những hành động xâm lấn và tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới. Tuy nhiên theo phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế, Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại khu vực này.
Trước đây, Hải quân Mỹ đã từng thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do đi lại trên biển. Động thái của tàu chiến Anh diễn ra sau khi Mỹ yêu cầu cộng đồng quốc tế nên chủ động thực hiện những hoạt động này hơn nữa trong tương lai.
Hải quân Anh đã từng cho tàu đến gần quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên khi đó tàu của lực lượng này không tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo.
Hồi tháng 4, tàu chiến của Australia, một đồng minh khác của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương, cũng đã có những hoạt động thể hiện quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
Các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do trên biển của Mỹ và các nước khác cho đến nay vẫn không ngăn Bắc Kinh thực hiện các hoạt động bồi đắp đảo trái phép và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích quân sự của mình trên Biển Đông.
Trung Quốc nói rằng họ có “quyền chính đáng” để xây dựng trên các vùng lãnh thổ và các cơ sở trên Biển Đông là phục vụ cho mục đích dân sự. Bắc Kinh cũng chỉ trích Washington đang quân sự hóa khu vực bằng những hành động của mình.