Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKịch bản giá dầu 40 USD/thùng:Cán cân quyền lực Mỹ-Nga thay đổi

Kịch bản giá dầu 40 USD/thùng:Cán cân quyền lực Mỹ-Nga thay đổi

Giá dầu gần như nằm trong tay Mỹ, vị thế cường quốc của Nga trên thế giới chắc chắn bị suy giảm nặng nề.

Giá dầu lao dốc cùng lệnh trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga nguy khốn

Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định như vậy khi trao đổi với Đất Việt về kịch bản giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng.

Mỹ không hề hấn gì!

Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, với diễn biến trên thị trường dầu lửa thế giới hiện nay, nguy cơ giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng, thậm chí 30 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra.

Hàng loạt nhân tố đang ép cho giá dầu suy giảm mạnh: Mỹ đã không cần nguồn dầu của thế giới, thậm chí còn xuất khẩu dầu; OPEC không muốn cắt giảm sản lượng dầu vì sợ mất thị phần vào tay Mỹ và phương Tây; Iran quay trở lại thị trường dầu lửa và các nước vốn lệ thuộc vào dầu lửa đang cố bán dầu để đem tiền về cho ngân sách rỗng bất chấp giá dầu rẻ. Ngoài ra, tảng băng năng lượng sạch bắt đầu tiến đến.

Còn kinh tế Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu lửa lớn thứ hai trên thế đang đi xuống, nếu có quay trở lại cũng không thể tăng trưởng cao như trước và không thể dùng năng lượng như xưa vì vấn đề môi trường đã quá nặng nề. Nhu cầu về dầu lửa không quá mạnh mẽ như thập kỷ vừa qua sẽ khiến giá dầu tiếp tục đà giảm mạnh.

Nhiều nước trên thế giới đang lo giá dầu giảm xuống dữ dội vì sự quay trở lại của Iran. Có ý kiến cho rằng nhanh thì Iran mất hàng năm mới khai thác được dầu vì các giếng dầu của Iran bị bỏ lâu năm, nhưng thực tế một chuyên gia nghiên cứu Iran đã chỉ ra rằng, cùng lắm Tehran chỉ mất 6 tháng. Còn Bộ trưởng dầu mỏ Iran tuyên bố, nước này có thể tăng mạnh khối lượng dầu mỏ xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tuần đầu tiên và 1 triệu thùng/ngày trong tháng đầu tiên ngay sau khi các lệnh cấm vận liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran được dỡ bỏ. Lượng dầu dự trữ ở trong Iran là cực lớn, Iran đã có sẵn hàng triệu thùng trên các tàu chở dầu.

Trong khi đó nắm trong tay công nghệ khai thác dầu đá phiến giá rẻ, khi giá dầu xuống thấp, các công ty khai thác dầu của Mỹ chỉ việc đóng giếng dầu lại và khi giá lên cao họ lại mở lại các giếng dầu đó, hút dầu lên và đem bán.

Theo một tính toán, với kịch bản giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng, doanh nghiệp Mỹ vẫn lãi 10%. Có dầu đá phiến, công nghệ sử dụng năng lượng sạch của Mỹ cũng đang tăng lên rất mạnh. Không phải ngẫu nhiên ngày 3/8 vừa qua Tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch năng lượng sạch, nâng tỷ trọng sử dụng điện gió và năng lượng mặt trời.

Cuộc cách mạng về công nghệ năng lượng sạch Mỹ đã nắm trong tay và khi đó họ không cần dùng tới dầu lửa. Nếu Mỹ lại thông qua đạo luật cho phép các công ty Mỹ được xuất khẩu dầu lửa thì giá dầu còn tụt xuống thê thảm nữa, thậm chí có thể rơi thẳng xuống 30 USD/thùng.

Các công ty của Mỹ đang khiếu nại chính phủ rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu lửa khiến họ phải bán dầu trong nước với giá còn thấp hơn giá bán cho nước ngoài tới 10 USD/thùng. Bởi thế khi giá dầu xuống 30 USD/thùng thì Mỹ vẫn chẳng bị ảnh hưởng gì, trong khi các nước xuất khẩu dầu chỉ có nước mang dầu về “uống”, ông Sơn phân tích.

Vị chuyên gia kinh tế cũng nhắc lại phát ngôn của một quan chức tình báo Mỹ khi người này thừa nhận rằng hiệu ứng giá dầu đã đem lại hiệu ứng về địa chính trị rất lớn mà người Mỹ không ngờ. Trước đây, để có được hiệu ứng như vậy, Mỹ phải mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Bằng chứng là Iran đã phải nhanh chóng chấp nhận thoả hiệp, Cuba xích lại gần Mỹ, Venezuela lâm vào cảnh nguy khốn, đặc biệt là Nga, với  70% nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt như trước đây, hay 50% như những năm qua thì Moscow gần như trắng tay. Giá dầu hầu như do Mỹ quyết định.

Tình hình Nga còn tồi tệ hơn rất nhiều

Ths Bùi Ngọc Sơn chỉ ra rằng, nước Nga đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, trong đó giá dầu lao dốc mạnh khiến kịch bản kinh tế Nga sụp đổ không thể không tính đến. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga phải thừa nhận kinh tế nước này đã chạm đáy trong quý II/2015 khi giảm khoảng 4,4% và giảm 3,4% trong nửa đầu năm 2015. Trước đó, GDP Nga đã giảm 2,2% trong quý I/2015 và lần đầu tiên nền kinh tế Nga tăng trưởng âm kể từ năm 2009.

“Tình hình chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều với đà giảm mạnh của giá dầu hiện nay bởi ngân sách Nga không lấy đâu ra tiền để đầu tư trong nước. Đồng rúp mất giá mạnh theo giá dầu làm lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Nga có thể phải tăng lãi suất khẩn cấp sau khi đã tiến hành 4 lần cắt giảm lãi suất từ đầu năm nay và nền kinh tế vì thế càng thêm kiệt quệ, tỷ lệ nợ xấu gia tăng”, ông Sơn dự đoán.

Cũng theo ông Sơn, giá dầu rớt mạnh cũng khiến Nga càng thêm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bởi người Trung Quốc xưa nay không bao giờ cho không cái gì, Nga sẽ bắt buộc phải chi ra những thứ ngày trước nước này cố giữ. Các chương trình cơ sở hạ tầng của Nga, ngay cả cây cầu nối Nga với Crimea cũng phải trông đợi vào túi tiền của Trung Quốc. Không loại trừ trường hợp vài năm nữa, kinh tế Nga vẫn giậm chân tại chỗ còn Trung Quốc có thể thay vị trí của Nga, ít nhất là về mặt quân sự.

“Hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD trong 30 năm giữa Nga và Trung Quốc là minh chứng cho việc Nga ném tiền đi để làm chính trị. Moscow phải bán khí đốt giá rẻ cho Trung Quốc, lại vay tiền Trung Quốc để xây đường ống và Trung Quốc sẽ lấy dầu để trừ nợ dần. Nga làm như vậy lấy đâu ra lãi? Nếu có cũng phải 4-5 năm nữa trong khi thực tế hiện nay chưa hề có gì. Nga chưa hề kiếm được tiền từ đường ống dầu đó, nó chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà thôi”, ông Sơn thẳng thắn.

Liên quan đến những tuyên bố cải cách cơ cấu kinh tế của Nga, vị chuyên gia tỏ ra không mới tin tưởng bởi ông cho rằng, thay đổi cấu trúc kinh tế đòi hỏi cả một khoảng thời gian dài và quan trọng hơn là phải có tiền, mà điều này đối với Nga là vô cùng khó khăn.

“Cứ cho rằng Nga tự túc được lương thực, thực phẩm nhưng chuyện đó đâu có gì khó nếu chấp nhận thắt lưng buộc bụng. Nó giống như việc người ta ăn một gói mỳ ăn liền hay đến nhà hàng cũng đều là ăn một bữa…. Lãnh đạo Nga chọn lo cho đất nước tăng trưởng, nâng mức sống lên, người nghèo ít đi và người giàu ngày càng giàu hơn, công nghệ ngày càng phát triển, thương hiệu đất nước ngày càng mở mang hay nghĩ người dân chỉ sống qua ngày và không phụ thuộc vào nước nào…, chọn cách nào là tuỳ ở bản thân mình”.

Dù cho rằng chưa thể dự đoán chính quyền của Tổng thống Putin có bị đe doạ hay không vì Nga là một dân tộc đặc biệt và tỷ lệ tín nhiệm của ông Putin vẫn tăng, Ths Bùi Ngọc Sơn vẫn nhấn mạnh rằng, người Nga sẽ phải đặt ra rất nhiều câu hỏi: Nga lấy Crimea về thì được cái gì, mất bao nhiêu và cái giá để có được Crimea có đáng không…? Nga đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ kinh tế kéo theo những nguy cơ về an ninh và vị thế cường quốc của Nga trên thế giới chắc chắn sẽ bị suy giảm nặng.

RELATED ARTICLES

Tin mới