Nội quy chợ cũng không cho sơ chế nông sản tại chợ khiến 12 hộ tiểu thương kinh doanh cà rốt tại chợ bất bình.
Chiều 16.9, ông Đặng Mậu Nhi, Phó trưởng ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, cho biết sau khi có lệnh cấm nhập nông sản xuất xứ ngoài Đà Lạt vào chợ nông sản Đà Lạt (P.11, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), các hộ tiểu thương đã đồng ý không nhập nông sản Trung Quốc (TQ) vào chợ, nhưng họ cũng kiến nghị xin lùi thời hạn thực hiện lệnh “nghiêm cấm lưu trữ” để họ giải phóng hàng tồn.
Bà Nguyễn Thị Vân (chủ quầy số 38), chuyên kinh doanh khoai tây TQ tại chợ nông sản Đà Lạt, cho biết: “Quyết định nghiêm cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản ngoài địa phương Đà Lạt nói chung và khoai tây TQ nói riêng, chúng tôi đều chấp hành. Tuy nhiên, trong thời gian quá ngắn chúng tôi đều gặp khó khăn trong việc giải phóng hàng tồn. Hiện giờ tôi còn tồn 70 tấn khoai tây TQ nhưng không có bạn hàng đặt mua, số hàng tồn này thì bán cả tháng nữa mới có thể hết, trong khi kho bãi bên ngoài không có, nên đề nghị chính quyền cho tôi và các hộ thêm thời gian để giải quyết, nếu không chúng tôi sẽ bị thiệt hại rất lớn”.
“Chúng tôi đã thống kê, hiện 6 hộ tiểu thương còn tồn tổng cộng khoảng hơn 120 tấn khoai tây TQ tại các quầy – kho của họ ở chợ nông sản Đà Lạt. Tất cả đều tha thiết kiến nghị, xin cho để lại tại chợ ít hôm để họ bán hết, vì họ không tìm ra kho ở nơi khác để di dời số khoai tây này đi. Từ thực tế như vậy nên chúng tôi tạm cho họ để lại tại kho, nhưng chúng tôi quản lý chặt chẽ, đợi thứ hai (ngày 17.9) chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt để có chỉ đạo tiếp theo”, ông Đặng Mậu Nhi cho hay.
Liên quan đến lệnh cấm trên, nội quy chợ cũng không cho sơ chế nông sản tại chợ, điều này khiến 12 hộ tiểu thương kinh doanh cà rốt tại chợ bất bình. Bà Văn Thị Tuyết, chủ quầy số 81, bức xúc: “Hằng ngày các hộ tiểu thương tại chợ xuất đi khoảng 10 – 15 tấn cà rốt Đà Lạt cho bạn hàng ở các tỉnh. Cà rốt là mặt hàng tươi sống cần được sơ chế và đưa đi tiêu thụ hằng ngày, sơ chế xong đưa đi liền chứ để lại một hôm là đã hỏng rồi, vậy mà không cho sơ chế thì chúng tôi làm sao buôn bán. Không chỉ chúng tôi, nông dân trồng cà rốt cũng đang kêu trời, vì chúng tôi không được sơ chế nên cũng không thu mua cà rốt của họ. Chúng tôi đề nghị bỏ lệnh cấm sơ chế cà rốt ở chợ nông sản”.
Ông Đặng Mậu Nhi cho biết: “Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của các hộ tiểu thương, và yêu cầu họ cam kết phải xử lý việc sơ chế, làm sao thải ra nước sạch, không gây ô nhiễm cho các hộ dân phía hạ lưu. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo thành phố, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Trong thời gian này, chúng tôi cho các hộ kinh doanh cà rốt được tạm thời sơ chế hàng tồn và số hàng đã mua của nông dân tại ruộng để bán, giữ bạn hàng”.