Chuyên gia lo ngại hợp đồng thương mại ở cảng chiến lược Haifa có thể sẽ mở đường cho việc Trung Quốc hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải.
Truyền thông quốc tế đưa tin, Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) đã lên kế hoạch thâu tóm cảng Haifa của Israel. Cảng này nằm gần căn cứ hải quân, nơi được cho là có kho tàu ngầm hạt nhân của Israel.
Tại một hội nghị về an ninh hàng hải tại Đông Địa Trung Hải hồi tháng 8, ông Shaul Chorev, cựu đô đốc Hải quân Israel, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Haifa, đã đề xuất Israel cần có một cơ chế mới để theo sát các khoản đầu tư của Bắc Kinh tại đây.
Theo ông Chorev, Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải sẽ khánh thành cảng Haifa vào năm 2021 và dự kiến ký hợp đồng vận hành cảng 25 năm với phía Israel. Theo Haaretz, ngoài cảng Haifa, một công ty Trung Quốc khác cũng đã trúng thầu xây dựng một cảng khác ở thành phố Ashdod, phía nam Israel.
Điều ông Chorev và các chuyên gia khác lo ngại đó chính là việc Trung Quốc hiện diện ở những địa điểm chiến lược trên Địa Trung Hải có thể “làm giới hạn hoặc ngăn cản” việc hợp tác quân sự với đồng minh Mỹ, vốn đang có vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, hợp đồng thương mại ở cảng chiến lược Haifa có thể sẽ mở đường cho việc Trung Quốc hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã mua lại quyền phát triển và vận hành một loạt các hải cảng, trải dài từ miền Nam châu Á đến Trung Đông, châu Phi, châu Âu, và thậm chí cả Nam Mỹ. Đặc biệt, giờ đây, dưới khuôn khổ chiến lược Con đường tơ lụa trên biển, một phần trong sáng kiến Một vành đai, Một con đường, những thương vụ này đang ngày càng có thêm nhiều ý nghĩa.
Nhìn chung, các công ty nhà nước của Trung Quốc vẫn nắm vai trò chủ đạo trong chiến lược đầu tư vào hệ thống cảng biển trên thế giới.
Đi đầu là công ty COSCO Shipping, doanh nghiệp vận tải biến lớn nhất của Trung Quốc, tập trung vào thâu tóm cảng biển tại những điểm nút quan trọng trên các tuyến vận tải biển. Năm 2008, COSCO đã mua lại quyền khai thác, vận hành cảng Piraeus của Hy Lạp.
Chuyên gia Jonathan Hillman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, từng đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đang theo đuổi một chiến lược bí mật nào dưới vỏ bọc thương mại hay không.
“Về mặt chiến lược, việc sở hữu các cảng biển sẽ mở cánh cửa cho các hoạt động phi thương mại như tổ chức lực lượng quân đội, thu thập thông tin tình báo”, Hillman nói.
“Tuy nhiên, ngoài kế hoạch chiến lược khổng lồ đó, nhiều nhóm lợi ích tại Trung Quốc cũng như những nước liên quan đang tỏ ra ‘háo hức’ tham gia vào các dự án này dưới khẩu hiệu của sáng kiến Một vành đai, Một con đường”, ông nói thêm.