Dù Tổng thống Hàn Quốc thành công hay thất bại, hội nghị có thể giúp trả lời câu hỏi: Khi tuyên bố ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Kim Jong-un thực sự nghĩ gì?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 vào 18/9. Ảnh: AP.
Tạo đà cho thượng đỉnh Kim – Trump lần 2
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong năm nay, diễn ra trong một ngày đầy nắng vào cuối tháng 4, đã làm giảm nỗi sợ chiến tranh trên bán đảo. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2, diễn ra trong tình huống khẩn cấp một tháng sau đó, đã giúp cuộc họp lịch sử giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra đúng kế hoạch.
Lần này, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất.
Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã trục trặc trong những tuần gần đây, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thực sự sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và liệu ông có gây áp lực lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để lãnh đạo Hàn Quốc một lần nữa trở thành người bắc cầu Washington – Bình Nhưỡng.
Kết quả có thể sẽ là một chỉ báo quan trọng về việc các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ sẽ tiến hành như thế nào. Tổng thống Moon sẽ cố gắng để nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện rõ ràng hơn về ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân, có thể tạo đà cho một hội nghị thượng đỉnh Kim – Trump lần thứ 2.
Làn sóng lạc quan bao trùm 2 hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của 2 miền Triều Tiên vào tháng 4 và tháng 5 và cuộc gặp gỡ tại Singapore giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump hồi tháng 6 đã dễ dàng bỏ qua những bất đồng liên quan đến những cam kết của ông Kim.
Kim Taewoo, cựu Chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia của Seoul cho biết:
“Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 sẽ cho thấy rõ hơn quan điểm của Bình Nhưỡng đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo. Nếu Triều Tiên đàm phán với thiện chí trong lần này, Tổng thống Moon sẽ có thể quay về nước với kết quả tốt. Nhưng, đáng tiếc, tôi thấy rằng khả năng này rất thấp.”
Nhiệm vụ của Tổng thống Moon
Trong cuộc gặp này, điều quan trọng là việc ông Kim Jong-un đưa ra một tín hiệu rõ ràng hơn rằng ông sẵn sàng chấp nhận những hành động đáng tin cậy nhằm phi hạt nhân hóa, như cung cấp mô tả chi tiết chương trình hạt nhân của Triều Tiên – bước quan trọng đầu tiên để tiến hành kiểm tra và tháo dỡ, theo ông Kim Taewoo.
Tổng thống Moon Jae-in, vốn sinh ra trong một gia đình tị nạn Triều Tiên, rất muốn giữ cho “ngoại giao hạt nhân” tiếp tục, không chỉ để giảm bớt căng thẳng, mà còn thúc đẩy kế hoạch tham vọng với Bình Nhưỡng, bao gồm các dự án kinh tế chung và các tuyến đường bộ, đường sắt nối hai miền Triều Tiên.
Các dự án này không thể triển khai bởi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Ngoài ra, vấn đề tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953 sẽ là một nội dung được quan tâm trong chương trình nghị sự ở Bình Nhưỡng.
Cả hai miền Triều Tiên đang kêu gọi tuyên bố kết thúc chiến tranh vào cuối năm nay nhưng Mỹ muốn có thêm các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa trước, và một số nhà phân tích nói rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể gây áp lực khiến Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Chung Eui-yong, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Moon Jae-in, người đã gặp ông Kim ở Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này, việc lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ không làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn hoặc dẫn đến việc rút quân của Mỹ.
Ông Chung Eui-yong cũng cho biết, ông Kim Jong-un muốn phi hạt nhân hóa trước khi nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump kết thúc.
Ông Kim Jong-un cũng thông tin rằng, Triều Tiên sẽ không cần giữ vũ khí hạt nhân nếu họ nhận được sự bảo đảm an ninh đáng tin cậy. Lãnh đạo Triều Tiên cũng hiểu rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ – Hàn Quốc phải tiếp tục.
Các nhận xét được xem là một sự khởi đầu quan trọng từ lập trường trước đó của Bình Nhưỡng. Nhưng ông Kim chưa bao giờ đưa ra ý kiến tương tự công khai hoặc bằng văn bản, tất cả đều qua các kênh của Seoul.
Vì vậy, nếu Tổng thống Moon Jae-in không thể thuyết phục ông Kim Jong-un bày tỏ cam kết với các bước phi hạt nhân hóa vững chắc, ông tối thiếu phải thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên thừa nhận những gì phía Seoul đã phát ngôn trong một thỏa thuận bằng văn bản, Du Hyeogn Cha, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan của Seoul nói.
Điều đó sẽ đưa ra một điểm khởi đầu để thiết lập một mốc thời gian cho việc tiêu hủy hạt nhân, giảm bớt những lo ngại về ý định của Bình Nhưỡng.