Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngVấn đề Biển Đông” được quốc tế hóa như thế nào?

Vấn đề Biển Đông” được quốc tế hóa như thế nào?

“Vấn đề Biển Đông” đã không còn đơn thuần là tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước, 6 bên là Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan và cũng không chỉ là câu chuyện nội bộ của khu vực, mà còn mang những ý nghĩa an ninh, quân sự, kinh tế, thương mại, luật pháp… mang tầm vóc toàn cầu.

Biển Đông không còn là chuyện tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước, 6 bên là Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines,

Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan

Kỳ 2: Hiện trạng tranh chấp Biển Đông

Vấn đề Biển Đông ban đầu là tranh chấp giữa các yêu sách khác nhau về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo nằm trên Biển Đông, liên quan đến chủ quyền biển đảo, với các yếu tố luật pháp, lịch sử và văn hóa. Kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh thực thi chiến lược biển, phát triển lực lượng hải quân “biển xanh” lên một quy mô mới, vấn đề Biển Đông mang ý nghĩa an ninh, quân sự.

Từ vụ các tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản hoạt động của tàu Impeccable của Hải quân Mỹ tháng 3-2009 và việc Bắc Kinh đưa Biển Đông vào khái niệm “lợi ích cốt lõi”, vấn đề “tự do hàng hải” đã được đẩy lên trong chương trình nghị sự liên quan Biển Đông.

Điểm cốt yếu của vấn đề “tự do hàng hải” là quyền qua lại và hoạt động của tàu và máy bay quân sự trên Biển Đông. Bản chất là vấn đề ai kiểm soát các con đường biển nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và nắm quyền chủ đạo đối với vùng biển Đông Á. Kể từ nửa cuối năm 2010, Biển Đông đã trở thành một phần không tách rời trong sự đối đầu giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ. Sự đối đầu này nhanh chóng thúc đẩy Washington điều chỉnh chính sách tại khu vực. Bên cạnh đó, việc kiếm oát và khai thác nguồn năng lượng đáy biển như dầu khí, băng cháy, cùng các tài nguyên biển khác làm nổi bật nội dung kinh tế của cuộc tranh chấp Biển Đông.

Tranh chấp Biển Đông được nhìn nhận thuộc vấn đề quốc tế có mức độ phức tạp cao, vì liên quan nhiều nước, nhiều bên, những nước liên quan trực tiếp và liên quan gián tiếp, với sự can dự ở mức độ khác nhau của các nước lớn trên thế giới.

Các vấn đề tranh chấp có nhiều mặt, như việc phân biệt giữa đảo và đá, vấn đề “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc cùng với “đường 9 đoạn”, vấn đề đàm phán song phương và đàm phán đa phương, khả năng đàm phán và thực thi một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, vấn đề tự do hàng hải và quyền hoạt động của tàu quân sự thu thập thông tin tình báo…

Tranh chấp Biển Đông tập trung ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tranh chấp quần đảo Hoàng Sa phát triển nghiêm trọng từ khi Trung Quốc đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo này của Việt Nam năm 1974. Các bên trực tiếp liên quan tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, thêm Đài Loan, thường được gọi là “năm nước sáu bên”. Indonesia không có yêu sách lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông, nhưng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đụng chạm trực tiếp đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna gồm 30 hòn đảo nhỏ có trữ lượng khí và ngư trường lớn của Indonesia. Sáu nước Đông Nam Á khác gồm Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Đông Timo không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

“Vấn đề Biển Đông” chủ yếu liên quan đến 3 phương diện: một là vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở các đảo, hai là phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn, ba là quyền tự do hàng hải, với hai nội dung cụ thể: tuyến đường lưu thông trên biển không bị gián đoạn của các tàu thương mại; và việc di chuyển, hoạt động của các tàu chiến, trong đó có việc thu thập thông tin tình báo. Đây là tranh chấp chủ quyền các đảo và các lợi ích biển phức tạp nhất trên thế giới.

Các nước giáp Biển Đông lần lượt tuyên bố về vùng biển của mình. Việt Nam, ngày 12-5-1977 tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; ngày 12-11-1982 ra tuyên bố về đường cơ sở; ngày 21-6-2012 thông qua Luật Biển Việt Nam.

Trung Quốc, ngày 25-2-1992 thông qua Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp. Ngày 15-6-1996 ra Quy định về hệ thống đường cơ sở; ngày 26-6-1998 thông qua Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngày 7-5-2009 gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc kèm theo bản đồ “đường 9 đoạn”. Ngày 21-6-2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” và Khu cảnh bị (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam).

Philippines, ngày 11-6-1979 ban hành sắc lệnh về giới hạn vùng Kalayaan nằm ngoài ranh giới Hiệp ước Hoa Kỳ – Tây Ban Nha năm 1898 nhằm cụ thể hóa yêu sách chủ quyền các đảo; ngày 11-6-1979 ban hành Sắc lệnh về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; ngày 10-3-2009 thông qua Luật cộng hòa xác định đường cơ sở và quản lý quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough theo quy chế đảo. Ngày 22-1-2013, Philippines khởi kiện trung Quốc theo thủ tục trọng tài của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 với nội dung 13 điểm liên quan đến Biển Đông, trong đó mong muốn có được một phán quyết tuyên bố rằng yêu sách của Trung Quốc dựa trên ‘đường 9 đoạn” không phù hợp với Công ước và vì thế vô giá trị.

Malaysia, năm 1966 thông qua Luật về thềm lục địa; tháng 12-1979 ra bản đồ về ranh giới lãnh hải và cho rằng các đảo nằm trong vùng thềm lục địa đã tuyên bố thuộc chủ quyền của Malaysia.

Brunei, năm 1993 tuyên bố ranh giới thềm lục địa 200 hải lý và xác định rằng Luxia nằm trong thềm lục địa đó thuộc về Brunei.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 cho phép các quốc gia ven biển mở rộng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa kéo dài đến 200 hải lý hoặc kéo dài 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Thời hạn cuối cùng cho các đòi hỏi về thềm lục địa mở rộng là ngày 13-5-2009. Các nước giáp Biển Đông đã lần lượt nộp hồ sơ qua nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Xét từ mối quan hệ giữa các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, trừ phi Trung Quốc điều chỉnh các yêu sách biển của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, các nước có chủ quyền biển đảo bị tranh chấp không thể cho phép quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại. Trong Thông điệp Liên bang cuối tháng 7-2011, Tổng thống Philippines Aquino đã tuyên bố: “Chúng tôi không muốn căng thẳng thêm với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng chúng tôi phải để thế giới biết rằng chúng tôi thực sự sẵn sàng để bảo vệ cái thuộc về chúng tôi”. Xét từ quan hệ song phương hay đa phương, tình trạng bế tắc của vấn đề Biển Đông hiện nay chưa thấy lối ra.

Sự can dự của các nước lớn

Trong bối cảnh rộng lớn hơn về sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, sự va chạm giữa “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc với “lợi ích quốc gia” của Mỹ trong tự do hàng hải Biển Đông là một trong các nguyên nhân làm cho Biển Đông trở thành một điểm nóng xung đột khu vực, đồng thời cũng là một vấn đề toàn cầu. Mặt khác, việc quốc tế hóa hoạt động khai thác dầu khí đã làm cho Biển Đông thành vấn đề quốc tế.

Bên cạnh Mỹ, các nước lớn khác trong những năm gần đây đang từng bước phát triển các lợi ích chiến lược tại Biển Đông. Nhật Bản đang chuyển dịch lực lượng và triển khai quân sự về phía nam và đang xác lập quan hệ đối tác chiến lược với Philippines, tăng cường tần suất hiện diện hải quân tại vùng biển phía tây của Philippines. Ấn Độ quan tâm đến Biển Đông như một phần của chiến lược ‘hướng Đông”. Ấn Độ xây dựng một số mối liên kết với các nước trong khu vực, như Việt Nam, Malaysia, Singapore, kết nối với Nhật Bản, Hàn Quốc để tạo ra “chuỗi ngọc trai” Đông Á của mình. Nước Nga cũng ngày càng quan tâm tới tình hình Biển Đông và can dự theo phiên bản Nga.

Các diễn biến cho thấy Biển Đông đang trở thành một địa bàn chiến lược của các nước lớn, mặc dù thực tế Biển Đông không nằm ở trung tâm chiến lược của các nước lớn ấy. Sự gia tăng can dự của các nước lớn làm cho vấn đề Biển Đông thêm phức tạp. Mặt khác, quá trình đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tạo một cục diện mới với không ít thuận lợi, thêm đòn bẩy cho các nước nhỏ và vừa liên quan trực tiếp đến Biển Đông phát huy vị trí địa – chiến lược của mỗi nước qua việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia và tham gia giải quyết cuộc xung đột Biển Đông.

Giá trị chiến lược của Biển Đông đã khiến Trung Quốc trở nên quyết đoán để đảm bảo quyền kiểm soát đối với vùng biển này. Và chính điều này đã kích hoạt cuộc tranh chấp Biển Đông, làm cho nó trở nên gay gắt với quy mô như hiện nay.

Không nước nào ven Biển Đông lên tiếng chống lại việc Trung Quốc phát triển thành một cường quốc đại dương – một quá trình tất yếu của một quốc gia trên đường trở thành một trung tâm quyền lực mới của thế giới, nhưng cũng không chấp nhận bất kỳ sự áp đặt nào vi phạm chủ quyền biển đảo hợp pháp của quốc gia mình được luật pháp và tập quán quốc tế về biển công nhận.

Như chính những người Trung Quốc tôn trọng là phải và đạo lý “mình sống cũng phải để cho người khác sống” nhìn nhận: “Việc hoạch định biên giới biển liên quan đến chủ quyền và lợi ích kinh tê to lớn của các nước, các nước tất phải áp dụng biện pháp cứng rắn, lựa chọn các điều khoản trong luật quốc tế để vận dụng sao có lợi cho mình, cố gắng tranh thủ sự ủng hộ và lý giải của cộng đồng quốc tế. Xét ảnh hưởng mạnh mẽ của dư luận công chúng và chủ nghĩa dân tộc đối với ngoại giao láng giềng thì bất cử quốc gia nào cũng đều không thể dễ dàng thỏa hiệp và nhượng bộ, từ đó công việc đàm phán hoạch định biên giới biển sẽ là một quá trình khó khăn, lâu dài”.

Còn Mỹ và các nước lớn khác thì chống lại bất kỳ sự áp đặt bá quyền của bất kỳ một nước lớn nào hay nhóm nước lớn nào đối với một vùng biển quốc tế quan trọng như Biển Đông. Vấn đề Biển Đông vốn là một vấn đề khu vực, phụ thuộc vào các nước khu vực giải quyết. Tuy nhiên, như một luận điểm cơ bản của nhà chiến lược người Anh đầu thế kỷ XX Sir Halford Mackinder vạch rõ, “tính thống nhất của đại dương là thực tế tự nhiên đơn giản dùng làm căn bản cho giá trị cốt yếu của sức mạnh biển trong thế giới toàn cầu hiện nay”. Và cộng đồng quốc tế có lợi ích trong việc xử lý hòa bình các tranh chấp này, và hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm ra một giải pháp”.

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Biển Đông không còn là chuyện tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước, 6 bên là Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan

Ảnh 2: Biếm họa Biển Đông đang trở thành một địa bàn chiến lược của các nước lớn

RELATED ARTICLES

Tin mới