Lực lượng Không quân đến từ 8 nước, trong đó có Mỹ, sẽ đổ vào Ukraine trong tháng tới để tham gia vào một cuộc tập trận không quân lớn nhất từ trước đến nay của NATO. Tuy nhiên, cuộc tập trận này lại khiến Nga lo ngại.
Căn cứ Không quân Starokostiantyniv nằm cách thủ đô Kiev về phái tây nam khoảng 150 dặm (gần 250km) sẽ là nơi đón tiếp khoảng 950 binh sĩ đến từ 8 quốc gia gồm Mỹ, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Ba Lan, Rumani và Anh. Lực lượng này sẽ tham gia vào cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Clear Sky, tờ Stars & Stripes hôm qua (19/9) đưa tin.
Cuộc tập trận Clear Sky sẽ huấn luyện các binh sĩ một loạt bài tập gồm chủ quyền trên không, đánh chặn trên không, phối hợp tác chiến giữa trên không và mặt đất, các chiến dịch cơ động trên không, phòng thủ trên mạng và khôi phục lực lượng nhân sự, tờ Stars & Stripes đưa tin.
Thông tin về cuộc tập trận nói trên được đưa ra ngay sau khi chính phủ Ukraine vừa thông báo kế hoạch mở một căn cứ quân sự mới ở Biển Azov – một khu vực nằm giữa vùng Rostov, Krasnodar của Nga và Crimea. Tuy nhiên, hầu hết phần bờ biển phía bắc của Biển Azov là thuộc Ukraine.
Thông tin về cuộc tập trận của 8 nước ở Ukraine cũng được đưa ra sau khi Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine hồi cuối tuần vừa rồi tuyên bố, Washington sẽ cân nhắc cung cấp thêm vũ khí sát thương cho Kiev – “kẻ thù không đội trời chung” hiện giờ của Nga.
Ukraine không phải là một thành viên của NATO nhưng rất khát khao được gia nhập vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang đối đầu gay gắt với nước láng giềng Nga. Hồi cuối tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ – ông John Bolton sau khi trở về từ Kiev đã nói, Ukraine đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực xin gia nhập NATO nhưng nước này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Việc NATO tổ chức cuộc tập trận ở Ukraine chắc chắn sẽ gây quan ngại rất lớn cho Nga khi mà NATO và Ukraine đang có mối quan hệ căng thẳng leo thang với Moscow.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.
Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.