Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngsẽ có Chiến tranh lạnh mới, TQ là người thua cuộc

sẽ có Chiến tranh lạnh mới, TQ là người thua cuộc

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên bị ám ảnh với việc tìm hiểu nguyên nhân của sự kiện này. Các viện nghiên cứu của nhà nước quy trách nhiệm cho Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cải cách đơn giản là đã không đủ tàn nhẫn để giữ cho Liên Xô được toàn vẹn. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh các yếu tố quan trọng khác, nhưng không phải yếu tố nào cũng được các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú ý đến ngày ngày nay.

Chắc chắn là ĐCSTQ đã nằm lòng bài học quan trọng đầu tiên: thành tích kinh tế mạnh mẽ là điều cần thiết cho tính chính danh của Đảng. Và việc ĐCSTQ tập trung thúc đẩy tăng trưởng GDP trong vài thập niên qua đã mang lại “phép màu kinh tế”, với thu nhập bình quân đầu người tăng vọt từ 333 đô la năm 1991 lên 7.329 đô la vào năm ngoái. Đây là lý do quan trọng nhất giúp ĐCSTQ giữ vững quyền lực.

Nhưng việc giám sát một nền kinh tế đang suy sụp không phải là sai lầm duy nhất mà các nhà lãnh đạo Liên Xô gặp phải. Họ còn bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và không thể thắng nổi với Hoa Kỳ, và trở thành nạn nhân của việc dàn trải sức mạnh quá mức, ném tiền và tài nguyên cho các chế độ ít giá trị chiến lược và nổi tiếng về quản lý kinh tế yếu kém. Khi Trung Quốc bước vào một “cuộc Chiến tranh Lạnh” mới với Mỹ, ĐCSTQ dường như có nguy cơ lặp lại những sai lầm thảm khốc tương tự.

Thoạt nhìn, có vẻ như Trung Quốc không thực sự đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Xét cho cùng, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc trong năm nay – khoảng 175 tỷ đô la – chỉ bằng một phần tư ngân sách 700 tỷ đô la được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn. Nhưng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc được ước tính cao hơn nhiều so với ngân sách chính thức: Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc chi 228 tỷ USD cho quân đội vào năm ngoái, bằng khoảng 150% so với con số chính thức là 151 tỷ USD.

Dù sao đi nữa thì vấn đề không phải là số tiền Trung Quốc chi cho vũ khí, mà là sự gia tăng chi tiêu quân sự nhất quán, điều ngụ ý rằng đất nước đang chuẩn bị tham gia vào một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài với Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế của Trung Quốc không được trang bị để tạo ra đủ nguồn lực nhằm hỗ trợ mức chi tiêu giúp mang lại chiến thắng trên mặt trận này.

Nếu Trung Quốc có một mô hình tăng trưởng bền vững làm nền tảng cho một nền kinh tế hiệu quả cao, nó có thể đủ khả năng để duy trì một cuộc chạy đua vũ trang vừa phải với Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc không có cả hai.

Ở cấp độ vĩ mô, tăng trưởng của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc do sự lão hóa dân số nhanh chóng, mức nợ cao, sự chênh lệch thời điểm đáo hạn của tài sản và nợ (maturity mismatch) và cuộc chiến thương mại leo thang mà Hoa Kỳ đã khởi xướng. Tất cả điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hạn chế của ĐCSTQ. Ví dụ, khi tỷ lệ phụ thuộc của người già tăng lên, chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu cũng sẽ tăng lên.

Hơn nữa, trong khi nền kinh tế Trung Quốc có thể hiệu quả hơn nhiều so với nền kinh tế của Liên Xô, nó lại không hiệu quả bằng nền kinh tế Mỹ. Lý do chính cho điều này là ảnh hưởng kéo dài của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Trung Quốc, vốn chiếm một nửa tổng tín dụng ngân hàng toàn quốc nhưng chỉ đóng góp 20% giá trị gia tăng và việc làm.

Vấn đề của ĐCSTQ là DNNN đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì chế độ độc đảng vì chúng được sử dụng để khen thưởng cho những người trung thành và tạo điều kiện cho sự can thiệp của chính phủ nhân danh các mục tiêu kinh tế vĩ mô chính thức. Việc loại bỏ những công ty cồng kềnh và không hiệu quả này sẽ là một hành động tự sát chính trị. Tuy nhiên, việc bảo vệ các doanh nghiệp này có thể chỉ trì hoãn một việc không thể tránh khỏi, bởi vì chúng càng được cho phép hút cạn các nguồn tài nguyên khan hiếm ra khỏi nền kinh tế bao nhiêu, thì cuộc đua chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ sẽ càng trở nên khó đáp ứng – và thách thức đối với thẩm quyền của ĐCSTQ cũng trở nên ngày càng lớn.

Bài học thứ hai mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không nắm được là sự cần thiết phải tránh sự dàn mỏng nguồn lực đế quốc. Khoảng một thập niên trước, với thặng dư thương mại lớn mang lại một nguồn ngoại tệ mạnh dồi dào, chính phủ Trung Quốc bắt đầu chấp nhận những cam kết tốn kém ở nước ngoài và trợ cấp cho các đồng minh đã “chết cứng”.

Ví dụ điển hình là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) được ca ngợi lâu nay. Đây là một chương trình trị giá 1 nghìn tỷ đô la tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên vay nợ tại các nước đang phát triển. Bất chấp những dấu hiệu vấn đề từ sớm – điều cùng với kinh nghiệm của Liên Xô cho thấy ĐCSTQ nên tạm dừng sáng kiến này – nhưng Trung Quốc dường như quyết tâm thúc đẩy BRI, điều đã được các nhà lãnh đạo đất nước biến thành một trụ cột cho “đại chiến lược” mới của họ.

Một ví dụ thậm chí còn nghiêm trọng hơn cho tình trạng dàn mỏng sức mạnh đế quốc là sự trợ giúp hào phóng của Trung Quốc đối với các nước – từ Campuchia đến Venezuela hay Nga – nhưng mang lại rất ít lợi ích. Theo dữ liệu AidData tại Trường Đại học William và Mary, từ năm 2000 đến năm 2014, Campuchia, Cameroon, Côte d’Ivoire, Cuba, Ethiopia và Zimbabwe đã nhận được tổng cộng 24,4 tỷ đô la viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay ưu đãi cao của Trung Quốc. Trong cùng giai đoạn đó, Angola, Lào, Pakistan, Nga, Turkmenistan và Venezuela đã nhận được 98,2 tỷ USD.

Bây giờ, Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp 62 tỷ đô la các khoản vay cho “Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.” Chương trình đó sẽ giúp Pakistan đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán đang dần hiện hữu; nhưng nó cũng sẽ làm cạn kiện kho bạc của chính phủ Trung Quốc vào một thời điểm mà chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang đe dọa nguồn cung ngoại tệ bổ sung cho nó.

Giống như Liên Xô, Trung Quốc đang vung tiền qua cửa sổ cho một vài quốc gia bạn bè để chỉ đạt được những lợi ích hạn chế trong khi ngày càng trở nên lún sâu vào một cuộc chạy đua vũ trang khó có thể duy trì. Cuộc Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ vừa mới bắt đầu nhưng Trung Quốc dường như đã trên đường trở thành người thua cuộc.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College, và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the United States.

RELATED ARTICLES

Tin mới