Các quan chức Trung Quốc đang nhún vai bỏ qua các cảnh báo rằng căng thẳng thương mại với Mỹ có thể sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của đất nước, và các phương tiện truyền thông nhà nước nói rằng Bắc Kinh có thể “sống sót” qua cuộc chiến thuế quan.
Tuần này, tổng thống Donald Trump đã công bố vòng thuế mới trị giá 200 tỷ USD như một động thái mới nhất khiến căng thẳng leo thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, và đe dọa sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn nếu như Trung Quốc không làm theo yêu cầu của Mỹ.
Nhưng trong khi Thủ tướng Trung Quốc ông Lý Khắc Cường thừa nhận hôm thứ tư (19 tháng 9) rằng đất nước đang phải đối mặt với “những khó khăn lớn hơn” trong việc duy trì ổn định tăng trưởng khi đối mặt với sự công kích từ nước Mỹ, ông nhanh chóng lên tiếng tin tưởng vào khả năng “vượt qua những chướng ngại”.
Các biện pháp mới bổ sung cho mức thuế áp lên hàng hóa trị giá 60 tỷ USD đã được thiết lập. Con số này chiếm khoảng một nửa lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, phần tạo ra khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, theo Mark Williams, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics.
Theo cơ quan xếp hạng Moody’s, sự leo thang mới này có thể cắt giảm 0,5 điểm phần tram trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới.
Căng thẳng này xuất hiện vào thời điểm khó khăn đối với Bắc Kinh. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà do bị ảnh hưởng bởi chiến dịch giảm nợ của Chính phủ, thứ dẫn đến tín dụng bị thắt chặt và đầu tư cơ sở hạ tầng giảm mạnh.
Quỹ tiền tệ quốc tế dự đoán trong tháng Tư rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 6,4% trong năm 2019, so với 6,9% trong năm 2017.
Nhưng nếu ông Trump hiện thực hóa các mối đe dọa của mình để đánh thuế tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể thấy con số đó giảm xuống còn 5,8% vào năm tới, cảnh báo từ Louis Kuijs – giám đốc kinh tế châu Á tại Oxford Economics. Đó sẽ là tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.
Những lựa chọn thay thế
Trong khi có hy vọng hai bên sẽ có thể giải quyết sự khác biệt của họ, Kuijs cảnh báo triển vọng cho một thỏa thuận vẫn còn thấp trong ngắn hạn, nhất là khi Nhà Trắng đang tỏ ra họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay đã vượt qua cơn bão một phần nhờ vào sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ, hiện đã mất gần một phần mười giá trị so với đồng USD kể từ tháng 4, bù lại ảnh hưởng của thuế quan, Williams nói.
Thứ hai, ông nói thêm rằng các công ty Mỹ bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc, bởi vì “đối với nhiều hàng hóa bị ảnh hưởng, có rất ít nhà cung cấp thay thế”.
Đối với các loại mặt hàng bị đánh thuế bởi Washington, trung bình Trung Quốc là đầu mối cung cấp của một nửa số hàng hóa, ông nói.
Các nhà chức trách cũng dự kiến sẽ có nhiều biện pháp để thúc đẩy nhu cầu trong nước, như giảm thuế thu nhập, tăng thuế xuất khẩu, tài trợ cơ sở hạ tầng nhiều hơn, và khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay, theo Oxford Economics.
Mặc dù vậy, ông Lý nói với Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm thứ Tư rằng Bắc Kinh sẽ không bắt tay vào một chương trình kích thích khổng lồ tương tự đã được sử dụng để chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 10 năm.
Trong khi ông Trump nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang trong tình trạng suy yếu – Trung Quốc đang căng thẳng dưới một núi nợ khổng lồ vượt quá 250% GDP – và sẽ tạo ra sự chi rẽ trong nội bộ trong các cuộc đàm phán thương mại, thì lại có một sự tự tin vững chắc ở Bắc Kinh.
Ngay cả khi Washington đánh thuế tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, “Trung Quốc có nhiều chính sách tài chính và tiền tệ để làm bước đệm”, Fang Xinghai, phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết.
“Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, và chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ vẫn ổn”, ông nói trong tuần này.
Tờ báo quốc gia China Daily tuyên bố trong một bài báo rằng đất nước sẽ “trụ vững lâu dài” trong cuộc chiến thuế quan và sẽ “nổi lên mạnh mẽ hơn”.