Hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Trung và luật CAATSA chỉ là cái cớ để tăng áp lực lên Trung Quốc và các ngành công nghiệp công nghệ cao của Nga-Trung Quốc.
Trừng phạt không đúng thời hạn chế tài
Theo giới quan sát, lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Cục Phát triển trang bị thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc, vì lý do Bắc Kinh đã mua những tiêm kích Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, không có mục đích trừng phạt Trung Quốc về sự hợp tác kỹ thuật-quân sự với Nga, hoặc ngăn chặn sự hợp tác như vậy trong tương lai.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận xét trong bài bình luận trên Sputnik rằng, đây chỉ là một bước mới trong hàng loạt biện pháp đang được thực hiện hoặc đang được chuẩn bị tại Hoa Kỳ để làm suy yếu tiềm năng kinh tế và công nghệ của Trung Quốc.
Trong danh sách các biện pháp mà Hoa Kỳ đang thực hiện kể từ đầu năm 2018 có cuộc chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt chống lại một số công ty công nghệ cao của Trung Quốc (ví dụ như ZTE), gây trở ngại cho các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại tài sản của những công ty công nghệ ở phương Tây và việc chuẩn bị gói biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì nước này “vi phạm nhân quyền trong khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương”.
Như thông lệ, các biện pháp trừng phạt được bên này áp dụng để buộc phía bên kia phải thay đổi hành vi của mình, nhưng trong trường hợp này, mục tiêu của Mỹ là khác.
Vấn đề quan trong là ở chỗ, hợp đồng cung cấp các tổ hợp S-400 cho Trung Quốc đã được ký kết vào năm 2014 và lô hàng các máy bay Su-35 đã được bàn giao cho Trung Quốc theo hợp đồng được ký kết năm 2015. Tức là, cả hai hợp đồng đã được ký kết từ lâu trước khi Mỹ thông qua luật CAATSA.
Đến lúc luật CAATSA đi vào hiệu lực, Trung Quốc đã trả cho Nga một khoản tiền đáng kể về các hợp đồng này và đã nhận được một phần thiết bị. Ngay cả nếu Trung Quốc không muốn mua nữa, họ cũng không thể đơn phương chấm dứt hai hợp đồng này.
Thông thường, nếu ai đó áp đặt biện pháp trừng phạt, thì các hợp đồng đang được thực hiện không bị liệt vào danh sách bị trừng phạt, nhưng, phía Mỹ đã không làm như vậy.
Những phân tích trên đã làm rõ một điều: Rõ ràng là Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc chiến kinh tế chống lại Nga và Trung Quốc.
Trừng phạt không đúng đối tượng chế tài
Cuộc chiến kinh tế chống lại Nga nhằm mục đích gây mất ổn định trong hệ thống tài chính và các ngành công nghiệp khai thác nhằm gây ra sự bất mãn của người dân và thay đổi chế độ cầm quyền ở Moscow.
Còn cuộc chiến kinh tế chống lại Bắc Kinh lúc đầu nhằm mục đích gây thiệt hại tối đa cho các ngành công nghệ cao, mà theo chính phủ Trung Quốc, các ngành này là cơ sở của sự tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trong dài hạn, việc “tiêu diệt” các ngành công nghiệp này và chấm dứt đà phát triển công nghệ của Trung Quốc có thể gây ra sự suy giảm kinh tế và bất ổn xã hội.
Theo phân tích của giới chuyên gia, biện pháp trừng phạt chống lại Cục Phát triển trang bị – đơn vị chủ chốt của Quân ủy trung ương Trung Quốc, phụ trách lĩnh vực định hướng phát triển, mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự sẽ không có hậu quả đáng kể ngay lập tức.
Kể từ năm 1989 sau sự kiện đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình trên Quảng trưởng Thiên An Môn ở Thủ đô Bắc Kinh, Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc để hạn chế việc cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho nước này.
Tuy nhiên, không chỉ sai về thời gian chế tài, Mỹ còn cố tình áp dụng sai đối tượng chịu lệnh trừng phạt.
Ở Trung Quốc, cơ quan phụ trách về các hợp đồng mua sắm các sản phẩm “sử dụng kép” (sản phẩm lưỡng dụng, sử dụng trong cả quân sự và dân dụng) không phải là Cục Phát triển trang bị thuộc Quân ủy trung ương, đây là đặc quyền của những công ty ngoại thương khác nhau.
Tuy nhiên, việc Mỹ đưa Cục Phát triển trang bị vào danh sách cấm vận cho thấy rằng, trong tương lai Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty dân sự Trung Quốc làm việc với cơ quan này, mặc dù họ chẳng liên quan gì đến lĩnh vực mà Mỹ áp đặt cấm vận
Do đó, trừng phạt Trung Quốc vì đã hợp tác với Nga không phải là nguyên nhân gốc rễ, mà chỉ là một cái cớ thuận tiện. Trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại, chúng ta đã thấy điều này ở nhiều nước trên thế giới.
Nguy hại cho chủ quyền quốc gia Mỹ?
Những kinh nghiệm cho thấy rằng, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt ngay cả với sự “hợp tác tưởng tượng” với những nước khác, chẳng hạn như Iran, cũng vì vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc vì những lý do khác mà Mỹ tự nghĩ ra.
Chính sách của Hoa Kỳ dựa trên việc sử dụng những công cụ của cuộc chiến kinh tế để ép buộc các quốc gia khác phải nhượng bộ. Ngay cả các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, như Canada, Mexico hoặc các nước Liên minh châu Âu cũng hứng chịu những áp lực kinh tế của Mỹ.
Điều quan trọng là, khi thông qua luật CAATSA, Hoa Kỳ trên thực tế đang cố gắng hạn chế chủ quyền của tất cả các nước trên thế giới. Mỹ tự cho mình có quyền quyết định việc các quốc gia khác có thể phát triển hợp tác kỹ thuật-quân sự với những nước nào.
Bất kỳ sự nhượng bộ nào trong lĩnh vực chủ quyền cũng là điều vô cùng nguy hiểm. Nếu nước nào vì sợ mà phải xuống thang thì tiếp theo Mỹ sẽ tiếp tục lấn tới, đưa ra những đòi hỏi vô lý mới và cuối cùng điều đó sẽ dẫn đến tai họa đối với độc lập chủ quyền của đất nước.