Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười Indonesia lo Trung Quốc trở thành ông hàng xóm

Người Indonesia lo Trung Quốc trở thành ông hàng xóm

BienDong.Net: Trong bài viết đăng trên Jakarta Post hôm 8/8, Made Andi , Giảng viên Đại học Gadjah Mada, chuyên gia về luật biển quốc tế Indonesia đặt câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc là hàng xóm của Inđonesia?

Câu hỏi vừa ngạc nhiên, vừa lo ngại ấy được đặt ra khi yêu sách đường 9 khúc mà Trung quốc công bố trên lý thuyết đã đẩy ranh giới biển của nước này tới giáp đảo Natura của Inđonesia, quốc gia xưa nay vẫn cho rằng Trung Quốc không hề dính dáng gì đến tranh chấp lãnh thổ với họ. BienDong. Net xin giới thiệu tóm lược nội dung bài viết này (đầu đề là của người biên tập).

Phải chăng Trung Quốc là láng giềng của Indonesia? Người ta có thể phân vân vì sao lại đặt câu hỏi như vậy. Quan trọng hơn, liệu câu hỏi ấy có quan trọng không. Căn cứ theo Luật Biển quốc tế, một quốc gia được quyền làm chủ các vùng biển của mình với chiều rộng cụ thể tính từ đường cơ sở trở ra.

 

Đó là lãnh hải, khu vực tiếp giáp lãnh hải, các vùng kinh tế đặc quyền, và thềm lục địa. Nếu một quốc gia nằm tương đối gần với các nước khác, sẽ có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau, đòi hỏi phải phân định ranh giới lãnh hải.

Về mặt chính thức, Indonesia công nhận có 10 nước láng giềng mà nước này cần phải giải quyết vấn đề về ranh giới lãnh hải: Ấn độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Palau, Papua New Guinea, Australia và Timor Leste. Nói một cách giản đơn, Indonesia coi một quốc gia là láng giềng của mình để giải quyết các vấn đề về phân định ranh giới hàng hải nếu như có những đòi hỏi về chủ quyền biển chồng chéo nhau giữa các nước này với nhau căn cứ theo luật Biển quốc tế.

Trong một lần thỉnh giảng tại Viện Kĩ thuật Sepuluh Nopember (ITS) ở Surabaya đầu năm nay, một người tham dự có hỏi tôi về trường hợp một quốc gia mà chúng ta không thừa nhận là láng giềng, nhưng họ lại hành xử như là một nước láng giềng thì như thế nào? Ý anh ta là muốn nói tới Trung Quốc. Theo các báo cáo năm 2009 và 2010, ngư dân Trung Quốc đã đến đánh cả trong vùng biển phía bắc quần đảo Natura của Inđonesia.

Căn cứ theo Luật Biển, vùng nước này là thuộc lãnh hải hay thuộc quyền tài phán của Inđônesia. Giả như trong khu vực này cần có sự phân định về lãnh hải thì đó là chuyện của Inđonesia và các nước khác có đỏi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

Vấn đề là chủ quyền biển của Trung Quốc có mở rộng đến tận phía bắc quần đảo Natura hay không?

Trong một công văn gửi Liên Hiệp Quốc năm 2009, Trung Quốc tuyên bố rằng: “ Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông và các vùng biển tiếp giáp”…Điều này khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ và các vùng biển kéo dài tới phía bắc quần đảo Natura, là vùng mà các nước khác trong khu vực cũng có tranh chấp chủ quyền.

Mặt khác, Inđônesia không hề đòi hỏi chủ quyền đối với bất kì hòn đảo nhỏ nào ở Biển đông, và cũng không coi Trung Quốc như là một nước láng giềng trong bối cảnh phân định ranh giới biển. Inđônesia chỉ coi Malaysia và Việt Nam như là những quốc gia láng giềng cần phải giải quyết với họ vấn đề ranh giới biển ở Biển Đông. Nói cách khác , Inđônesia thậm chí không thấy cần phải bàn bạc với Trung Quốc khi nước này đặt vấn đề về chủ quyền biển ở Biển Đông.

Tuy nhiên, sự hiển diện của những người đánh cá Trung quốc ở khu vực này hồi năm 2009 và 2010 dường như cho thấy điều ngược lại. Ngư dân Trung Quốc không chỉ đến đánh cá ở vùng biển mà Indonesia cho là của mình, mà họ còn được một “tàu ngư chính Trung Quốc” bảo vệ. Có thể suy ra rằng Trung Quốc mở rộng yêu sách chủ quyền biển của họ tới tận một khu vực mà Indonesia tin rằng đó là của Indonesia.

Đường 9 khúc do Trung Quốc vẽ ( ảnh Internet )

 

Yêu sách này của Trung Quốc, cũng được nêu trong công hàm năm 2009 gửi Liên Hiệp Quốc, được đưa ra lần đầu từ cuối những năm 1940 khi họ công bố một bản đồ mô tả một đường đứt đoạn ở Biển Đông. Đường vẽ này, còn gọi là đường 9 khúc cho thấy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mở rộng tới một vùng biển sát với quần đảo Natura của Inđonesia.

Tuy nhiên, người ta đã không nói rõ đường vẽ này thể hiện yêu sách của Trung Quốc chỉ riêng đối với các đảo nhỏ ( ví dụ như Trường Sa, Hoàng Sa..v.v..) ở Biển Đông, hay là đối với cả các vùng biển nằm trong đường vẽ này.

Trong khi đó, trong công hàm năm 2010 gửi LHQ, Inđonesia đã không thừa nhận yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm trong đường vẽ này. Trong khi những khác biệt về quan điểm giữa Inđonesia và Trung Quốc cần được làm rõ hơn thì sự hiển diện của những ngư dân Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Natura cho thấy Trung Quốc đang khẳng định yêu sách chủ quyền của họ đối với vùng biển ở phía bắc quần đảo Natura.

Những sự cố liên quan đến hoạt động đánh cá trong năm 2009 và 2010 có vẻ là một cuộc tranh chấp vể ranh giới lãnh hải giữa Inđônesia và Trung Quốc. Trong khi Indonesia vẫn trước sau như một không thừa nhận Trung Quốc là một quốc gia láng giềng của mình về hàng hải thì có vẻ như Trung Quốc lại có cái nhìn khác. Để giải quyết vấn đề này, điều đòi hỏi trước tiên là Trung Quốc phải làm rõ phạm vi yêu sách chủ quyền lãnh thổ và đặc biệt là đòi hỏi về chủ quyền biển của họ ở Biển Đông.

Mặt khác, như Johnson tuyên bố (năm 1997) Indonesia có thể không muốn thảo luận công khai vấn đề yêu sách chồng chéo về chủ quyền giữa Inđonesia và Trung Quốc vì lẽ theo quan điểm của Inđonesia, việc làm này có thể cung cấp tính hợp pháp cho các yêu sách về chủ quyền biển của Trung Quốc tại Biển Đông. Như cố Ngoại trưởng Ali Alatas từng nói:” Việc lặp đi lặp lại một điều dối trá cuối cùng có thể làm cho nó xuất hiện như là điều có thật (The Straits Times, 4/6/ 1995).

Indonesia là hàng xóm của Trung Quốc ư? Câu hỏi này cỏ vẻ không có lời đáp rõ ràng. Việc Inđonesia và Trung Quốc có cần xác định ranh giới biển giữa hai nước hay không tuỳ thuộc vào việc hai nước này nhìn nhận các yêu sách chồng lấn về lãnh hải như thế nào, và việc này vẫn còn chưa chắc chắn…

Chương Dương ( chuyển ngữ )

RELATED ARTICLES

Tin mới