Tuyên bố chung của hội nghị ASEAN đã đạt được đồng thuận có mức độ.
Các nước thành viên ASEAN cần hợp tác để tương trợ lẫn nhau nhằm tổ chức ASEAN có thể hành động như một khối thống nhất.
Ngày 8-8, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak tuyên bố như trên tại lễ kỷ niệm 48 năm ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 – 8-8-2015) ở Kuala Lumpur. Hãng tin Bernama (Malaysia) đưa tin Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cùng dự lễ.
Với tư cách nước chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Najib Razak ghi nhận cộng đồng ASEAN sẽ trở thành thị trường lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 chỉ sau EU, Mỹ và Trung Quốc. Do đó ông nhấn mạnh: “Chúng ta càng củng cố cộng đồng ASEAN, chúng ta sẽ càng thắng lợi”.
Nhìn lại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan ở Malaysia, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 9-8 ghi nhận hội nghị ASEAN đã đạt được tiến bộ khi tuyên bố chung nêu lên nhận định: Hoạt động cải tạo đất trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Dù vậy, tuyên bố chung không nhắc gì đến lời kêu gọi của Philippines và Mỹ dừng cải tạo, xây dựng và quân sự hóa đối với các đảo nhân tạo.
Tàu bệnh viện USNS Mercy của hải quân Mỹ tại cảng Subic. (Ảnh: Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương)
Chuyên gia Tạ Diễm Mai thuộc tổ chức phi chính phủ Nhóm Khủng hoảng quốc tế ghi nhận hội nghị ASEAN đã nỗ lực đạt được đồng thuận để ra tuyên bố chung nhằm tránh vết xe đổ năm 2012 (hội nghị ở Campuchia năm 2012 không ra được tuyên bố chung).
Bà nhận định: “Không có nước chủ tịch ASEAN nào muốn trở thành một Campuchia lần nữa”. Dù vậy, bà nhận xét: “Tuyên bố chung chỉ trích hành động của Trung Quốc nhưng không nêu đích danh Trung Quốc”.
Báo The Philippines Star (Philippines) ngày 9-8 đăng bài viết ghi nhận tuyên bố chung của hội nghị ASEAN có đoạn khẳng định hội nghị cực kỳ quan tâm đến diễn biến về biển Đông, hoạt động cải tạo đất ở biển Đông đã làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng, có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông.
Tuy nhiên, tuyên bố chung có ba điểm cần chú ý:
● Tuyên bố chung không nêu đích danh Trung Quốc là quốc gia đã tiến hành hoạt động cải tạo đất gây căng thẳng ở biển Đông. Việc này giống như lên án tội ác nhưng không nêu tên thủ phạm.
● Tuyên bố chung khẳng định hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông bị phương hại nhưng không lên án hoạt động gây phương hại, cho dù hoạt động này có thể dẫn đến xung đột hay chiến tranh trong khu vực.
● Tuyên bố chung ghi nhận một số bộ trưởng ngoại giao đã bày tỏ quan tâm đến hoạt động cải tạo đất trên biển Đông của Trung Quốc, như vậy một số bộ trưởng còn lại đã không quan tâm.
Báo The Philippines Star lưu ý Mỹ và Nhật đã lên án mạnh mẽ hoạt động xây đảo của Trung Quốc ở biển Đông nhưng Trung Quốc chỉ lên án Philippines câu kết với Nhật mà không bình luận gì đến Mỹ.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang lo ngại liên minh chiến lược Philippines-Nhật hơn ASEAN và rõ ràng hiện thời Trung Quốc chưa sẵn sàng đối đầu với Mỹ.
Báo nhận định Trung Quốc đã chấp nhận đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ đề nghị đóng khung phạm vi đàm phán trong ASEAN để loại trừ các nước khác như Mỹ và Nhật.