Trong khi công cuộc “đả hổ” gặp phải trở lực lớn, lãnh đạo thế hệ thứ năm ở Trung Quốc lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cầm quyền chưa từng có trên mặt trận kinh tế.
Sắc đỏ tràn ngập sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh ngày 28/7. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Nếu không xử lý thoả đáng, ông Tập Cận Bình có thể “thua lấm lưng” và đối mặt với nguy cơ trở thành Hoa Quốc Phong thứ hai (?)
Thảm hoạ chứng khoán xảy ra, theo Giáo sư Hary Harding thỉnh giảng tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, có thể sẽ liên tiếp tạo ra ba việc xấu. Trước tiên là việc các nhà đầu tư cá nhân chịu tổn thất. Kế đó là tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Cuối cùng là hình thành phản ứng đối với êkíp cầm quyền do ông Tập Cận Bình đứng đầu.
Bởi khác với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình trực tiếp nắm quyền ra quyết sách về kinh tế và công cuộc “đả hổ” do ông thúc đẩy từ khi lên nắm quyền đã tạo ra cho nhà lãnh đạo này nhiều “kẻ địch” ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì thế, Giáo sư Harding cho rằng một số thế lực quan trọng đã “rút đao” ra khỏi bao, đang đợi ông Tập Cận Bình “ngã lộn nhào”.
Về phần mình, tạp chí “Minh kính” số mới nhất nhận định sau khi công cuộc “đả hổ” gặp phải trở lực, ông Tập Cận Bình lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cầm quyền chưa từng có trên mặt trận kinh tế. Nếu không xử lý thoả đáng, ông Tập Cận Bình có thể “thua lấm lưng”. Hội nghị Bắc Đới Hà mỗi năm một lần có thể trở thành cuộc đấu giữa các nguyên lão và nhà lãnh đạo đương nhiệm, trong đó, bên bị “đấu tố” chính là ông Tập Cận Bình.
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay có thể sẽ khác một trời một vực với hai năm trước khi ông Tập Cận Bình hừng hực khí thế, “bắn hạ” một loạt “hổ lớn” như Bạc Hi Lai (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh), Chu Vĩnh Khang (nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương), Quách Bá Hùng (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương) và Lệnh Kế Hoạch (nguyên Uỷ viên Trung ương kiêm Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc).
Xem xét sóng gió trên thị trường chứng khoán có thể thấy vấn đề nghiêm trọng nhất mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt là trên lĩnh vực kinh tế và bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra, từ đó dẫn tới khả năng mất kiểm soát và “bị lật ghế”. Việc kinh tế, chính trị và nhân sự có nhiều điểm trộn lẫn nhau khiến cho hội nghị Bắc Đới Hà lần này nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận. Kỳ thực, trong đó nhân sự là nội dung quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kinh tế tốt, ông Tập Cận Bình có thể duy trì, thậm chí có thể củng cố quyền uy, vãn hồi đôi chút sự mất mặt do phải thoả hiệp, thậm chí là thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng, cũng có thể tương đối thong dong, chủ động thực hiện bố trí nhân sự, xây dựng “đội quân nhà Tập”.
Nhưng nếu như kinh tế mất kiểm soát như trên thị trường chứng khoán nước này hiện nay, ông Tập Cận Bình không những không thực hiện được việc để người khác “có thể lên, có thể xuống” như mong muốn, mà e rằng chính ông Tập Cận Bình sẽ là đối tượng “có thể xuống” đầu tiên. Việc ông Tập Cận Bình bị buộc phải kiểm thảo là còn nhẹ. Nếu nghiêm trọng tới mức mất kiểm soát, việc ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoa Quốc Phong thứ hai không phải là không có khả năng.
Trong một diễn biến liên quan, tạp chí “Tham khảo Nước ngoài” số tháng 8/2015 dẫn nguồn thạo tin cho biết hiện nay “sống còn” vẫn là kinh tế. Nâng đỡ thị trường chứng khoán là một canh bạc lớn. Việc ông Tập Cận Bình muốn nâng chỉ số chứng khoán lên 10.000 điểm, dùng bong bóng để cứu vãn nền kinh tế yếu ớt là hành động vô cùng cuồng vọng, cực kỳ nguy hiểm.
Nếu không thành công, điều đó có nghĩa chiến lược sử dụng bong bóng chứng khoán để nâng đỡ kinh tế của ông Tập Cận Bình hoàn toàn thất bại, niềm tin và sức mạnh của ông Tập Cận Bình cũng không còn. Điều đó cũng có nghĩa các đại biểu tham dự hội nghị Bắc Đới Hà năm nay vốn được cho là tập trung vào lĩnh vực kinh tế sẽ có “kịch hay” để xem.