Mặc dù chính quyền Mỹ hiện nay có vẻ thiên về đối nội, trên thực tế họ vẫn rất quan tâm đến chính sách đối ngoại, đặc biệt đề phòng Trung Quốc.
Những đòn trả đũa lẫn nhau trên các mặt trận kinh tế, chính trị và chiến lược vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đe dọa leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện giữa hai siêu cường này.
Khi Mỹ “ép chặt” Trung Quốc về mặt kinh tế thông qua cuộc chiến thương mại hiện đang căng như dây đàn, Mỹ cũng đồng thời đẩy mạnh cả các nỗ lực quân sự để thách thức Trung Quốc về mặt chiến lược trên các vùng biển.
Trên thực tế, một số nhà phân tích đã xem đòn đáp trả lẫn nhau vừa qua về mặt kinh tế và chiến lược có thể như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí có thể biến thành một cuộc xung đột vũ trang trên biển.
Gọng kìm kinh tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh bằng việc áp thêm thuế quan lên thêm 200 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc, bên cạnh việc áp thuế trước đó đối với lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa sẽ áp thêm thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa nữa nhập từ Trung Quốc nếu quốc gia châu Á này không giải quyết được cái mà ông Trump gọi là “những hành vi thương mại không công bằng”.
Trung Quốc đang phản ứng không kém phần mạnh mẽ bằng việc đánh thuế vào 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời trì hoãn vô thời hạn việc đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại.
Từ góc độ Trung Quốc, nước này xem mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa họ và Mỹ là một dạng đấu tranh sinh tồn. Họ coi cuộc chiến thương mại đang diễn ra là một phần trong chiến lược kiềm chế rộng lớn do Mỹ đẩy mạnh thông qua phương thức quân sự trên Biển Đông.
Thế trận quân sự cả trên trời và dưới biển
Hôm 30/9 một tàu chiến Mỹ đi sát tàu khu trục Mỹ lúc tàu Mỹ thực hiện điều mà họ gọi là “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) gần khu vực đá Ga Ven và đá Gạc Ma ở Trường Sa.
Hải quân Mỹ đã tố Trung Quốc thực hành “động thái di chuyển thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Họ cho biết, tàu Trung Quốc đi sát tàu Mỹ tới 40m và suýt gây ra va chạm.
Trong các tháng vừa qua, Bắc Kinh đã quân sự hóa [một cách bất hợp pháp] nhiều thực thể (mà họ chiếm trái phép ở Biển Đông). Trung Quốc đã làm dư luận quốc tế quan ngại về khả năng họ sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trên bầu trời, Mỹ cũng ngáng trở tham vọng chủ quyền của Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ mới đây đã cho máy bay B-52 bay qua Biển Đông – phía Trung Quốc coi đây là hành động khiêu khích.
Đồng thời, Washington đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác khu vực, như Nhật Bản, Australia và Anh Quốc. Hàn Quốc cũng có thể sẽ tích cực tham gia vào quá trình này. Hồi giữa tháng 9, tàu khu trục “Munmu Vĩ đại” của Hàn Quốc đã tiến sát các vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố là của mình.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump đã cho phép bán vũ khí trị giá 1,3 tỷ USD cho vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Việc Mỹ gia tăng hỗ trợ Đài Loan về mặt quốc phòng là một thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Manila vào tuần trước, Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson – tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới với Philippines để mở rộng số lượng các cuộc tập trận chung của hai nước, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, từ 261 lên thành 281.
Giới chức đôi bên không cung cấp chi tiết về 20 cuộc tập trận bổ sung nhưng dự kiến các cuộc tập trận đó sẽ tập trung vào một nội dung là an ninh hàng hải.
Việc hợp tác quốc phòng song phương đang ấm dần lên này phản ánh mối quan ngại đang gia tăng của Manila về sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, quan hệ cấp chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ đang bước vào giai đoạn đối đầu nguy hiểm.
Cuộc họp an ninh dự kiến diễn ra trong tháng 10 này giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã bị hủy bỏ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng đó.
Trước đó Trung Quốc cũng đã hủy bỏ một cuộc họp giữa tư lệnh hải quân Trung Quốc và người đồng cấp Mỹ ở Newport, bang Rhode Island (Mỹ). Ngoài ra chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới Mỹ vào cuối năm 2018 cũng có thể bị hủy nốt.
Lá bài chính trị
Căng thẳng song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã ăn sâu vào nền chính trị Mỹ, với việc Tổng thống Trump thậm chí tố cáo Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.
Trong cuộc họp gần đây tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump đã tố Bắc Kinh về sự can thiệp nói trên và khẳng định sẽ không để tái diễn điều đó.
Washington đã tố cáo Trung Quốc thực hiện chiến dịch có hệ thống nhằm hạ uy tín của chính quyền Tổng thống Trump tại các khu vực bầu cử trọng yếu của Mỹ, đặc biệt là các cộng đồng nông nghiệp đang hứng chịu hậu quả từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm do cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phủ nhận cáo buộc của Tổng thống Trump và tái khẳng định rằng Trung Quốc sẽ “không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào”.
Nếu không có biện pháp ngăn chặn, thế đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ làm xáo trộn nghiêm trọng các liên kết thương mại trong khu vực đồng thời làm tăng nguy cơ va chạm vũ trang ở Biển Đông và cả những điều khủng khiếp hơn thế nữa.