Thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua thanh long khiến giá rớt thê thảm, bán rẻ cũng không hết.
Ngày 5/10/2018, ông Châu Văn Đức – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết, nhiều thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua thanh long nên khiến nhiều nông dân trên địa bàn rơi vào cảnh lao đao.
Hiện nay, huyện Chợ Gạo có khoảng 6.000 ha trồng thanh long, thời vụ đến nên nguồn nông sản này dồi dào. Thời kỳ đầu vụ bán với giá 15.000 – 20.000 đồng/kg. Nhưng nhiều ngày nay, giá giảm xuống còn khoảng 5.000 đồng/kg cũng không có người mua.
Nguyên nhân được ông Đức đưa ra là do thanh long chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Bây giờ, thương lái Trung Quốc ngừng mua nên nhà vườn lao đao.
“Thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 3.000-5.000 đồng/kg, còn thanh long ruột trắng nếu xấu thì không bán được” – ông Đức cho biết.
Thủ phủ thanh long của Việt Nam ở tỉnh Bình Thuận cũng đang gặp không ít khó khăn bởi thương lái Trung Quốc không mua hàng. Giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận hiện chỉ trong khoảng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.
“Giá giảm, thanh long chín đỏ vườn không bán được do thương lái bẻ kèo nên một số nhà vườn tại Long An đang trong tình trạng thua lỗ nặng” – một nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận cho biết.
Toàn tỉnh Bình Thuận có 27.000 ha trồng thanh long. sản lượng bình quân khoảng 500-600 nghìn tấn. Đầu ra thanh long phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc chiếm đến 70-80%.
Điệp khúc được mùa mất giá không chỉ xảy ra với thanh long mà còn ở nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như dưa hấu, sầu riêng, mít, măng cụt…
Đây không phải là năm đầu tiên nông sản Việt Nam ở trong tình cảnh trên. Trước đó vào các năm 2015, 2016, 2017 người nông dân cũng đã gặp phải tình trạng tương tự nhưng cho đến nay vẫn chưa có bài toán giải quyết.
Từng nhận định về tình trạng thanh long bị rớt giá thê thảm mà vẫn không có người mua, ông Trần Ngọc Hiệp, chủ một doanh nghiệp thanh long lớn tại Bình Thuận đồng thời cũng là phó chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận thừa nhận sự bấp bênh về đầu ra của trái thanh long do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Người trồng thanh long đang đứng trước lỗi lo được mùa, mất giá. |
Nhưng nhìn nhận một cách toàn diện, vị phó chủ tịch Hiệp hội cho rằng, lỗi tất cả do chính người dân tự làm nên. Vì vậy, kết quả trên là hệ quả của thói quen làm ăn không tốt đã diễn ra, tồn tại trong suốt một khoảng thời gian dài của người dân trồng thanh long.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao cho rằng, người nông dân Việt Nam gặp nhiều rủi ro bởi việc xuất khẩu nông sản chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc và bằng con đường tiểu ngạch nên luôn bị bấp bênh.
Xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch mang tính tùy ý, không bền vững, có rủi ro lớn vì chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang làm. Mặt khác, sản xuất nông sản vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản xuất khẩu là do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng.
“Xuất khẩu chủ yếu vẫn còn đi bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng, giá giảm sâu, có khi bị đổ bỏ nơi cửa khẩu. Vấn đề minh bạch, uy tín trong hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn” – ông Anh nói.