Cạnh tranh với sự gia tăng hiện diện của Bắc Kinh tại lục địa đen, Nhật Bản cam kết đầu tư 30 tỷ USD vào các quốc gia châu Phi trong 3 năm.
Nhật Bản sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Phi thông qua quỹ viện trợ, Bộ trưởng Ngoại giao nước này cho hay hôm 6/10. Nhật Bản đang tăng cường tạo dấu ấn trên lục địa đen trong bối cảnh Trung Quốc “mạnh tay” chi những khoản đầu tư lớn tại khu vực, làm dấy lên những lo ngại về bẫy nợ, theo Nikkei.
“Tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của việc quản lý nợ trong việc duy trì sự phát triển bền vững cho châu Phi”, ông Taro Kono nói với những người đồng cấp từ ít nhất 50 quốc gia châu Phi khi bắt đầu cuộc họp 2 ngày của Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD).
Một chủ đề chính trong các cuộc đàm phán là thủ đoạn cho vay của Bắc Kinh, trong đó “con mồi” thường là các nước đi vay nặng lãi, hậu quả là họ phải gánh các khoản nợ khổng lồ, và sau đó bị bòn rút trong quá trình nhượng bộ yêu sách của Trung Quốc do không trả được nợ, bao gồm quyền sử dụng cơ sở hạ tầng cốt yếu của nước mình.
Ví dụ điển hình minh hoạ cho âm mưu của Trung Quốc là Sri Lanka, nước này đã buộc phải nhượng quyền kiểm soát một cảng quan trọng cho Trung Quốc trong 99 năm vì không trả được nợ.
Mối lo ngại về những khoản nợ Trung Quốc đang phình lên như bong bóng bao trùm các quốc gia châu Phi, như Djibouti, nơi đã trở thành căn cứ nước ngoài đầu tiên của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính và chỉ đạo dự án xây dựng một tuyến đường sắt hiện đã hoàn thành giữa Djibouti và láng giềng Ethiopia tại miền đông châu Phi, đồng thời đang thúc đẩy các dự án đường sắt khác, bao gồm một dự án kết nối Kenya và Uganda.
“Hỗ trợ quốc tế cần được xem xét trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế như là tính minh bạch, cởi mở, và hiệu quả kinh tế, lưu tâm tới chi phí vòng đời cũng như nợ bền vững của những quốc gia tiếp nhận”, ông Kono cho biết.
Cuộc họp bộ trưởng tuần này, được đồng tổ chức bởi chính phủ Nhật Bản và các bên bao gồm Liên Hợp Quốc, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh TICAD lần thứ 7, được tổ chức vào tháng 8/2019 tại Yokohama, gần Tokyo.
Nhật Bản đã tổ chức TICAD lần đầu tiên vào năm 1993 tại Tokyo, do cựu Thủ tướng Morihiro Hosokawa chủ trì. Sự kiện này được coi là một nỗ lực của Nhật Bản trong việc trở thành một thành viên Hội đồng Bảo an thường trực Liên Hợp Quốc bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế châu Phi.
Tuy nhiên kể từ đó, sự nổi lên của Trung Quốc như người nắm vai trò chính trong viện trợ châu Phi đã làm thay đổi cục diện.
Lưu tâm tới sự đẩy mạnh hiện diện của Bắc Kinh tại lục địa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong Hội nghị TICAD cuối năm 2016 đã cam kết đầu tư 30 tỷ USD vào các quốc gia châu Phi trong 3 năm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết đầu tư cho châu Phi một gói 30 tỷ USD. (Ảnh: japan.kantei)
Kể từ khi ra mắt Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi năm 2000, Trung Quốc đã tiến tới đẩy mạnh viện trợ cho lục địa này. Bắc Kinh đã nhanh chóng “xuống tiền” bằng cách cho vay cũng như nhiều hình thức khác. Thông qua các cuộc họp được tổ chức 3 năm một lần Bắc Kinh đã cam kết rót 10 tỷ USD cho châu Phi năm 2009, sau đó là 20 tỷ USD vào năm 2012 và 60 tỷ USD vào năm 2015.
Tờ Nikkei cho hay, tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 9 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo và các quan chức hàng đầu các nước từ 53 quốc gia châu Phi rằng, gói 60 tỷ USD viện trợ mà Bắc Kinh hứa hẹn đã được chuẩn bị và đang thu xếp. Ngoài ra, ông Tập cũng công bố gói 60 tỷ USD khác trong vòng 3 năm tới.
Bên cạnh việc cạnh tranh với các khoản viện trợ của Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản còn lên kế hoạch tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, xây dựng các hệ thống chăm sóc sức khoẻ, đặt mục tiêu giành được sự ủng hộ rộng rãi giữa các nước châu Phi thông qua phương thức hỗ trợ phát triển kinh tế lành mạnh.