Hạn chế trong năng lực hậu cần khiến Mỹ khó phát động chiến dịch quy mô lớn trong thời gian dài ở các khu vực như châu Âu.
Mỹ đang liên tục tăng cường vũ khí, trang bị cũng như sự hiện diện quân sự ở châu Âu để đối phó với Nga, quốc gia bị Washington coi là một trong những đối thủ chiến lược. Tuy nhiên, quân đội Mỹ có thể gặp nhiều bất lợi do những hạn chế trong khâu hậu cần nếu một cuộc chiến tổng lực với Nga nổ ra tại châu Âu, theo Defense News.
“Năng lực hải vận của Mỹ hiện nay kém hơn nhiều so với thời Thế chiến II. Trong khi đó, ngành công nghiệp đóng tàu hiện nay cũng không thể chế tạo những tàu hậu cần cỡ lớn như trong thời kỳ cách đây hàng chục năm”, chuyên gia quân sự David B. Later đánh giá.
Mỹ đang sở hữu 46 tàu trong Lực lượng Dự bị Chiến đấu (RRF), đủ khả năng thực hiện chiến dịch vận tải quy mô lớn trong tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó là 15 tàu thuộc Bộ tư lệnh Hải vận và khoảng 60 tàu thương mại trong Chương trình An ninh Hàng hải, có thể được huy động cho quân đội khi khủng hoảng nổ ra.
Tuy nhiên, toàn bộ 46 tàu thuộc RRF đã trở nên lỗi thời và sắp hết niên hạn sử dụng, các kỹ sư phải vật lộn để duy trì hoạt động cho hệ thống động cơ lạc hậu của chúng. “24 trong 46 tàu của RFF sử dụng động cơ hơi nước với tuổi thọ trung bình là 43 năm. Chúng đang xuống cấp nghiêm trọng, cần đại tu tăng niên hạn hoặc thay mới”, giám đốc Cơ quan Hàng hải Mỹ Mark Buzby cho biết.
Điều này đòi hỏi bổ sung ngân sách cho Bộ tư lệnh Hải vận, trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang điều chỉnh chiến lược để hướng tới các hoạt động tác chiến quy mô lớn trong tương lai, sau 17 năm tập trung cho các xung đột quy mô nhỏ.
Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ xác định Nga và Trung Quốc là đối thủ hàng đầu. Quốc hội Mỹ cũng thúc đẩy các nỗ lực giúp hải quân sở hữu tàu hậu cần thế hệ mới, cải thiện khả năng chi viện trong các cuộc chiến tương lai.
Dù vậy, RFF vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết. Hải quân Mỹ sẽ phải chi rất nhiều tiền cho các con tàu chủ yếu neo đậu tại cảng, trong bối cảnh họ đang chật vật mua mới các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và chiến hạm mặt nước thế hệ mới.
Các tàu hàng trong biên chế RRF. Ảnh: US Navy. |
Hải quân Mỹ dự tính tăng tuổi thọ cho các tàu trong biên chế RFF, đóng tàu mới thay thế những chiếc quá cũ hoặc mua các tàu chở hàng đủ sức đáp ứng nhiệm vụ. Tuy nhiên, một con tàu đã qua sử dụng cũng có giá 75-100 triệu USD, chưa kể tới chi phí hoán cải và hiện đại hóa.
Lực lượng chi viện Mỹ cũng gặp vấn đề thiếu hụt nhân sự. Cơ quan Hàng hải Mỹ ước tính số nhân viên của họ hiện chỉ đủ vận hành lực lượng dự bị, không thể triển khai luân phiên trong các chiến dịch kéo dài.
“Chúng tôi thiếu khoảng 1.800 thủy thủ cho các chiến dịch dài hạn. Lực lượng hiện nay đủ để vận hành mọi tàu hậu cần cho các hoạt động tác chiến, nhưng sẽ cần huy động cả nước để đáp ứng yêu cầu luân chuyển lực lượng”, Buzby cho biết.
Các kỹ sư ngành động lực hàng hải mới tốt nghiệp tại Mỹ đều được đào tạo để vận hành và bảo dưỡng động cơ hơi nước, nhưng họ gần như không có cơ hội để thực hành với các hệ thống thực tế và chỉ có kinh nghiệm xử lý các động cơ diesel hiện đại.
“Hầu hết kỹ sư động cơ hơi nước lâu năm của chúng tôi đều đã ngoài 50 tuổi. Họ sẽ sớm nghỉ hưu”, Buzby cho biết.
Trong báo cáo gửi quốc hội Mỹ hồi tháng 3, Lầu Năm Góc ước tính khoảng 90% trang thiết bị của lục quân và thủy quân lục chiến sẽ được vận chuyển bằng đường biển khi nổ ra khủng hoảng.
“Nếu thực sự nghiêm túc về chiến lược cạnh tranh với các cường quốc, Mỹ cần khắc phục những yếu kém trong khâu hậu cần, nhất là năng lực hải vận, để duy trì hoạt động tác chiến quy mô lớn”, chuyên gia phân tích hải quân Jerry Hendrix nhấn mạnh.