Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDonald Trump tung “liên hoàn cước” 4 đòn tấn công toàn diện...

Donald Trump tung “liên hoàn cước” 4 đòn tấn công toàn diện TQ

Trong vòng chỉ một tuần vừa qua, chính quyền của ông Donald Trump đã liên tiếp tung đòn kiểu “liên hoàn cước” với Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng, Bắc Kinh đang lo ngại ông Trump đang trù tính thay đổi chính sách để “giải quyết về căn bản mối đe dọa của Trung Quốc”. Việc một tuần chính phủ Mỹ liên tiếp tiến hành 4 động thái lớn chính là thể hiện của điều này.

Việc ông Donald Trump một tuần liên tiếp tung ra 4 đòn tấn công khiến dư luận cho rằng ông đang trù tính thay đổi lớn về chính sách isd Trung Quốc

Ông Fred Kempe, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu nổi tiếng Atlantic Council hôm 6/10 đã phát biểu trên đài CNBC, cho rằng: Sau khi tiến hành một loạt nghiên cứu và kế hoạch, chính phủ Donald Trump đã hoạch định ra những đòn tấn công Trung Quốc một cách chính xác và toàn diện. Những hành động của Mỹ có liên quan đến mọi cơ quan chính phủ, từ Lầu Năm Góc tới Đại diện thương mại Mỹ. Những đòn thế tiến công này của Mỹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế và an  ninh toàn cầu, thậm chí qua nhiều thế hệ.

Fred Kempe nói, điều các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh lo ngại là việc ông Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc không chỉ là việc một nhà kinh doanh tìm kiếm thị trường cởi mở hơn, mà là Washington đang dự tính thay đổi chính sách để giải quyết triệt để các mối thách thức từ Trung Quốc. Hiện họ đã có được đáp án.

Một loạt những tuyên bố và hành động của chính phủ Donald Trump cho thấy ông tin rằng những người tiền nhiệm ông nhiều năm qua đã hành động quá ít trước những hành vi của Trung Quốc những năm qua như mậu dịch không công bằng, vi phạm quy tắc về mạng, tăng trưởng quân sự quá nhanh, phát triển công nghệ và những hậu quả tiềm tàng từ sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh.

Fred Kempe nói, 4 thông tin mà báo chí công khai tuần qua cho thấy nỗ lực mà chính phủ Donald Trump đưa ra để giải quyết các vấn đề trong quan hệ Mỹ – Trung là sâu rộng, nhiều tầng nấc. Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng, trong mấy tuần tới đây phía Mỹ sẽ còn có thêm nhiều động thái nữa.

Thứ nhất, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đã trở thành mối uy hiếp lớn đối với công nghiệp quốc phòng Mỹ

Ngày 5/10, Lầu Năm Góc công bố một bản báo cáo mới.Bản báo cáo này được soạn thảo theo yêu cầu của mệnh lệnh hành chính do ông Donald Trump đưa ra hồi năm ngoái. Báo cáo đã nghiên cứu việc Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa quân sự, chiến lược xâm lược kinh tế, chiến lược sức mạnh mềm và chiến lược chi tiêu phát triển quân sự; đồng thời xác định 300 lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến cung ứng vật liệu then chốt cho quân đội Mỹ. Một phát hiện quan trọng là Trung Quốc “đã gây thành mối nguy cơ lớn và ngày càng tăng” đối với việc cung ứng nguyên vật liệu cần thiết của quân đội Mỹ.

Báo cáo đặc biệt nhắc đến việc Trung Quốc khống chế các loại kim loại, kim loại đặc biệt, hợp kim và các vật liệu khác, bao gồm đất hiếm và nam châm vĩnh cửu. Trung Quốc khống chế đại bộ phận khoáng sản đất hiếm của toàn thế giới – loại khoáng sản được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị quốc phòng và an ninh.  

Chính phủ Donald Trump dự định sử dụng sách lược của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh thế giới thứ 2 để giải quyết  vấn đề “cổ bình” và những nhược điểm tiềm tại, như đầu tư hàng trăm triệu USD cho các công ty sản xuất vật tư quan trọng cho quân đội (ví dụ Nhôm, Thép, Wolfram và sợi thủy tinh).

Các biện pháp sẽ bao gồm nỗ lực xây dựng lượng dự trữ vật liệu hiếm và mở rộng năng lực của ngành chế tạo Mỹ; ví dụ loại pin Lithium nước biển rất quan trọng trong tác chiến chống tàu ngầm.

Thứ hai, phát biểu về chính sách với Trung Quốc của Phó tổng thống Mike Pence

Hôm 4/10, ông Mike Pence đã có bài phát biểu được đánh giá là “mang tính chất cột mốc” về chính sách đối với Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hudson. Ông Mike Pence đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc, cho rằng: “Trong 17 năm qua, GDP của Trung Quốc đã tăng gấp 9 lần; trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Phần lớn thành công này được thúc đẩy bởi đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng đã sử dụng một loạt các chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng, trong đó thuế quan, hạn ngạch, thao túng tiền tệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp được ban phát vô tội vạ chỉ là một phần trong số đó. Những chính sách này đã xây dựng nên các cơ sở sản xuất của Bắc Kinh, với hậu quả là tổn thất của các đối thủ cạnh tranh – đặc biệt là Mỹ.

Hành động của Trung Quốc góp phần vào thâm hụt thương mại với Mỹ mà năm ngoái đã lên đến 375 tỷ USD – gần một nửa thâm hụt thương mại toàn cầu của chúng ta. Như Tổng thống Trump vừa nói tuần này: Chúng ta đã tái thiết Trung Quốc trong 25 năm qua.

Hiện giờ, thông qua kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đã đặt mục tiêu kiểm soát 90% các ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, bao gồm robot, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Để giành được đỉnh cao trị vì nền kinh tế thế kỷ 21, Bắc Kinh đã chỉ đạo các quan chức và doanh nghiệp của mình thâu tóm tài sản trí tuệ Mỹ – nền tảng cho sự lãnh đạo kinh tế của chúng ta – bằng mọi phương tiện cần thiết.

Bắc Kinh hiện yêu cầu nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển giao bí mật thương mại của họ để đổi lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Họ cũng phối hợp và tài trợ cho việc mua lại các công ty Mỹ để giành quyền sở hữu sáng tạo của những công ty này. Tệ hại nhất là các cơ quan an ninh Trung Quốc đã chủ mưu”.

Ông cho rằng hành động của Trung Quốc với mưu đồ khuấy động dư luận Mỹ đã vượt qua Nga, trở thành mối đe dọa hàng đầu của nước Mỹ. Ông nói: “Như một thành viên cấp cao trong cộng đồng tình báo của chúng ta gần đây đã nói với tôi, những gì người Nga làm chẳng là gì cả so với những gì Trung Quốc đang làm trên khắp đất nước này”.

Mike Pence còn nêu rõ: “Các quan chức cấp cao Trung Quốc cũng đã cố gắng tác động đến để các nhà lãnh đạo kinh doanh lên án hành động thương mại của chúng ta, tận dụng mong muốn duy trì hoạt động của họ ở Trung Quốc. Trong một ví dụ gần đây, họ đe dọa sẽ khước từ cấp giấy phép kinh doanh cho một tập đoàn lớn của Mỹ nếu từ chối phát biểu chống lại chính sách của chính quyền chúng ta”.

Ông còn đề xuất: “Hy vọng khôi phục được quan hệ hữu hảo Mỹ – Trung như trước khi Trung Quốc xây dựng chính quyền (năm 1949)” và nhấn mạnh, Mỹ hy vọng Trung Quốc phồn vinh thịnh vượng, nhưng phải công bằng và cùng có lợi.

Có ý kiến cho rằng, bài diễn văn của ông Mike Pence là tiếng kèn báo hiệu cuộc chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung sắp bắt đầu khởi chiến. Giáo sư Nghê Lạc Hùng – một học giả về vấn đề quốc tế ở Học viện Chính Pháp Thượng Hải đã về hưu nói: “Cảm nhận lớn nhất của tôi là, Mỹ đã triệt để chơi bài ngửa với chúng ta”.

Thứ ba, Lầu Năm Góc sẽ rầm rộ tập trận vào tháng 11 tới

Hãng CNN dẫn nguồn tin của các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Hạm đội Thái Bình Dương đã soạn thảo một đề án bí mật, chuẩn bị vào tháng 11 tới sẽ triển khai hành động quân sự thể hiện vũ lực trong vòng 1 tuần, địa điểm ở Biển Đông và gần Eo biển Đài Loan. Ông Fred Kempe, người đứng đầu “Atlantic Council” cho rằng, hành động này là nhằm gửi tín hiệu cảnh cáo đến Trung Quốc và cũng là hành động uy hiếp, ngăn chặn tham vọng quân sự trong khu vực của Bắc Kinh.

Thứ tư, công bố hiệp nghị mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada

Hôm 1/10, Mỹ đã công bố về Hiệp nghị mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) được dư luận cho là hàm chứa ý đồ cô lập Trung Quốc. Trong văn bản của Hiệp nghị này quy định: “Nếu bất cứ thành viên tham gia hiệp nghị nào ký kết hiệp định gì với quốc gia phi kinh tế thị trường thì các nước thành viên còn lại có quyền rút khỏi Hiệp nghị”. Ông Fred Kempe cho rằng, “quốc gia có nền kinh tế phi thị trường” thực chất là nói tới Trung Quốc.

Từ cuối năm 2016 tới nay, Trung Quốc luôn ra sức yêu cầu các quốc gia phát triển Âu, Mỹ công nhận địa vị kinh tế thị trường của họ, nhưng do các nước này cực lực phản đối chính sách bán phá giá của Bắc Kinh nên đều công khai phản đối và từ chối thừa nhận tư cách địa vị kinh tế thị trường của họ.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, về lý luận mà nói, Hiệp nghị mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) mà chính phủ Donald Trump vừa công bố sẽ thay thế Hiệp nghị mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây. Nhưng điều 32.10 mới tăng thêm khiến bất cứ nước thành viên nào cũng phải suy nghĩ tính toán kỹ trước khi ký kết bất cứ hiệp định mậu dịch nào với Trung Quốc; đồng thời cũng có thể ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc mượn đường các nước láng giềng để tuồn vào Mỹ.

Ông Peter Navarro, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng hôm 2/10 khi trả lời phỏng vấn của Đài CBS cũng đã xác nhận điều này. Ông nói: “Một bộ phận nhỏ của Hiệp nghị là nhằm vào Trung Quốc”.

 Ông Fred Kempe cho rằng, việc ông Trump xây dựng lại mối quan hệ Mỹ – Trung cũng thể hiện các chuyên gia Mỹ có sự chuyển biến về tư tưởng đối với Trung Quốc. Đa số họ đã từ bỏ kỳ vọng trước đó về Trung Quốc; đó là, sự phát triển về kinh tế của Trung Quốc sẽ đem lại những sự thay đổi có thêm nhiều điểm tương đồng với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới