Tuesday, December 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhiều quốc gia bỗng 'giật mình hoảng sợ' vì quả đắng từ...

Nhiều quốc gia bỗng ‘giật mình hoảng sợ’ vì quả đắng từ vốn TQ

Mới đây Sierra Leone đã quyết định hủy bỏ dự án xây dựng một sân bay có tổng chi phí lên đến 318 triệu USD ở ngoại ô thủ đô Freetown. Dự án này có vốn đầu tư từ Trung Quốc và do một nhà thầu cũng từ nước này thực hiện.

Tuyến đường sắt ở Pakistan giờ đây đang cần được nâng cấp.

Theo hãng tin CNN, một đoạn trong bức thư của Bộ Vận tải và Hàng không Sierra Leone gửi tới giám đốc nhà thầu Trung Quốc nói rằng:

“Sau khi đã xem xét và nghiên cứu nghiêm túc, quan điểm của chính phủ chúng tôi đó là việc tiếp tục xây dựng sân bay mới khi sân bay hiện tại vẫn chưa hoạt động hết công suất là không hợp lý về mặt kinh tế”.

Trả lời phỏng vấn báo giới, bộ trưởng của bộ là ông Kabineh Kallon nói rằng sân bay hiện tại của thủ đô Sierra Leone sẽ được cải tạo lại. Ông cũng nói rằng mình “có quyền đưa ra quyết định tốt nhất cho đất nước”.

Sierra Leone không phải là quốc gia duy nhất tuyên bố khước từ khoản vay từ Trung Quốc để thực hiện những dự án lớn. Mới đây, Pakistan – một trong những quốc gia được coi là “đồng minh thân thiết nhất” của Trung Quốc cho biết họ đã cắt giảm 2 tỉ USD ngân sách của một dự án đường sắt do Trung Quốc đầu tư. Được biết, dự án đường sắt mang tên ML-1, được mệnh danh “Con đường Tơ lụa”, sẽ có chiều dài 1.872km và kết nối hai thành phố Karachi và Peshawar ở Pakistan.

Bộ trưởng Bộ Đường sắt Pakistan Sheikh Rasheed đã bày tỏ những quan ngại của chính phủ về mức độ nợ mà họ sẽ phải gánh chịu vì sự án này. “Pakistan là một quốc gia nghèo và không thể gánh được những khoản nợ lớn”, ông nói.

“Do đó, chúng tôi đã quyết định giảm bớt khoản vay từ Trung Quốc từ 8,2 xuống còn 6,2 tỉ USD”. Thậm chí ông còn nói rằng mặc dù Pakistan vẫn tiếp tục thực hiện dự án này, song ông muốn chi phí giảm thêm 2 tỉ USD nữa.

Động thái này đang cho thấy sự thay đổi về chính sách của chính phủ Pakistan dưới thời tân Thủ tướng Imran Khan. Chính phủ của ông tỏ ra không hài lòng với những điều kiện vay vốn của Trung Quốc và kêu gọi các nước thứ ba tham gia vào dự án này bất chấp việc Pakistan đang rất cần cải tạo lại hệ thống đường sắt đã xuống cấp của mình để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thực tế, những thỏa thuận mà chính quyền Pakistan tiền nhiệm đạt được với Trung Quốc đang khiến họ gặp nhiều vấn đề. Vài năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn sẽ đầu tư 60 tỉ USD vào kinh tế Pakistan, và nhiều người đã hi vọng rằng cơ sở hạ tầng của quốc gia này được cải thiện.

Thế nhưng, những gì mà Pakistan nhận được là những chi phí khổng lồ. Theo cây viết Mihir Sharma của hãng tin Bloomberg, việc xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) đã kéo theo chi phí nhập khẩu trang thiết bị và khiến tỉ lệ thâm hụt ngân sách quốc gia của Pakistan đã tăng 50% trong 2 năm đầu tiên thực hiện dự án. Pakistan không thể chi trả cho những khoản chi phí này và mặc dù Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính phần nào, song nước này vẫn cần sự viện trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Lý do tài chính cũng là nguyên nhân mà nhiều chuyên gia Malaysia dẫn ra sau khi nước này cũng tuyên bố hủy bỏ dự án xây dựng đường sắt và hai đường ống khí đốt có tổng chi phí là 55 tỉ ringgit (tương đương 13,23 tỉ USD) do Trung Quốc đầu tư vào giữa tháng 9 vừa qua.

Họ tin rằng dự án đường sắt này có chi phí quá đắt đỏ và sẽ không thúc đẩy hoạt động kinh tế của Malaysia, mặc dù họ thừa nhận rằng đây sẽ là một tổn thất lớn.

Cũng giống như Pakistan, chính phủ Malaysia do tân Thủ tướng Mahathir Mohamed đứng đầu nói rằng đất nước ông không đủ tài chính để hiện thực hóa những dự án nêu trên. Thêm vào đó, những điều khoản trong thỏa thuận với Trung Quốc cũng không mang lại lợi ích lớn cho Malaysia.

Đối với Sierra Leone, quốc gia Châu Phi này dưới thời Tổng thống Ernest Bai Koroma đã nợ Trung Quốc 224 triệu USD, trong số này 161 triệu USD đã xuất hiện chỉ riêng trong năm 2016. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống đương nhiệm Julius Maada Bio đã xem lại những thỏa thuận tài chính của người tiền nhiệm.

Tổng cộng, các nước Châu Phi đang nợ Trung Quốc 130 tỉ USD, những khoản tiền này chủ yếu được dùng cho các dự án giao thông, nhà máy điện và khai thác mỏ.

Trong bối cảnh đó, Mỹ đã cảnh báo các nước Châu Phi rằng “những hoạt động đầu tư tài chính gây hại của Trung Quốc” đang gây ra khối nợ khổng lồ đối với các nước đang phát triển, buộc IMF đang tìm cách viện trợ để khắc phục.

Chính sách “bẫy nợ công” này theo Mỹ có thể được Bắc Kinh sử dụng để buộc các quốc gia nào không có khả năng thanh toán nợ phải ký vào những thỏa thuận không có lợi.

Ví dụ, năm 2010 Trung Quốc đã đầu tư 1,5 tỉ USD để xây dựng cảng biển Sri Lanka, và khi đất nước này không trả được nợ và buộc phải bán lại cảng này cho một công ty chính phủ Trung Quốc với thời hạn 99 năm.

Dù vậy, một số nguyên thủ quốc gia Châu Phi đều đánh giá cao các khoản đầu tư của chính phủ Trung Quốc. “Trung Quốc đã trở thành một nhà đầu tư lớn ở lục địa chúng ta. Trong lúc chúng ta kêu gọi Trung Quốc mở rộng hoạt động đầu tư, chúng ta cũng cần khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Châu Phi”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa từng nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới