Với việc đầu tư của Trung Quốc vào Philippines mang tính nhỏ giọt không như cam kết, đồng thời Bắc Kinh vẫn đe dọa Philippines khi nước này thực hiện các cuộc tuần tra, giám sát trong khu vực, cùng với việc Mỹ có cam kết rõ ràng hơn với Manila so với thời của chính quyền tổng thống Obama đã khiến Philippines quay lại với Mỹ, theo AsiaTimes.
Sau khi nhậm chức tổng thống không lâu, ông Duterte đã có chính sách “thân” hơn với Trung Quốc và loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây.
Sau một giai đoạn tách rời nhau về mặt chiến lược, hiện Philippines và Mỹ lại quay lại cùng nhau một lần nữa.
Với việc tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi nỗ lực để lôi kéo các nước Đông Nam Á trong một chiến dịch nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Với việc tài trợ và bán vũ khí, Lầu Năm Góc đã đưa ra lời đề nghị nhiệt tình nhằm tái kết hợp với đồng minh của mình tại Manila.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện tại đang hiệu chỉnh lại những mối quan hệ của ông với Mỹ sau khi đã hạ thấp những mối ràng buộc với Mỹ trong một chính sách nghiêng về mặt thân thiện hơn trong các mối quan hệ với Trung Quốc. Người dân Philippines phản đối sự thay đổi này, tức giận vì Trung Quốc gia tăng khẳng định chủ quyền phi pháp trên các thực thể đang tranh chấp tại Biển Đông, rõ ràng khiến cho ông Duterte nhận ra là lại phải quay về phía Mỹ.
Trong khi ông Duterte không né tránh thái độ công kích phương Tây của mình, ông cũng không phản đối việc từ từ khôi phục quan hệ quốc phòng với Mỹ, trong cả việc đối mặt với mối đe dọa an ninh nội địa khi IS trỗi dậy tại hòn đảo Mindanao ở phía nam cũng như những đe dọa về an ninh hàng hải trên Biển Đông. Ông cũng gia tăng những chỉ trích về việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép những khu vực tranh chấp trên biển.
Trước đó, ông Duterte thường tán tụng Trung Quốc là một người bạn tin cậy trong sự phát triển của đất nước, cơ quan quốc phòng của ông vẫn giữ hoài nghi về những ý định của Trung Quốc và công khai ý muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, chia sẻ một hiệp ước phòng thủ chung.
Trong những tuần qua, chính quyền của tổng thống Trump đã chào hàng các vũ khí quân sự hiện đại, bao gồm cả máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ Lockheed Martin F-16, trực thăng chiến đấu và một gói tài trợ quốc phòng mở rộng có giá trị lớn nhất trong khu vực.
Washington cũng muốn cấp vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong gói 60 tỷ USD của chương trình BUILD (Khai thác hiệu quả hơn hoạt động đầu tư phát triển). Trước đó, Trung Quốc cũng hứa một khoảng 26 tỷ USD trong những giao dịch đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng vốn thực sự bỏ ra trong nhiệm kỳ của ông Duterte chỉ mang tính chất nhỏ giọt.
Với ý muốn sử dụng quyền lực mềm về mặt ngoại giao, Lầu Năm Góc đang thúc đẩy việc trả lại 3 quả chuông Balangiga – chiến lợi phẩm của Mỹ khi chiếm đóng đảo Samar thuộc đông Philippines từ năm 1901. Động thái này được coi như một cành ô liu với ông Duterte – người thường chỉ trích Washington vì không trả lại những quả chuông nhà thờ vốn được coi là biểu tượng kháng chiến chống thực dân của người Philippines và hành động xâm lược của Mỹ trên thuộc địa châu Á duy nhất của mình trước kia.
Trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines có đoạn: “Việc trả lại những quả chuông Balangiga biểu thị mạnh mẽ sự chân thành của người Mỹ trong việc trau dồi mối quan hệ lâu dài với người dân Philippines”. Những quả chuông này hiện đang được trưng bày tại căn cứ không quân F.E. Warren ở thành phố Cheyenne, bang Wyoming.
Những lời đề nghị thân thiện được xây dựng dựa trên chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới khu vực nơi ông gặp các lãnh đạo từ Singapore, Malaysia và Indonesia cũng như các bộ trưởng ngoại giao thuộc các nước ASEAN. Trong chuyến thăm, nhà ngoại giao Mỹ thông báo về một khoản tài trợ an ninh mới trị giá 300 triệu USD cho các đồng minh trong khu vực, tập trung vào hợp tác an ninh trên biển, cung cấp cho các nước Đông Nam Á đang có cạnh tranh với Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố về một quỹ huy động mới trị giá 117 triệu USD để tạo điều kiện cho những đầu tư công nghệ cao của Mỹ vào Đông Nam Á nhắm tới việc tạo ra những công việc “chất lượng”.
Quốc hội Mỹ cũng đang bàn thảo về đạo luật Sáng kiến Tái đảm bảo châu Á – một chương trình trị giá nhiều tỷ USD nhắm tới việc gia tăng sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chiến lược của Mỹ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc đang chịu trách nhiệm về mặt ngoại giao với Manila. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương Randall Shriver, trong chuyến thăm Philippines vào tháng 8 đã nhấn mạnh cam kết của chính quyền tổng thống Trump sẽ trợ giúp Philippines trong những vấn đề đang tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Chuyến thăm của ông trùng hợp với sự kiện ông Duterte lựa chọn sử dụng ngôn ngữ cứng rắn đối mặt với Trung Quốc, ám chỉ hai bên sẽ có thể có chiến tranh trong các vùng tranh chấp.
Chán nản vì những hành động quấy nhiễu không ngớt của Trung Quốc với các hoạt động giám sát trên biển của Philippines, ông Duterte cảnh báo Trung Quốc đã sử dụng những “từ ngữ khó chịu” để hăm dọa không quân Philippines tuần tra trong khu vực. Ông nói: “Các ông không thể tạo ra những hòn đảo tại đó [đảo nhân tạo phi pháp] và rồi tuyên bố yêu sách chủ quyền [tại các vùng vẫn đang tranh chấp] trên biển”.
Thay vì ngôn ngữ mơ hồ từ thời chính quyền tổng thống Barack Obama, nay ông Shriver nói rõ ràng rằng Washington sẽ là “một đồng minh tốt” và “giúp Philippines đáp trả thích hợp” với những mối đe dọa với chủ quyền và những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Rất nhiều người tại Philippines đã thất vọng vì Mỹ không giữ một vị trí cứng rắn hơn trong cuộc đối đầu hải quân năm 2012 với Trung Quốc trên khu vực bãi cạn Scarborough nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này trong khi Mỹ chỉ đứng nhìn bỏ mặc hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Manila.
Ngược lại, trong chuyến thăm Philippines của mình, ông Shriver đã nói thẳng về những gì Washington hiện coi là mối đe dọa chính trong khu vực, rằng Washington “sẽ không cho phép [Trung Quốc] viết lại luật của những tuyến đường hay thay đổi luật lệ quốc tế”.
Đầu năm nay, Hải quân Mỹ lần đầu đưa một tàu chiến thực thi hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) gần khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền, bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang kiểm soát. Mỹ cũng điều các tàu sân bay để thực hiện các chuyến thăm hữu nghị tới cảng của Philippines. Đáng chú ý hơn, hai đồng minh tiếp tục cuộc tập trận chung Balikatan hay “Vai kề vai” tại Biển Đông, cuộc tập trận với 8.000 lính cùng các bài tập đổ bộ.
Sau khi nhậm chức tổng thống không lâu, ông Duterte đã đe dọa sẽ “tống cổ” lực lượng đặc biệt của Mỹ thường luân chuyển đóng quân trên đảo Mindanao kể từ năm 2011, không tập trận chung trên Biển Đông, giảm và di chuyển địa điểm tập trận Balikatan khỏi những vùng đang tranh chấp với Trung Quốc.
Tất cả những quyết định trên là một phần trong thỏa thuận lớn với Bắc Kinh, hứa hẹn những lợi ích về kinh tế trên diện rộng và chấm dứt những đe dọa trực tiếp với quân đội và nhân sự Philippines đang ở trên những đảo chiếm đóng Philippines trên Biển Đông.
Trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ tổng thống, ông Duterte vẫn chưa thấy đầu tư cụ thể trên diện rộng của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tiếp tục quấy nhiễu quân đội và các hoạt động giám sát của Philippines trong khu vực. Điều này đã cung cấp cho Washington một cơ hội để xây dựng lại quan hệ với một đồng minh vốn đã trở nên “ghẻ lạnh” gần đây.
Vào cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa một quan chức cấp cao tới Philippines để nhấn mạnh những cam kết về mặt ngoại giao với đồng minh lâu đời nhất trong khu vực. Trong chuyến thăm Manila, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas tuyên bố về khoản trợ giúp tài chính thường niên dành cho quân sự nước ngoài FMF lớn nhất với Philippines – trị giá 1/5 (60 triệu USD) trên tổng số 300 triệu USD tài trợ an ninh được tuyên bố bởi ông Mike Pompeo hồi đầu tháng.
Quan chức Mỹ nói rằng khoảng trợ cấp này được đưa ra với “sự công nhận về quan hệ đối tác lâu dài mà chúng tôi có với Philippines trên mặt trận an ninh” và sẽ bao gồm “nhận thức trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình và hàng hải” giữa các lĩnh vực an ninh khác. Ông Douglas và một cố vấn cấp cao của ông Pompeo nói rằng chính quyền của tổng thống Trump rất muốn cải thiện quan hệ với Philippines theo một cách toàn diện bao gồm cả việc huy động vốn tư nhân của Mỹ để đầu tư “chất lượng cao” tại Philippines bao gồm cả những đầu tư thông qua chương trình BUILD.
Họ cũng cho thấy các quan chức cấp cao của Mỹ nhận ra những thiếu sót của chính quyền trước đây trong việc nhận thức được những gì Philippines cần để có những đảm bảo chiến lược mạnh mẽ hơn, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.