Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThời Tổng thống Trump – Thời bế tắc nhất của TQ

Thời Tổng thống Trump – Thời bế tắc nhất của TQ

Kể từ khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại, Trung Quốc dường như chưa có một ngày yên ổn. Sau bảy tháng trải qua cuộc chiến trên mặt trận không tiếng súng, căng thẳng Mỹ – Trung không hề có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ dường như đã thách thức mọi tham vọng mà Trung Quốc đặt ra, từ kế hoạch Made in China 2025, Vành đai – Con đường cho đến hành vi tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.

“Hành vi của Bắc Kinh cần được điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự và chính trị”, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã thẳng thừng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/10.

Cố vấn An ninh Quốc gia John BoltonCố vấn An ninh Quốc gia John Bolton tại Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 8 năm 2018. (Ảnh: Mark Wilson / Getty Images)

Dõi theo dòng sự kiện diễn ra nhiều ngày qua, có thể nhận thấy rõ ràng sự tăng tốc đầy kịch tính của chính quyền Trump trong cuộc tấn công nhắm thẳng vào Trung Quốc.

Trong một bài viết đăng trên tờ CNBC ngày 6/10, ông Fred Kempe, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu nổi tiếng Atlantic Council nhận định, sau khi tiến hành một loạt nghiên cứu và kế hoạch, chính phủ Donald Trump đã hoạch định ra những đòn tấn công Trung Quốc một cách chính xác và toàn diện.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền Trump đã tung “bốn chiêu liên hoàn” nhắm vào Trung Quốc, bao gồm: bài phát biểu vạch rõ mối quan hệ với Trung Quốc của Phó Tổng tống Mike Pence ngày 4/10; báo cáo của Lầu Năm Góc xem Trung Quốc là mối uy hiếp lớn đối với công nghiệp quốc phòng Mỹ; hiệp định thương mại ba bên Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), với điều khoản “cấm chơi” với Trung Quốc; và kế hoạch tập trận trong tháng 11 ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng, trong mấy tuần tới đây phía Mỹ sẽ còn có thêm nhiều động thái nữa.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc mít tinh Make America Great Again tại Tampa, Florida vào ngày 31 tháng 7 năm 2018. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc mít tinh Make America Great Again tại Tampa, Florida vào ngày 31 tháng 7 năm 2018. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)

Ông Kempe cho hay, cuộc tấn công rõ ràng và toàn diện nhất của chính quyền Trump nhắm vào Trung Quốc không phải là một ý tưởng nhất thời, nó là một chương trình kéo dài “hàng ngàn giờ” nghiên cứu và lập kế hoạch, theo cách gọi của giới chức Hoa Kỳ. 

Đó sẽ một kế hoạch huy động toàn chính phủ Hoa Kỳ, không bỏ sót một đơn vị nào, từ Lầu Năm Góc cho đến Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Và mục tiêu đặt ra không chỉ là trước mắt mà còn là tiềm tàng cho các vấn đề kinh tế và an ninh toàn cầu về sau.

Giới chức Bắc Kinh vốn đã lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump, với chính sách thuế quan của mình, không đơn giản chỉ là một thương nhân tìm kiếm thỏa thuận đòn bẩy có lợi cho thị trường nước nhà. Hơn thế, họ nghi ngại có một sự thay đổi đang diễn ra ở Washington nhằm giải quyết cơ bản những thách thức từ Trung Quốc.

Và giờ thì Trung Quốc đã có lời giải đáp cho nghi vấn của họ.

Tổng thống Mỹ Donala Trump tới thăm Trường cao đẳng quân sự Thành phố Nam Carolina năm 2016. (Ảnh: Getty Images)

Phía sau một loạt các tuyên bố và hành động của chính quyền Trump là nét vẽ tô đậm một niềm tin sâu sắc rằng những người tiền nhiệm của ông Trump đã quá dung túng Trung Quốc suốt những năm qua, họ đã có quá ít hành động để chống lại những hành vi giao dịch không công bằng, tấn công mạng, củng cố quân sự, phát triển công nghệ, và những hậu quả chiến lược cơ bản của sáng kiến Vành đai – Con đường.

Ông Bolton cho biết Tổng thống Donald Trump tin rằng Trung Quốc đã lợi dụng trật tự quốc tế quá lâu trong khi có quá ít người Mỹ dám đứng lên chống lại thực tế. “Bây giờ là lúc để làm điều đó”, ông Bolton tuyên bố.

Quan hệ Mỹ – Trung – “quỹ đạo đối kháng mạnh mẽ”

Ngày 8/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Bắc Kinh và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, trái với không khí cần có trong một lễ nghi ngoại giao thông thường, cuộc gặp giữa hai nhà ngoại giao cấp cao diễn ra trong không khí lạnh giá và căng thẳng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 8/10. (Ảnh: AFP)

Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Pompeo, ông Vương trực tiếp buộc tội Mỹ leo thang căng thẳng thương mại, gây rắc rối về Đài Loan và chỉ trích một cách vô lý chính sách trong và ngoài nước của Trung Quốc.

“Chúng tôi yêu cầu Mỹ ngừng hành động sai lầm này lại” – ông Vương nói. Đáp lại, ông Pompeo nói Mỹ có một “sự bất đồng cơ bản” với Bắc Kinh về các vấn đề mà ông Vương đề cập. 

Chuyến thăm chớp nhoáng chỉ 3 giờ đồng hồ của ông Mike Pompeo diễn ra đúng lúc quan hệ Trung – Mỹ đang rất căng thẳng.

Trước đó ngày 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có một bài phát biểu mang tính bước ngoặt tại Viện Hudson, nhấn mạnh Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ, hơn cả Nga, về cả phạm vi và mức độ hoạt động ở cả trong và ngoài nước Mỹ.

Bài phát biểu của ông Pence cũng cho thấy chiến lược mới của Mỹ, chuyển từ hợp tác sang đối đầu với Trung Quốc, buộc tội Bắc Kinh phá hỏng lợi ích của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Bài diễn văn của Phó Tổng thống Mike Pence được coi là “mang tính bước ngoặt” về chính sách đối với Trung Quốc (Ảnh: AP)

Tuy cuộc trao đổi giữa ông Pompeo và ông Vương Nghị hàm chứa những lời lẽ ngoại giao khách sáo điển hình, hai người đều nhấn mạnh tính cần thiết của việc hợp tác, nhưng những lời lẽ của họ với giới báo chí trước khi bắt đầu hội đàm tại nhà khách Điếu Ngư Đài lại bộc lộ sự gay gắt khác thường.

Tờ VOA dẫn lời ông Victor Cha, Giáo sư Đại học George Town, cựu Chủ nhiệm Ủy ban sự vụ châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nhận đinh: “Tôi cho rằng thái độ giận dữ mà ông Vương Nghị bộc lộ đã chứng tỏ sự bất an của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại. Họ luôn cho rằng Mỹ sẽ ngừng tay. Nhưng rõ ràng đó không phải là điều Mỹ đang làm”.

Ông dự đoán quan hệ Mỹ – Trung đang đi vào “quỹ đạo có tính đối kháng mạnh mẽ”, chí ít kéo dài đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới, thậm chí còn lâu hơn.

Nền kinh tế “nói một đường làm một nẻo” và nguy cơ bị cô lập

Kinh tế Trung Quốc tuần qua diễn ra trong không khí ảm đảm, in đậm thêm những sụt giảm được ghi nhận trước đó.

Trong Sách Trắng 71 trang công bố vào tháng 9, Bắc Kinh nhấn mạnh nền kinh tế nước nhà đang “rất kiên cường” và Bắc Kinh không sợ cuộc chiến thương mại với Mỹ!

Thế nhưng, một ngày trước cuộc gặp giữa ông Pompeo và ông Vương Nghị, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có hành động mà theo tờ CNBC là “nói một đằng, làm một nẻo” khi cắt giảm mạnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc

Hành động này nhằm bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính, giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối lo về tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế từ cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.

chien tranh thuong mai trung quoc noi mot dang lam mot neoTrụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: CNN)

Giới phân tích cho rằng động thái của PBOC cho thấy tình hình của Trung Quốc có lẽ không lạc quan như những gì họ tuyên bố: “Trung Quốc có thể đang phải đối mặt với tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, nhà phân tích Fraser Howie nhận định.

Theo các chuyên gia, một cuộc chiến thương mại kéo dài cùng với việc kinh tế Mỹ đang mạnh lên có thể dẫn tới làn sóng rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện những bước đi để tránh luồng tiền khổng lồ bị rút khỏi hệ thống tài chính nước này.

“Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và bạn sẽ thấy chính phủ nước này chủ động hơn trong việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng”, nhà phân tích Cindy Ponder-Budd thuộc công ty nghiên cứu View from the Peak nhận định.

Đà tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc trong những năm trước đang chậm lại dưới thời Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)

Tuy vậy, quyết định của PBOC đưa ra vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh có vẻ không đủ trấn an giới đầu tư. Thị trường chứng khoán Trung Quốc hứng chịu phiên hậu nghỉ lễ tồi tệ chưa từng thấy trong 10 năm qua khi mở cửa hôm 8/10.

Trái với lệ thường là chứng khoán Trung Quốc hay tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ, các chỉ số quan trọng lại sụt giảm mạnh. Chỉ số CSI 300 chốt phiên 8-10 giảm 4,3%, Shanghai Composite Index mất 3,7%… trong khi đồng nhân dân tệ mất giá 0,5% so với USD, xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 8.

Không dừng lại ở đó, kinh tế Trung Quốc còn đang phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập khi Mỹ vừa đạt được thỏa thuận thương mại mậu dịch tự do ba bên với Mexico và Canada (USMCA) với điều khoản quy định rằng nếu một trong những đối tác trong hiệp định tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước “phi thị trường” như Trung Quốc, thì phải thông báo cho những quốc gia khác 3 tháng trước khi tham gia vào các cuộc đàm phán đó.

Hiệp nghị mậu dịch tự do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) được dư luận cho là hàm chứa ý đồ cô lập Trung Quốc. Trong ảnh, từ trái qua là Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Bộ trưởng Kinh tế Mexico và Đại diện thương mại Mỹ (Ảnh: AFP/Getty Images)

Đồng thời, hai quốc gia còn lại có thể rút khỏi hiệp định và hình thành hiệp ước thương mại song phương của riêng họ, tức loại bỏ nước kia ra khỏi hiệp định.

Điều khoản này được cho là phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng Canada hoặc Mexico làm “cửa hậu” để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.

Tờ Reuters dẫn lời ông Derek Scissors, một học giả Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nói rằng điều khoản này đã cho phép chính quyền Tổng thống Trump có quyền phủ quyết hiệu quả đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Canada hay Mexico với Trung Quốc.

Nếu điều khoản này được lặp lại trong các cuộc đàm phán khác của Hoa Kỳ với Liên minh châu Âu và Nhật Bản, nó có thể khởi tác dụng cô lập chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Kịch bản Vành Đai – Con Đường đang nguy kịch

5 năm sau khi được khởi xướng, sáng kiến “Vành Đai, Con Đường” của Trung Quốc đã vươn đến 65 quốc gia nhưng đi kèm đó là những chỉ trích về tính minh bạch và bền vững, tờ South China Morning Post (SCMP) bình luận.

Những thay đổi trong môi trường chiến lược cuối cùng đã khiến các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tự vấn lại về triển vọng của đại sáng kiến “Vành Đai, Con Đường”.

SCMP dẫn lời một nguồn tin thân cận cho biết cảm giác nghi ngại rõ đến nỗi trong một cuộc họp hồi đầu năm nay, Chủ tịch Tập đã yêu cầu các quan chức phụ trách triển khai sáng kiến phải báo cáo cho ông về những nguy cơ mà nhiều dự án đang đối mặt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Trong lúc các quan chức đang định gây ấn tượng trước ông bằng việc miêu tả tiến độ của chương trình, chủ tịch Trung Quốc đã cắt ngang lời họ và yêu cầu thông tin về các nguy cơ và khó khăn của chiến lược này.

Bên trong Trung Quốc, sáng kiến “Vành Đai, Con Đường” làm dấy lên quan ngại và ngờ vực về chuyện nó có thể cải thiện hệ thống phúc lợi của họ.

Ngoài thế giới, chiến lược này phải đối mặt với những lời cáo buộc dùng hình thức ngoại giao “bẫy nợ” đề gài các nước nhỏ hơn và tăng cường sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Lo sợ phải chịu chung số phận với Sri Lanka, khi phải nhượng quyền sở hữu cảng Hambantota cho Trung Quốc trong 99 năm vì không trả nổi nợ, các nước đang bắt đầu xem xét lại dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước họ.

Cảng Hambantota của Sri Lanka trở lại biểu tượng cho hậu quả của những khoản vay thuộc sáng kiến Vành Đai, Con Đường. (Ảnh: Reuters)

Đơn cử, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy bỏ các dự án khổng lồ có vốn Trung Quốc ở nước này như công trình đường sắt 20 tỷ USD và 2 đường ống dẫn dầu trị giá 2,3 tỷ USD. Pakistan cũng xem xét cắt giảm 2 tỷ USD trong dự án đường sắt với Trung Quốc vì lo ngại khoản nợ lớn.

BBC ngày 10/10 đưa tin, Sierra Leone quyết định hủy dự án xây sân bay quốc tế Mamamah có vốn đầu tư 318 triệu USD với Trung Quốc, đánh dầu lần đầu tiên một chính phủ châu Phi hủy dự án lớn được Trung Quốc tài trợ và công bố rộng rãi.

Thách thức sẽ không dừng lại trên Biển Đông

Tuần trước, Trung Quốc đã phải đối mặt với áp lực nặng nề khi các nước liên tục điều tàu chiến tới Biển Đông, nhằm thách thức hành vi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. Với kế hoạch điều quân của Mỹ trong tháng 11, sức ép nhắm vào Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

CNN ngày 3/10 dẫn nguồn giới chức quân sự Mỹ cho hay, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đã chuẩn bị một đề xuất mật nhằm thực hiện một cuộc phô trương sức mạnh toàn cầu, như một lời cảnh báo gửi tới Trung Quốc và cho thấy nước Mỹ sẵn sàng ngăn chặn, cũng như đối phó với những động quân sự từ phía họ.

Các tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan thực hiện các hoạt động diễn tập nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương. (Ảnh: US Navy)

Theo kế hoạch, Hải quân Mỹ đề xuất đưa tàu chiến và máy bay vào gần khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông và eo biển Đài Loan để thực hiện hoạt động tự do hàng hải, nhằm thể hiện quyền di chuyển tự do trong vùng biển quốc tế.

Mục tiêu là tổ chức một loạt tập trận tập trung với các tàu chiến, máy bay chiến đấu và binh lính để thể hiện rằng Mỹ có thể đối phó với các đối thủ tiềm tàng một cách nhanh chóng trên vài mặt trận.

Nỗ lực gián điệp khiến cả thế giới quay lưng

“Theo nhiều cách, Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, phức tạp nhất và là quốc gia có chiến dịch phản gián lâu dài nhất tại Mỹ”, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray phát biểu trong phiên điều trần hôm 10/10 trước các thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban An ninh Nội địa.

“Nga đang phải đấu tranh bằng nhiều cách để tiếp tục trụ lại sau khi Liên Xô tan rã. Đất nước này đang chiến đấu trong cuộc chiến hôm nay. Còn Trung Quốc đang chiến đấu cho cuộc chiến ngày mai”, ông Wray trả lời khi được yêu cầu so sánh sự nguy hiểm của Nga và Trung Quốc đối với Mỹ.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray /// Ảnh: ReutersGiám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray (Ảnh: Reuters)

Cũng trong tuần này, một điệp viên Trung Quốc tìm cách lấy cắp bí mật thương mại từ các công ty hàng không của Mỹ đã bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, các quan chức liên bang cho hay. Người đàn ông bị bắt giữ là Yanjun Xu, được xác định trong các giấy tờ tòa án là một phó trưởng phòng trong Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Vụ dẫn độ ông Xu là một động thái “chưa từng có” và “cho thấy chính phủ Trung Quốc giám sát trực tiếp hoạt động gián điệp kinh tế chống lại Hoa Kỳ”, tờ Fox News trích lời ông Bill Priestap, thuộc bộ phận Phản gián của FBI.

Reuters ngày 11/10 đưa tin, liên minh tình báo Five Eyes gồm 5 nước, Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ đang cùng hợp tác để trao đổi các thông tin bí mật liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài, cũng như các quốc gia có tư tưởng tương tự từ hồi đầu năm nay.

Các quan chức 5 nước thành viên liên minh Five Eyes nhóm họp tại Úc hồi cuối tháng 8 qua. (Ảnh: Twitter)

“Các cuộc thảo luận với đồng minh về cách phản ứng với chiến lược quốc tế của Trung Quốc diễn ra thường xuyên và đang tạo ra nhiều hiệu ứng. Mở đường cho những cuộc đối thoại chi tiết hơn và quan hệ hợp tác lớn hơn trong tương lai”, một quan chức từ Mỹ cho biết vào hôm 12-10.

Sự tăng cường hợp tác của Five Eyes cho thấy, mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố ông sẵn sàng một mình chống lại Trung Quốc, nhưng các thành viên trong chính quyền Washington lại vẫn cố gắng kêu gọi đồng minh cùng chống lại Bắc Kinh.

Ngoài ra, nó cũng chứng minh sự thất bại của Trung Quốc trong việc thuyết phục các nước phương Tây cùng chống lại chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.

RELATED ARTICLES

Tin mới