Mối quan hệ Trung-Mỹ tồn tại sự mâu thuẫn mang tính kết cấu và chiến tranh thương mại là một trong những nút thắt quan trọng trong chuỗi mâu thuẫn đó.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung. Ảnh: Reuters
Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, sau bài phát biểu chỉ trích gay gắt Trung Quốc mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì thái độ của giới chức Bắc Kinh đối với chiến tranh thương mại đã dần trở nên rõ ràng hơn.
Thứ nhất: Mâu thuẫn mang tính kết cấu
Đối với giới chức Bắc Kinh, sự mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ không đơn thuần là thâm hụt thương mại như Tổng thống Donlad Trump cáo buộc, cũng không thuần túy là xung đột về ý thức hệ mà một số nhân vật “diều hâu” Mỹ tuyên bố. Đội ngũ quan chức cấp cao Trung Quốc luôn có nhận thức rõ ràng về cấu trúc của sự mâu thuẫn song phương.
Họ cho rằng, sự khác biệt về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa lịch sử, tính cách dân tộc đã khắc họa nên sự va chạm giữa hai nền văn minh. Trong logic của người Mỹ, họ tự cho mình là lãnh tụ của “thế giới tự do”, người đặt ra các quy tắc, quy phạm và chuẩn mực quốc tế…
Rõ ràng, với một Trung Quốc đang trỗi dậy, họ không thể chấp nhận thái độ đó. Ngày nay, khi Mỹ và Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ hai thế giới, Mỹ đang cảm thấy áp lực bị Trung Quốc vượt lên, điều này khiến mâu thuẫn có tính kết cấu càng trở nên nổi bật hơn.
Bắc Kinh hiểu rõ rằng, phía sau cuộc chiến thương mại song phương cũng như các cuộc xung đột trên các lĩnh vực khác, thực chất là mâu thuẫn giữa hai nước.
Vì vậy, họ không giải quyết riêng rẽ xung đột thương mại với các vấn đề khác, bởi Bắc Kinh có thể nhượng bộ ở một vấn đề đơn lẻ nhưng với mâu thuẫn có tính kết cấu thì dù nhượng bộ trong xung đột thương mại cũng không có khả năng giải quyết được vấn đề cốt lõi của mâu thuẫn song phương.
Thứ hai: Mâu thuẫn đã tới đỉnh điểm bùng phát
Giới chức Trung Quốc cho rằng, mâu thuẫn Trung-Mỹ đã tích lũy từ rất lâu. Sau khi Trung Quốc tiến hành mở cửa cải cách, tuy hai nước thành công trong thiết lập quan hệ ngoại giao và trở thành đối tác hợp tác của nhau nhưng sự tích lũy mâu thuẫn vẫn tiếp tục.
Đặng Tiểu Bình từng nói, “quan hệ Trung-Mỹ tốt cũng không tốt đến mấy, xấu cũng không xấu đến mấy”, ý chỉ Trung-Mỹ cùng tồn tại trong mâu thuẫn, biểu hiện biến thiên của “tốt-xấu” chính là quá trình của tích lũy và bùng phát mâu thuẫn.
Hiện nay, Nhà Trắng đe dọa sẽ tăng thuế đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc, thắt chặt đầu tư nước ngoài thông qua luật pháp, tăng cường trao đổi với Đài Loan. Các văn kiện như Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia, Báo cáo chiến lược quốc phòng… của Mỹ đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, định vị Bắc Kinh là cường quốc xét lại và bài phát biểu của ông Pence càng làm sáng tỏ quan điểm này.
Trung Quốc hiểu rõ rằng, sự tích lũy mâu thuẫn không ngừng gia tăng trong 30 năm qua phần lớn xuất hiện trong các vấn đề thương mại, Tây Tạng, Tân Cương… Những mâu thuẫn này sẽ có ngày tập trung bùng phát, không sớm thì muộn và không thể tránh khỏi.
Và thời điểm đó đã tới. Nút thắt này không phải xuất phát từ chính sách của chính phủ Mỹ hay cá nhân Tổng thống Trump, cũng không hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ sự tồn tại lâu dài của phái “diều hâu” Mỹ.
Mối quan hệ Trung-Mỹ đang đối diện với thời điểm lịch sử, bất luận chiến tranh thương mại hay xung đột trong các lĩnh vực khác, xét cho cùng chúng đều sẽ trở thành một cuộc chiến lâu dài về mọi phương diện, đòi hỏi sức mạnh và sự nhẫn nại.
Thứ ba: Chờ núi lửa phun hết
Sự bất mãn và chỉ trích của Mỹ hiện nay đối với Trung Quốc có thể được mô tả như một vụ phun trào núi lửa. Từ vấn đề vốn, doanh nghiệp đến du học sinh, chuyên gia nghiên cứu, thậm chí đội ngũ quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc đều bị Mỹ đe dọa trừng phạt.
Thái độ của Bắc Kinh hiện nay chính là để “núi lửa phun hết”, để cho tất cả mọi mâu thuẫn giữa hai nước lộ ra rồi mới giải quyết.
Ngày 8/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Trung Quốc nhưng không gặp được Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc Thủ tướng Lý Khắc Cường, chỉ lưu lại Bắc Kinh vỏn vẹn 3 giờ đồng hồ có thể cho thấy, hai bên đều nhận ra rằng, trong bối cảnh hiện tại, hai nước không có cơ sở để đàm phán.
Tuy nhiên, cuộc tiếp xúc của Ngoại trưởng Mỹ với người đồng cấp Vương Nghị và Chủ nhiệm Văn phòng ủy ban công tác đối ngoại trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì lại chứng tỏ, hai bên dường như lại không muốn đóng kín cánh cửa đối thoại.
Có thể Bắc Kinh cho rằng, sự tập trung bùng phát mâu thuẫn song phương hiện mới chỉ bắt đầu nhưng mục đích cuối cùng của nước Mỹ vẫn là đàm phán với Trung Quốc, nhận được sự thỏa hiệp lớn nhất của Bắc Kinh.
Trong khi những hành động của Trung Quốc lại là, một mặt tiếp tục phát triển theo chiến lược đã đề ra, mở cửa cải cách theo chiều sâu, một mặt đưa ra phản ứng phù hợp đồng thời giữ bình tĩnh và ổn định, im lặng chờ cơ hội đàm phán.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời các vấn đề liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ luôn nhấn mạnh, cánh cửa đàm phán luôn được mở ra nhưng các cuộc đàm phán phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Nói cách khác, sự tức giận và bất mãn hiện nay của Mỹ sẽ dịu lại khi Trung Quốc không làm gì, giống như ngọt núi lửa sẽ tắt ngấm sau khi phun trào. Vào thời điểm đó, các cuộc đàm phán Trung-Mỹ có thể được tiến hành trong bầu không khí bình tĩnh.