Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cho thấy quyết tâm tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông và đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, bên cạnh các hoạt động trên thực địa như triển khai máy bay, tàu chiến thì mới đây trên diễn đàn song phương bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 27/9, Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy hợp tác cùng ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực và Biển Đông.
“Mỹ tiếp tục cam kết ủng hộ luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông”
Ngày 27/9 vừa qua, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73 tại New York (Mỹ), Mỹ và ASEAN đã tổ chức hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan và lãnh đạo ASEAN đồng chủ trì. Sau hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sullivan khẳng định Mỹ vẫn luôn duy trì mối Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – ASEAN. “Chúng tôi tái khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ – ASEAN và thảo luận về cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do với ASEAN là trọng tâm, trong đó các quốc gia độc lập với những nền văn hóa và nguyện vọng khác nhau có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong môi trường tự do và hòa bình”, Thứ trưởng Sullivan nói với các phóng viên sau cuộc họp với các Bộ trưởng ASEAN. Ông Sullivan cho biết trong cuộc họp, Mỹ đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Các thành viên tham gia cuộc họp đều thừa nhận có những tuyên bố tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Tất cả những gì mà các nước thành viên ASEAN và Mỹ trông đợi đó là, một giải pháp cho các tuyên bố chồng lấn trên Biển Đông không thể do một quốc gia đơn phương đưa ra, mà phải tuân thủ theo quy tắc của luật pháp quốc tế”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh. “Việc chúng tôi phản đối những gì mà chính phủ Trung Quốc đã làm trên Biển Đông không phải bởi chúng tôi muốn khẳng định Trung Quốc có hay không có tuyên bố chủ quyền với một thực thể cụ thể nào đó trên Biển Đông. Chúng tôi muốn luật pháp quốc tế phải được thực thi và luôn bảo đảm cho một tiến trình hòa bình. Không một quốc gia nào được đơn phương quyết định trong việc giải quyết những tuyên bố tranh chấp này”, Thứ trưởng Mỹ Sullivan cho biết thêm.
“Không quốc gia nào được phép tiến hành các hành động đơn phương trên Biển Đông”
Ngoài phiên họp đa phương với ASEAN, Thứ trưởng Sullivan cũng đã có các cuộc gặp song phương với đại diện các nước thành viên của ASEAN, qua đó khẳng định không quốc gia nào được phép tiến hành các hành động đơn phương trên Biển Đông. Hãng tin Reuter trích lời Thứ trưởng Sullivan: “Tôi muốn nói rằng chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận về một cam kết chung của ASEAN và Mỹ đối với việc thực thi các luật lệ, công ước luật biển và đó chính là những yếu tố giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Không một quốc gia nào được phép có những hành động đơn phương nhằm phát triển các thực thể trên Biển Đông, hoặc tệ hơn là quân sự hóa các thực thể đó”. Mỹ từng nhiều lần công kích các tuyên bố và hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí huỷ lời mời Bắc Kinh tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới trong năm nay. Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ không được tham gia RIMPAC cho đến khi nước này “dừng tất cả các hoạt động cải tạo trên Biển Đông” và “đưa toàn bộ vũ khí ra khỏi các khu vực cải tạo”. Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 27/9 thông báo các máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam đã bay qua Biển Đông hôm 26/9. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đây là một phần “hoạt động thường kỳ nhằm nâng cao năng lực tương tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực”. Khi được hỏi liệu các hoạt động của B-52 trên Biển Đông có khiến căng thẳng Mỹ – Trung leo thang hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định đây là các hoạt động bình thường của quân đội Mỹ, cũng như việc Mỹ đưa các tàu đi qua Biển Đông.
Sự hiện diện liên tục của các nước ở Biển Đông
Trong vụ việc mới nhất, Mỹ ngày 30/9 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đi qua quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm thực hiện chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Tàu USS Decatur đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và Gạc Ma trong chiến dịch tuần tra kéo dài 10 giờ đồng hồ. Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Charles Brown cho biết tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã ngay lập tức tiếp cận tàu USS Decatur trong một động thái “không an toàn” và “thiếu chuyên nghiệp”. Tàu Trung Quốc đã áp sát ngay trước mũi tàu Mỹ ở khoảng cách chỉ hơn 40m và yêu cầu tàu Mỹ rời đi. Đáp lại, giới chức Mỹ tuyên bố các tàu và máy bay của nước này có quyền hoạt động tự do ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép. Trước khi tàu USS Decatur tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ đã đưa các máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông hai lần vào các ngày 23 và 25/9. Lầu Năm Góc cho biết chuyến bay của B-52 là “hoạt động thường kỳ nhằm nâng cao năng lực tương tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ đâu vào bất cứ thời gian nào luật pháp quốc tế cho phép. Giới chuyên gia nhận định Mỹ đang chịu nhiều áp lực, do đó Mỹ đã kêu gọi các đồng minh Nhật Bản, Anh và cả Australia tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Chắc chắn một điều là Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông mà đóng vai trò ngày càng lớn trong khu vực này.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác cũng tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Tuần trước, tàu hộ vệ HMS Argyll của Anh đã tham gia tập trận chung với tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi đi qua Biển Đông. Tàu Argyll đến Biển Đông sau khi tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh hồi đầu tháng 9 đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trung Quốc đã điều một tàu chiến và các trực thăng tới theo dõi sát tàu Anh. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản ngày 13/9 đã triển khai tàu ngầm Kuroshio tham gia tập trận hải quân với các tàu chiến khác trên Biển Đông, trong đó có tàu sân bay trực thăng Kaga. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của một tàu ngầm Nhật Bản trên Biển Đông. Mặc dù được tiến hành ở khu vực xa các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, song giới quan sát cho rằng cuộc tập trận có thể khiến Trung Quốc bất an vì các tàu ngầm thường tạo ra mối đe dọa tiềm tàng lớn hơn so với các tàu mặt nước.
Trong một diễn biến mới nhất, theo như truyền thông của Australia hôm 01/10 đưa tin thì Australia sẽ điều động lực lượng thuộc cả ba quân chủng của quân đội nước này tham gia vào đợt diễn tập an ninh quốc tế mang tên “Cuộc tập trận Bersama Lima 18”, dự kiến bắt đầu từ ngày 2/10 tới ngày 19/10 tại Biển Đông. Lực lượng Australia tham gia đợt diễn tập này gồm 9 tiêm kích F/A-18 Hornet, 4 máy bay quân sự, hai tàu chiến và một trung đội bộ binh. Các máy bay, tàu chiến Australia sẽ phối hợp cùng lực lượng từ quân đội Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh trong cuộc diễn tập. Tàu khu trục HMNZS Te Mana của hải quân New Zealand cũng sẽ được triển khai tham gia cuộc diễn tập. Chiến hạm này vừa ghé thăm cảng Sài Gòn của Việt Nam. “Cuộc diễn tập này sẽ bao gồm nội dung huấn luyện thực địa, bắn đạn thật cũng như thực hành tại sở chỉ huy nhằm kiểm tra khả năng tác chiến của hải lục không quân Australia”, đại tá Nicholas Pratt, chỉ huy lực lượng Australia tham gia diễn tập, phát biểu. Đại tá Pratt cho rằng các hoạt động này sẽ mở rộng hiểu biết lẫn nhau về mặt chiến thuật và quy trình hoạt động giữa lực lượng quân đội 5 nước. Các quốc gia tham gia cuộc diễn tập này đều là thành viên của khối Thỏa thuận Quốc phòng Ngũ Cường được thành lập vào năm 1971. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng thể hiện sự lo ngại đối với các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Australia tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ hoạt động tự do hàng hải trên vùng biển này, khẳng định đây phải là khu vực cho tàu thuyền từ tất cả các quốc gia trên thế giới tự do hoạt động.